Không cần chó săn cũng chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là những thanh tre đan chéo nhau, chỉ từ 17h đến 20h, một người ‘thợ săn’ bản địa ở (làng Kon Pling, xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai) đã có thể bẫy được 20 chú chuột béo trùng trục.

Hoàng hôn đã buông xuống dưới bản làng Kon Plinh, đây cũng là lúc từng tốp người bản địa thay nhau lên núi săn chuột rừng. Ở các thành phố lớn, chuột rừng là món ăn có vẻ xa lạ, ghê rợn và không được chào mời, thế nhưng ở “ốc đảo” Kon Pne món ăn này đang được xem là đặc sản của núi rừng.

Những người bản địa tại làng Kon Pling sẽ chọn nơi đặt bẫy chuột gần bãi đất hoa màu của bà con.

Theo chân “cao thủ” Iơr (35 tuổi, trú tại làng Kon Plinh) lên rừng săn chuột, chúng tôi mới thấy được kỹ xảo giăng bẫy tre dụ chuột của những người bản địa điêu luyện tới mức nào.

Chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là những thanh tre tạm bợ đã được đan sẵn vào nhau và đặt những chiếc bẫy này vào từng đường chuột chạy. Thế nhưng rất nhiều chú chuột rừng ranh mãnh cũng không thể thoát khỏi chiếc bẫy kì lạ ấy.

Những lối đi của chuột mà anh Iơr chọn để đặt bẫy .

Chia sẻ về kinh nghiệm bẫy chuột rừng, anh Iơr cho hay: “Khi lên rừng bẫy chuột chỉ cần lấy những thanh tre đan lại vào nhau và làm cái chốt dưới cùng để lúc chuột chạy ngang bẫy sẽ sập xuống và con mồi sẽ mắc lại. Việc đặt những chiếc bẫy tre này khá đơn giản gần giống như đặt bẫy chim. Điều quan trọng là tìm nơi để đặt bẫy, phải đặt bẫy vào những đường chuột chạy. Thông thường chúng ta nên chọn những nơi nhiều hoa màu của người dân để đặt bẫy vì mùa này chuột rừng thường xuyên phá hoại lúa, mì của bà con. Chuột rừng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chúng gần như một lối mòn vậy chỉ cần đặt vào những lối mòn đó thì chuột sẽ tự sập bẫy thôi”.

Không cần dùng đến những chiếc bẫy bằng sắt hiện đại mà đơn giản người dân nơi đây chỉ dùng thanh tre để bẫy chuột.

Được biết, thịt chuột rừng hiện đang là món ăn đặc sản của “ốc đảo” Kon Pne. Bên cạnh việc thiết đãi những vị khách phương xa lưu tới, thịt chuột rừng còn là món ăn mặn hàng ngày của những người bản địa nơi đây. Chuột rừng có thể chế biến được rất nhiều món ngon như, bóp riềng mẻ nấu giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh… Thế nhưng, món ngon nhất vẫn là thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa.

Một người bản địa đang hướng dẫn vị khách phương xa cách bẫy chuột rừng.

Một chú chuột béo núc đã nhanh chóng sa lưới của anh Iơr.

Chuột rừng thường to hơn chuột đồng, nhiều con đạt tới 500-700g, thậm chí có con còn đạt đến gần 1kg. “Thịt chuột rừng không những không độc hại mà còn rất sạch vì nó ăn lúa, mì trên nương và hoa quả rừng. Sau khi bẫy được chuột rừng về, công việc đầu tiên là phải dùng rơm khô thui vàng da rồi mới mang đi xử lý tiếp. Tiếp đó, mang mình chuột đi rửa sạch sẽ, để ráo nước và bắt đầu chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thông thường gia đình tôi thường hay nấu món bóp riềng mẻ nấu giả cầy và nấu xáo măng…”, anh Iơr cho biết thêm.

Thành quả của anh Iơr sau chuyến đi là những chú chuột béo.

Cũng theo anh Iơr, thời gian tốt nhất để đặt bẫy chuột là khoảng 17h, lúc này chuột bắt đầu ra khỏi hang đi kiếm ăn. Sau khi đặt bẫy xong đến khoảng 20h sẽ đi kiểm tra và thu bẫy về. Trung bình mỗi buổi tối như vậy sẽ bẫy được trên 10 con, thậm chí có hôm còn bẫy được 20 con. Nhiều nhất vào vụ mùa, thu hoạch lúa hoặc mì…

Cái chốt dưới bẫy giúp giữ lại con mồi khi sa lưới của bác thợ săn.

Những con chuột rừng béo tròn đã bị tóm gọn sau nữa buổi chiều của người dân nơi đây.

Trần Hiền

Theo Danviet.vn