Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Cần tập trung ngăn chặn lừa đảo sổ đỏ của...

Gia Lai: Cần tập trung ngăn chặn lừa đảo sổ đỏ của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Ảnh minh họa

Thời gian qua ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai (như huyện Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Prông…) xuất hiện nhiều đối tượng người Kinh lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu vay tiền ngân hàng của người dân tộc thiểu số (DTTS) để lừa đảo chiếm đoạt Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ), sau đó đem thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc bán cho người khác để trục lợi.

Thủ đoạn của các đối tượng thường là dò la tìm hiểu nhu cầu vay tiền ngân hàng của người DTTS nhưng chưa có Sổ đỏ để thế chấp hoặc do người đứng tên Sổ đỏ có thu nhập thấp, vay được ít tiền hơn so với nhu cầu nên dùng lời lẽ “ngon ngọt” dụ dỗ, thuyết phục nạn nhân để cho đối tượng làm giúp Sổ đỏ, đứng tên trong Sổ đỏ giúp vay tiền thuận lợi hơn, được nhiều hơn, còn tài sản (đất) vẫn là của mình và việc ký vào các loại giấy tờ do đối tượng soạn sẵn chỉ là thủ tục, hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, thực chất đối tượng đã làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên mình lừa nạn nhân ký để chiếm đoạt tài sản, rồi sử dụng Sổ đỏ đứng tên mình vay tiền tại ngân hàng, vay ngoài xã hội hoặc bán cho người khác mà không trả lại sổ đỏ, không đưa tiền vay được từ ngân hàng cho đồng bào. Đến khi đối tượng không trả được nợ ngân hàng đến kiểm tra lô đất để phát mãi tài sản thu hồi nợ thì người DTTS mới ngỡ ngàng biết bản thân đã bị lừa chuyển nhượng quyền sủ dụng đất trong Sổ đỏ và mất cả lô đất ngoài thực tế.

Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm. Điển hình như vụ Hà Thị Toan lừa chuyển tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 04 hộ ở xã Ia Ko, Ia Lốp, huyện Chư Sê với 18 lô đất có diện tích hơn 10ha, sau đó sử dụng vay tiền ngân hàng và bán cho người khác; vụ Nguyễn Thị Kim Đức đã lừa 02 hộ ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông chuyển tên 06 lô đất để thế chấp vay tiền của ngân hàng và ngoài xã hội. Hay mới nhất là vụ việc do Thông tấn xã Việt Nam phản ánh về đối tượng tên Tuất lừa một số hộ dân ở xã Glar, huyện Đăk Đoa vay tiền ngoài xã hội để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay tiền ngân hàng nhưng phải cho cho đối tượng đứng tên để được vay nhiều tiền dẫn đến có người bị mất đất, có người phải bán tài sản trả nợ hoặc bị đe dọa, phải trả lãi nóng…

Do đó, để tăng cường công tác quản lý, phòng chống các đối tượng lừa đảo lừa đảo Sổ đỏ của người dân, nhất là người DTTS trên địa bàn tỉnh; cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt một số mặt công tác sau: 

Một là, rà soát, thống kê, đánh giá đúng thực trạng tình hình lừa đảo liên quan đến Sổ đỏ của người dân tộc thiểu số trên địa bàn và có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả. 

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động lừa đảo chuyển quyền sử dụng đất của các đối tượng để người dân nắm, nâng cao cảnh giác. 

Ba là, có biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội ở vùng DTTS, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhu cầu làm Sổ đỏ, vay vốn của đồng bào.

Bốn là, thường xuyên nắm tình hình ở cơ sở, vùng DTTS và thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm để người dân mạnh dạn, tích cực tố giác các đối tượng có hành vi mờ ám, lừa đảo để xử lý kịp thời. 

Năm là, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký quyền sử dụng đất cho người DTTS. Các ngân hàng thương mại làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về thủ tục vay vốn, kiểm tra kỹ các hồ sơ vay liên quan đến người DTTS để tránh rủi ro. Các cơ quan Tư pháp làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt Sổ đỏ của người dân tộc thiểu số và các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có liên quan./.

Trần Văn Cường  

Nguồn: Congan.gialai.gov.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới