Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủNông NghiệpGiá cà phê thấp kỷ lục, chưa vào vụ mới nhà nông...

Giá cà phê thấp kỷ lục, chưa vào vụ mới nhà nông đã lo thua lỗ

Khoảng 1 tháng qua, giá cà phê nhân xô trong nước liên tục giảm sâu và hiện còn từ 31.900 – 32.500 đồng/kg. Giá cà phê toàn cầu cũng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay… Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp và nông dân cần thận trọng trong việc dự trữ cà phê, nhất là khi giá có thể tiếp tục giảm sâu khi Việt Nam vào vụ thu hoạch mới.
Lo sụt giảm kim ngạch 
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8, nước ta xuất khẩu được 135.000 tấn cà phê, trị giá 246 triệu USD, tăng 1,8% về lượng, nhưng giảm 1,1% về trị giá so với tháng 7.2018. Lũy kế 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,307 triệu tấn, trị giá 2,498 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
 Người trồng cà phê đang thấp thỏm lo âu vì giá cả quá thấp (ảnh minh họa).  Ảnh: T.L
Theo Vicofa, những năm gần đây, các tổ chức cà phê thế giới đánh giá khá cao chất lượng cà phê của Việt Nam, hầu như không có chuyến hàng nào phải trả lại. Do đó, chúng ta cần có giải pháp đẩy mạnh công nghệ chế biến để cà phê có giá trị xuất khẩu cao hơn, nâng giá bán cà phê nhân ra thế giới, đồng thời cần nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20 – 30%, nhằm nâng cao hiệu quả của ngành hàng cà phê.
Về giá cà phê xuất khẩu, xu hướng giảm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2018 đến nay. Cụ thể, tháng 8.2018, giá cà phê xuất khẩu bình quân ước đạt 1.822USD/tấn, giảm 3,1% so với tháng 7.2018 và giảm 22,1% so với tháng 8.2017. Lũy kế 8 tháng năm 2018, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt khoảng 1.911USD/tấn, giảm tới 15,6% so với 8 tháng năm 2017.
Tại thị trường nội địa, ngày 5.9, giá cà phê nhân xô ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm 300 đồng/kg, xuống giao dịch quanh mức 31.900 – 32.500 đồng/kg.
Tại các kho quanh khu vực TP.HCM, giá cà phê xuất khẩu cũng giảm sâu, chỉ còn 33.600 đồng/kg. Các chuyên gia cho biết, đây là mức giá thấp kỷ lục trong vòng… 50 năm qua.
Hiện thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu mua thấp. Hầu hết các dự báo thị trường đều cho rằng giá cà phê khó khôi phục trong những tháng cuối năm 2018. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ điều này, hoạt động mua bán ngưng trệ do người nông dân “ém” hàng, không muốn bán cà phê với giá quá thấp.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã phải điều chỉnh mục tiêu kim ngạch của ngành xuống khoảng 3 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 0,8% về khối lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với niên vụ trước. Được biết, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 1,422 triệu tấn cà phê, thu về 3,209 tỷ USD, với giá xuất khẩu bình quân đạt 2.257USD/tấn.
Viễn cảnh u ám kéo dài hết năm 2018?
Mặc dù thời điểm này nông dân gần như đã bán hết cà phê vụ trước (các thương nhân ước tính người trồng cà phê đã bán khoảng 1,58 triệu tấn dựa trên sản lượng 1,75 triệu tấn của vụ mùa 2017 – 2018), nhưng mặt bằng giá giảm quá sâu đã khiến nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đứng ngồi không yên khi vụ thu hoạch mới không còn xa.
Anh Nguyễn Văn Hải ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo (tỉnh Đăk Lăk) than thở: “Giá cà phê ngày càng xuống thấp, trong khi chi phí đầu vào thì tăng chóng mặt, dù chưa thu hoạch nhưng đã có thể nhìn thấy trước cả thua lỗ. Chưa nói đến phân bón, nước tưới, chỉ tính giá thuê nhân công thu hoạch, năm trước là 150.000 đồng/công/ngày thì nay tăng lên 200.000 đồng/công. Nếu không thuê thì không có người thu hoạch, còn thuê thì chắc chắn lỗ”.
Viễn cảnh u ám của ngành cà phê trong năm nay càng tăng cao khi dự báo sản lượng vụ mới tại 4 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông – nơi chiếm hơn 90% sản lượng cà phê của Việt Nam) sẽ tăng hơn 4% trong niên vụ 2018 – 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, do thời tiết thuận lợi nên dự kiến sản lượng cà phê của tỉnh này sẽ đạt kỷ lục, khoảng 477.000 tấn vụ mùa tới, từ mức 454.000 tấn trong năm nay. Theo khảo sát, tính đến cuối tháng 7 các tỉnh trên đã tái canh khoảng 85.000ha cà phê, năng suất tại các trang trại tái canh trung bình đạt 3,25 tấn/ha, cao hơn so với mức 2,59 tấn ở các khu vực không tái canh.
Điều nghịch lý là dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê (sau Brazil), nhưng đến nay ngành cà phê nước ta vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cà phê thế giới về giá. Chỉ một biến động nhỏ trên sàn giao dịch kỳ hạn cũng đủ khiến giá cà phê trong nước chao đảo theo. 
Theo Bộ NNPTNT, có khoảng 90% sản lượng cà phê Việt Nam được xuất khẩu thô ra thế giới, còn 10% dùng để chế biến và tiêu thụ trong nước. Cà phê được đánh giá là ngành hàng khổng lồ, khi mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho tiêu dùng cà phê, nhưng doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Việt Nam mới chỉ đạt hơn 3 tỷ USD.
Về điều này, ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Vicofa cho rằng, nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam chưa thể ghi tên vào bản đồ thức uống thế giới là do khâu chế biến yếu kém. Hiện cả nước có trên 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ vài doanh nghiệp như Trung Nguyên, Phúc Long, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa hay Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang có sản phẩm cà phê chế biến (cà phê hòa tan, rang xay…) xuất khẩu.
“Nếu xuất khẩu được cà phê rang xay và hòa tan, giá trị sẽ tăng gấp đôi so với cà phê nhân. Nhưng doanh nghiệp cà phê Việt phần lớn là vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên rất khó để đầu tư trang thiết bị, máy móc. Hiện chi phí đầu tư 1 máy chế biến cà phê hòa tan hoặc rang xay với công suất 1.000 tấn, cũng vào khoảng 10 triệu USD” – ông Tự cho hay.
Thiên Ngân (Dân Việt)

Trang chủ » 03. Thị trường cà phê » Giá cà phê thấp kỷ lục, chưa vào vụ mới nhà nông đã lo thua lỗ

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới