Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai 85 năm trước...

Gia Lai 85 năm trước…

Chúng tôi đã có bài sơ lược giới thiệu chuyến kinh lý của vua Bảo Đại đến Gia Lai năm 1933 nhưng vì khuôn khổ bài báo nên chỉ lướt nhanh vài hành trang của nhà vua khi đến đây. Nay, dựa theo bài tường thuật chuyến đi ấy, xin giới thiệu tiếp vài cảnh quan và thực trạng Gia Lai cách đây đúng 85 năm.

Sáng 15-2-1933 (tức 21 tháng Giêng, năm Quý Dậu-năm Bảo Đại thứ 8), nhà vua và đoàn tùy tùng từ ngã ba cầu Bà Di (giao lộ đường 1A và đường 19) lên Gia Lai. Khi qua đèo An Khê, cảnh sắc nơi đây được miêu tả: “Núi cao nhiều lớp chồng chập nhau, lên khỏi đèo là cao nguyên, không phải đi xuống nữa”. Tại đây, nhà vua ghé thăm đồn binh An Khê: “Đến đồn An Khê có quan giám binh Nicolla đem lính đóng hầu. Ngự giá ngừng lại. Hai bên cửa đồn có chừng 150 người Thượng sắp hàng đánh nhạc, nào cồng nào trống ầm ĩ vang rừng”.

Ảnh internet
Ảnh internet

Với địa thế giao hòa 2 tiểu vùng khí hậu, là miền thảo nguyên tươi tốt, nên lúc bấy giờ An Khê được chọn làm nơi phát triển chăn nuôi, lập Sở Súc mục: “8 giờ 15 phút, giá hạnh Sở Súc mục (Etablissement dElevage dAn khê). Có quan Thú y Lebouc cung đạo. Sở này thuộc về Sở Canh nông, nuôi các thứ súc vật lấy giống. Có nhiều con bò đực cao lớn lắm, u cao đến hai, ba tấc tây. Hiện nuôi 459 con bò, 25 con ngựa cái, 100 con cừu, trâu 23 con…”.

Từ An Khê, nhà vua tiếp tục lên đường. Cảnh sắc từ đây cũng được miêu tả: “Đàng cứ đi lên cao mãi. 9 giờ 15 phút, qua đèo Măng Giang (Mang Yang-N.V). Dọc đường, rừng tre rất nhiều, giống tre này không to lắm, thổ dân kêu là cây “le”, thường cắt măng mà ăn…”. Dĩ nhiên, ngày nay những rừng le ấy đã đi vào… quá vãng!

Đến khoảng giáp ranh 2 huyện Mang Yang và Đak Đoa ngày nay: “Đến địa đầu Gia Lai, có quan Công sứ Jeannin và Quản đạo Tôn Thất Cổn nghinh giá. Từ cây số 119 sấp lên ngó bằng phẳng mênh mông, không thấy núi nữa”. Vì đất đai tương đối bằng phẳng và tươi tốt này nên tại khu vực này bà con miền xuôi ta đã lên lập một số làng xóm và người Pháp cũng đã lập những sở đồn điền: “Ngự giá dừng lại lãm đồn điền ông Genaud và dân cư người An Nam”.

Và khi đến Pleiku, thủ phủ tỉnh (đạo) Gia Lai: “10 giờ 40 phút, đến Pleiku. Đạo Gia Lai vừa mới đặt ra từ tháng 11 năm Bảo Đại thứ 7 (Décembre 1932) chưa dựng hành cung mà cũng chưa làm dinh thự chi cả. Hoàng thượng trú tất tại Tòa sứ. Bộ tộc Djarai và Bahnar về chầu nghinh giá ước nghìn người, đem rượu ghè và trứng gà về dâng. 11 giờ 30, thiết triều bái khánh dâng hạ biểu tại nơi hành cung tạm, trần thiết cũng chỉnh nhã. Quan Quản đạo phụng tuyên hạ biểu, quan Công sứ đọc lời chúc tụng. Hoàng thượng đáp từ xong ban thưởng huy chương. 12 giờ, ngự thiện (ăn trưa-N.V) tại Tòa sứ”.

Đoạn tư liệu cho thấy, như vậy chỗ lâu nay quen gọi “Biệt điện Bảo Đại” là chưa chuẩn! Đó là Tòa công sứ Pháp, được dùng làm “hành cung tạm” cho nhà vua, chứ chưa phải là “biệt điện” như ở các nơi khác (Buôn Ma Thuột, Hồ Lak, Đà Lạt, Nha Trang…).

Đầu giờ chiều hôm ấy (15-2-1933), sau khi xem cuộc đua ngựa do bà con dân tộc thiểu số tổ chức, nhà vua đi thăm các đồn điền cà phê, chè… của người Pháp xung quanh Pleiku, nghe “báo cáo” thực trạng sản xuất, kinh doanh. Thiết nghĩ, sau 85 năm, người Gia Lai đời nay cũng nên đọc (dẫu có hơi dài dòng một tí) để hình dung ít nhiều kỹ thuật canh tác và chế biến lúc bấy giờ: “3 giờ 15 phút, ngự giá đến Sở chè “CATECKA” (Compagnie agricole des thés et cafés du Kontum de lAnnam), tục kêu là Bầu Cạn(…). Sở này lập ra từ tháng 10-1925. Toàn Sở rộng 3.500 mẫu tây, trồng chè được 700 mẫu tây, trong đó chè đã hái được là 400 mẫu tây. Lại có 30 mẫu tây trồng cà phê, nhưng phải bỏ đi vì không tốt. Trong Sở có nhà máy làm chè. Chè non hái đem vào máy cuốn lại, bỏ vào buồng ủ, rồi đem ra máy chạy cho khô, lại đem đến máy khác mà sàng lựa riêng chè lớn chè nhỏ, xong rồi mới vào thùng đóng gửi đi; mà để chè vào thùng cũng có máy lắc cho chè xuống. Nói tóm lại, là từ khi hái chè xanh bỏ vào máy cuốn cho đến khi chè khô đóng thùng gửi đi, nhất thiết đều là dùng máy cả, duy lựa thứ chè khô sắc xanh và sắc đen là dùng đàn bà con gái lựa bằng tay mà thôi.

4 giờ, khải hành giá hạnh Sở SAPKO (Société Anonyme des Plantions Kuky Odron), tục kêu là Đất Bệt(…). Sở này đất đỏ trồng chè, cà phê và mít.

5 giờ 40 phút, tới Sở STI (Société des This de lIndochine(…). Sở này trồng chè nhiều và cũng có nhà máy làm chè như ở CATECKA. Đất trồng chè 500 mẫu tây(…). Đương ngày mùa thời 1.300 cân chè tươi làm được 7-8 chục cân chè khô(…). Ngày mùa thường dùng nhân công chừng 1.000 người, cả đàn ông đàn bà, ngày không phải mùa thời dùng chừng 500 người thôi. Hoàng thượng có ban huy chương. Hội Sở có đem 2 đứa con gái ăn mặc chỉnh tề bưng khay chè quý dâng Hoàng thượng để làm kỷ niệm chè của Hội(…). 6 giờ 15 phút, viên quản lý cung đạo giá hạnh vườn chè. Chè lên cao chừng 5-6 tấc tây, sum sê tươi tốt. Đàn bà đàn ông mỗi người mang một cái giỏ đang hái chè. Theo lời viên quản lý tâu, thời ngày mùa dùng người hái chè là 600 đàn bà, 150 đàn ông.

6 giờ 25 phút, khải giá lên Kon Tum. Tối lại, gần đàng quan, người Thượng đốt lửa như tuồng để nghinh giá”.

Ngày hôm sau (16-2-1933), nhà vua kinh lý Kon Tum và đi du lãm thác Ia Ly; tối về nghỉ đêm ở Kon Tum. Sáng sớm 17-2-1933, nhà vua ngược lại đường 14, đi Đak Lak. Dĩ nhiên là phải ngang qua Gia Lai lần nữa: “8 giờ 40 phút, đến Pleiku, giá ngừng lại, vào Tòa sứ tảo thiện (ăn sáng-N.V). 8 giờ 50 phút, khải hành. Đường đi giữa rừng. 10 giờ 5 phút, đến địa đầu Darlac (Đak Lak-N.V)…”.

Đoạn tường thuật cho thấy lúc bấy giờ khoảng phía Nam TP. Pleiku và các huyện Chư Sê, Chư Pưh ngày nay chỉ toàn rừng hoang vu, chứ không phong quang cảnh sắc và xanh tốt hồ tiêu, cà phê, cao su… như bây giờ!

Tạ Văn Sỹ

Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới