Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủCông NghệĐừng tự ý 'bắt bệnh' qua mạng xã hội

Đừng tự ý ‘bắt bệnh’ qua mạng xã hội

Tự ý “bắt bệnh” qua mạng xã hội; nhờ tư vấn chữa bệnh trên các diễn đàn; khuyên, chỉ dẫn mua thuốc; chia sẻ đơn thuốc bác sĩ kê để bệnh nhi dùng chung… đang là thói quen chữa bệnh nguy hiểm của nhiều người hiện nay. Việc làm thiếu suy nghĩ này là vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Suýt mất con vì tin “bác sĩ mạng”

Gần đây trên mạng xã hội rầm rộ câu chuyện về người mẹ nghe theo hội “bác sĩ mẹ online” gây cái chết tức tưởi cho con trai khiến hàng triệu người quan tâm. Câu chuyện đúng, sai chưa rõ nhưng có lẽ hàng ngàn bà mẹ “giật mình” bởi ít nhiều thấy bóng dáng mình trong đó.

Việc tìm kiếm và tư vấn các thông tin về sức khỏe trên mạng xã hội, internet hiện nay ngày càng trở nên phổ biến. Có thể thấy chưa bao giờ việc khám bệnh trở nên dễ dàng đến thế.

Đối tượng “bắt bệnh” trên mạng phần đông là chị em phụ nữ vì tâm lý hay lo lắng, sợ sệt và e ngại đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Thậm chí đã có rất nhiều người sống trong sợ hãi, lo lắng, đau khổ một thời gian dài vì lầm tưởng mình mắc bệnh nan y.

Một bà mẹ đã chụp ảnh cánh tay con bị nổi mẩn để hỏi tên bệnh và cách chữa trị. Rất nhiều người đã vào comment tên đủ loại thuốc bôi da cho trẻ nhỏ, chụp ảnh đơn thuốc mà con mình từng sử dụng…

Chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi tham gia rất nhiều hội thăm khám sức khỏe trên mạng. Từ khi có con, tôi lại càng chăm chỉ “lướt” các trang tư vấn nhiều hơn.

Mỗi khi con hắt, hơi, sổ mũi, đi ngoài… hay gặp bất cứ vấn đề gì tôi cũng vào các hội, nhóm của các bà mẹ để nhờ tư vấn. Cũng vì quá tin tưởng các bác sĩ “mạng” mà suýt chút nữa tôi tự đẩy con mình vào nguy hiểm”.

Chị Nhung cho biết cách đây gần 1 năm, con trai 2 tuổi của chị bỗng nhiên bị đi ngoài 7,8 lần/ ngày. Ngay lập tức chị lên mạng tra cứu thông tin và vào diễn đàn chia sẻ với các mẹ khác thì nhận được nhiều thông tin cho là chị quá lo xa, con họ đứa nào cũng từng bị vậy khi chuẩn bị mọc răng hoặc ăn phải thứ gì đó không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn chụp lại đơn thuốc mà con đã từng đi chữa tiêu chảy cho các mẹ khác tham khảo.

Chị Nhung nghe theo kinh nghiệm của các mẹ cho con uống búp ổi, uống nước cam, bổ sung nước, thậm chí mua theo đơn thuốc được chia sẻ… mà không hề đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Sang ngày hôm sau, con trai chị không có dấu hiệu đỡ mà sốt li bì nên gia đình vội vàng đưa vào bệnh viện. Nhập viện thì được bác sĩ thông báo là bé bị tiêu chảy do virut Rota may mà đưa vào viện kịp thời. Bà mẹ trẻ được một phen sợ hãi nhớ đời, cũng may là bé không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Nên đặt niềm tin đúng chỗ

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên cả nước liên tục tiếp nhận những ca biến chứng do bệnh nhân lướt web tìm thông tin về triệu chứng bệnh rồi tự chữa trước khi đến bác sĩ khám. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân là trẻ em ngày càng tăng cao.

Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa Nhi Đặng Quang Ngọc (Phòng khám Nhi Ngọc Trang) thì việc tự ý dùng thuốc cho trẻ em là đặc biệt nguy hiểm vì trẻ em có sức đề kháng kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau. Vì vậy, khi cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu “lướt mạng” thì khó thể đúng bệnh. Mà ngay cả khi đúng bệnh thì tùy từng trẻ sẽ có đơn thuốc khác nhau.

Bác sĩ Ngọc cũng cho biết thêm, trên thực tế hiện nay có rất nhiều bệnh viện, trung tâm phát triển mô hình tư vấn bệnh online. Theo bác sĩ, việc tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe trên Internet là rất nên làm, rất có lợi để bổ sung kiến thức cho bản thân, việc khám bệnh online cũng rất có nhiều lợi ích thiết thực.

Ưu điểm của việc khám bệnh online đó là: Người bệnh có thể chọn được các Bs uy tín, đáng tin cậy dù ở khoảng cách địa lý rất xa mà không thể tiếp cận; Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; Tránh được lây nhiễm từ môi trường bệnh viện; Giảm tải cho các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung Ương khi mà các bệnh đơn giản thôi nhưng cứ đua nhau đi để khám; Tránh được các lạm dụng xét nghiệm và đơn thuốc không cần thiết khi mà một số phòng khám tư nhân đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân để kiếm lời…“, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng việc người khám và tư vấn nhất định phải là bác sĩ không phải cộng đồng mạng. Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng hiện nay không ít thông tin về y tế, sức khỏe trên mạng bị “nhiễu” vì mục đích kinh doanh của các công ty dược hay phòng khám tư.

Nhiều người lợi dụng diễn đàn để quảng cáo sản phẩm của mình khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là thông tin y tế chính thống. Do vậy, người dân nên tự tìm cách bảo vệ mình, tìm cho mình những địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, chấm dứt tình trạng chữa bệnh theo “bác sĩ Google”, “bác sĩ đám đông”…

Theo Lao Động Thủ Đô

Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới