Thứ Năm, 24 Tháng 4, 2025
Trang chủTin Gia LaiĐường 7: Chia ly và đoàn tụ

Đường 7: Chia ly và đoàn tụ

Tháng 3-1975, quân giải phóng mở Chiến dịch Tây Nguyên đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột. Bất ngờ rồi thất bại, Quân đội Sài Gòn sau đó cũng vội vã tháo chạy khỏi Pleiku theo đường 7 (nay là quốc lộ 25)-con đường độc đạo nối Gia Lai-Phú Yên với những đèo cao hiểm trở.

Hàng chục ngàn người dân bị cuốn theo đoàn quân rút chạy trong hỗn loạn và tuyệt vọng. Bao nhiêu gia đình tan tác, chia ly không hẹn ngày trở lại. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, nỗi đau ly tán trong cuộc tháo chạy trên đường 7 vẫn chưa khép lại cùng hành trình tìm kiếm dai dẳng. Những nhịp cầu đoàn tụ không ngừng nghỉ bắt nhịp nối lại sum vầy, dù có mong manh tàn tro ký ức.

Kỳ 1
Chia ly trong loạn lạc

Đèo cao hiểm trở, hun hút những cánh rừng trơ trọi giữa mùa khô Tây Nguyên dọc theo quốc lộ 25 không chỉ găm đầy đạn pháo 50 năm trước mà còn găm cả máu và nước mắt của bao gia đình ly tán cho đến hôm nay.

Mất con trên đường 7

Đã 50 năm trôi qua, ông Võ Thận (46 Lý Chính Thắng, TP. Pleiku) vẫn chưa nguôi quên ký ức kinh hoàng ấy trong cuộc tháo chạy trên đường 7 vào tháng 3-1975 lịch sử. Đau thương hơn khi trong cuộc chạy loạn ấy, ông đã để lạc mất người con trai.

ong-vo-than-moi-mon-trong-hanh-trinh-tim-con-suot-50-nam-qua.jpg
Nỗi mỏi mòn ánh lên trong mắt, nhưng ông Võ Thận chưa khi nào từ bỏ hy vọng trong hành trình tìm con. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Thận nhớ lại: Khi chạy tới chân một cây cầu-theo ông phỏng đoán là cầu Sông Bờ ở thị xã Ayun Pa hiện nay, ông phải dừng lại để đưa gia đình đi sâu vào núi tránh đạn. Một mình ông dẫn 2 con nhỏ men theo đường mòn đi tìm nước. Chúng lả đi, chỉ nói thều thào: “Ba ơi khát quá”. Cực chẳng đã, ông phải cho mỗi đứa uống một chút nước tiểu của mình.

Ông kể: “Theo chỉ dẫn của người địa phương, tôi cõng 1 đứa men theo con suối cạn thì gặp được vũng nước nhỏ. Tôi cho con uống nước xong đặt nó nằm đó rồi chạy về xe đón gia đình. Nhưng khi trở lại thì không thấy con nữa. Có người đã bế đứa bé đi, bẻ cây rừng vứt xuống đường làm dấu. Tôi lần theo mãi vẫn không thấy, rồi mất dấu khi ra đường lớn. Tôi lạc mất con từ đó và đã đi tìm nó suốt 50 năm”.

Ông Thận có tất cả 10 người con, người lạc mất tên Võ Văn Quang (SN 1971), ở nhà thường gọi là Tèo. Khi bị lạc, anh Quang mới 4 tuổi. Vị trí lạc cách đường 7 khoảng 3 km về hướng Bắc.

Trong ký ức của người cha gần 90 tuổi, hình ảnh con trai vẫn mồn một trong trí nhớ: “Người thấp lùn, da ngăm đen, cổ ngắn, mũi tẹt, đôi tai to và vểnh”. Sau khi lạc con, gia đình ông “nghẽn” lại cùng dòng người chạy nạn. Sau đó, ông nhặt được chiếc xe đạp bỏ lại trên đường, chở vợ tìm kiếm suốt dọc đường 7. Đi đến làng đồng bào nào họ cũng hỏi thăm nhưng không có manh mối.

mot-to-roi-do-gia-dinh-ong-vo-than-cung-cap-de-tim-kiem-nguoi-con-that-lac-tren-duong-7-anh-chup-lai-to-roi.jpg
Một tờ rơi do gia đình ông Võ Thận cung cấp để tìm kiếm người con thất lạc trên đường 7. Ảnh chụp lại tờ rơi

Thương nhớ người con lạc mất, vợ chồng ông đã nhận nuôi thêm một đứa trẻ lạc trên đường 7, đặt tên là Đức. Đứa con nuôi của gia đình có kết quả viên mãn khi đã tìm lại được gia đình ở Bình Định. Còn với ông Thận, nỗi đau mất con chưa khi nào nguôi trong trái tim người cha. Hàng ngàn tờ rơi với hình ảnh và thông tin đứa con thất lạc được ông dán khắp nơi cùng số tiền 1.000 USD hậu tạ nếu có ai biết thông tin anh Quang. Gia đình ông cũng tìm kiếm qua nhiều kênh kết nối, mạng xã hội nhưng 50 năm trôi qua vẫn bặt tăm.

Đưa chúng tôi xem một tập kết quả xét nghiệm ADN, ông Thận cho biết đã làm việc này không biết bao lần với những đứa trẻ lạc khác trên đường 7 có độ tuổi gần với con của mình, nhưng hy vọng cứ tắt dần. Ông Thận nhắn gửi: “Con ơi, ba đã tìm con 50 năm rồi. Nếu sau này ba không còn, các anh chị vẫn tiếp tục tìm con. Nếu còn sống, con hãy tìm về anh chị em của mình, đoàn kết yêu thương nhau”.

Sau nhiều năm dài chờ đợi, tìm kiếm, ông Nguyễn Tấn Đinh (SN 1943, quê xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định; hiện trú tại nhà số 103 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku) đành lòng chọn ngày rằm tháng 2 hàng năm làm ngày giỗ chung cho vợ là bà Huỳnh Thị Tài và 3 người con thơ dại thất lạc trên đường 7 vào một ngày tháng 3-1975. Dù vậy, nỗ lực tìm kiếm vẫn không dừng lại. Hy vọng về ngày đoàn tụ vẫn cháy bỏng trong lòng ông và gia đình.

Ở tuổi ngoài 80, nhiều người dần bị thời gian “đánh cắp” ký ức nhưng ông Đinh không thể quên nổi cái ngày đau buồn cách đây tròn nửa thế kỷ. Ông hồi tưởng: Trước ngày định mệnh đó, gia đình ông đông con, tuy cũng có lúc khó khăn nhưng cuộc sống êm đềm trôi qua trong ngôi nhà nhỏ ở số 49 Trần Quý Cáp, thị xã Pleiku. Ông từng thi rớt tú tài nên lận lưng nghề mộc kiếm sống, còn vợ thì bán cá ở chợ Nhỏ. Họ có 4 người con gồm: Nguyễn Tấn Tiên (SN 1968), Nguyễn Thị Huỳnh Dung (SN 1970), Nguyễn Thị Kiều Trang (SN 1971) và Nguyễn Tấn Thịnh (SN 1973).

fa95c0eaf77e44201d6f.jpg
Ông Nguyễn Tấn Tiên và em gái Nguyễn Thị Huỳnh Dung (tên ở nhà là Xâu) thuở nhỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do từng có thời gian sống gần một làng Jrai ở Đức Cơ nên ông Đinh đặt tên ở nhà của 2 cô con gái khá ngộ nghĩnh. Chị Dung sinh năm Tuất nên có tên là Xâu (chó, trong tiếng Jrai), còn chị Trang tuổi Hợi nên được gọi yêu là Bui (heo). Riêng chị Dung còn có đặc điểm riêng là có 1 nốt ruồi ở phía sau tai trái.

Một ngày giữa tháng 3-1975, thấy hàng xóm ồ ạt bỏ nhà cửa tháo chạy xuống đồng bằng, gia đình ông chưa hiểu rõ ngọn ngành nhưng cũng bị hoang mang. Cả nhà 6 người lớn bé chỉ kịp mang theo ít quần áo, tư trang lên đường và xin đi nhờ 1 chiếc xe GMC cùng nhiều gia đình khác. Con trai út khi đó mới 2 tuổi, lại đang sốt cao nên vợ ông phải bế suốt trên tay. Bốn bên đủ loại phương tiện ùn ùn chen lấn tìm đường rời khỏi thị xã, từ xe lam cho đến xe honda… Tối hôm sau, khi xe đến khu vực cầu Sông Bờ thì ly tán do bị pháo kích.

duong-7-la-cung-duong-doc-dao.jpg
Đường 7 (nay là quốc lộ 25) là cung đường độc đạo nối Gia Lai-Phú Yên, nơi chứng kiến bao máu và nước mắt của những cuộc ly tán tháng 3-1975. Ảnh: Tiền Lê

Ông Đinh nhớ lại: Như cua trong giỏ đổ ra, tất cả mọi người trên xe hỗn loạn ào xuống tìm chỗ lánh đạn. Ông vội đưa vợ con xuống xe, nhưng sau đó phát hiện thiếu con trai đầu Nguyễn Tấn Tiên nên bảo vợ đứng chờ để mình đi tìm. Thì ra, cậu bé Tiên, khi đó 7 tuổi, đã xuống xe nhưng thấy pháo kích dội tới nên hoảng quá, chui xuống gầm xe trốn. Khi ông Đinh bế được con ra, quay lại chỗ vợ đứng chờ thì không còn thấy bà và 3 con nhỏ.

Gửi con trai lên xe cùng người họ hàng quay lại thị xã, ông Đinh thất thểu đi bộ 90 km từ đó về tới Pleiku, vừa đi vừa dò la tin tức vợ con nhưng không lần ra bất kỳ manh mối nào. Gia đình thất lạc nhau như thế, từ một vết cứa nghiệt ngã của số phận.

3.jpg
Ông Nguyễn Tấn Đinh và con trai Nguyễn Tấn Tiên xem lại những bức ảnh cũ của gia đình. Ảnh: Phương Duyên

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tiên bày tỏ: “Ba tôi hoàn toàn suy sụp. Ông như hóa điên vì mất một lúc cả 4 người thân. Tới bữa, 2 cha con dọn mâm cơm ra mà rơi nước mắt”. Còn ông Đinh nói về những ngày gắng gượng vượt qua biến cố: “Cũng có lúc tôi muốn buông xuôi. Nhưng lại nghĩ, thằng Tiên đã mồ côi mẹ, giờ chẳng lẽ để nó mồ côi cha? Tôi nhớ tới truyện ngắn “Anh phải sống” của Khái Hưng-Nhất Linh mà bình tâm lại”.

Hy vọng vợ con sẽ tìm về nên 2 cha con ở trong căn nhà cũ chờ đợi đến cả chục năm sau. Khi nhà xuống cấp nặng, họ đành rời đi. Nghe ở đâu có trường hợp giống người thân thất lạc, họ lại lên đường tìm kiếm. Đất Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa) mòn bàn chân kiếm tìm người thân cha con ông Đinh. Xâu, Bui, 2 cô con gái có cái tên Jrai ở nhà biết đâu lại được thương yêu, nuôi nấng và lớn lên ở một ngôi làng Jrai ven sông Ba? Thịnh, con trai út khi đó còn nhỏ quá, lại đang đau bệnh nên hy vọng mong manh. Còn bà Tài, khi lạc nhau đã 27 tuổi, lẽ nào không biết đường về, phải chăng…? Trong đầu ông Đinh lúc nào cũng chỉ những suy nghĩ đó.

Mang trong lòng vô vàn câu hỏi rối bời, họ cũng lặn lội tới Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Nhưng đáp lại chỉ là sự vô vọng.

chan-dung-ba-huynh-thi-tai-thoi-tre-anh-nvcc.jpg
Chân dung bà Huỳnh Thị Tài thời trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cầm trên tay tấm ảnh chân dung của vợ, trên đó có dòng chữ nắn nót: “Hiền thê của Nguyễn Tấn Đinh, Huỳnh Thị Tài. Sinh năm Mậu Tý (1948), từ trần 15-2 Ất Mão (1975)”, ông Đinh trầm ngâm: “Vợ tôi nước da trắng, đẹp nhất trong số 3 chị em gái trong nhà; tính tình hiền lành, chiều chồng thương con”.

Không riêng gì ông Võ Thận, ông Nguyễn Tấn Đinh, nỗi đau mất người thân trên con đường chết chóc năm nào vẫn còn ám ảnh nhiều gia đình khác. 50 năm đã trôi qua như thế-trong nỗi đau, nỗi khắc khoải không gì tả nổi.

Thực hiện: HOÀNG NGỌC-PHƯƠNG DUYÊN/ Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới