‘Ở cái nơi xa tít của rừng núi Tây Nguyên, 20/11 của chúng tôi là những đóa hoa dại mà các em hái ở rừng, những lời chúc mừng vụng về đầy e thẹn của học trò dân tộc. Đó là món quà vô giá đối với tôi’, thầy Ninh Văn Dậu cho hay.
Nếu ai gặp thầy Ninh Văn Dậu – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) lần đầu tiên thì sẽ thấy ngay cái nắng gió của núi rừng Tây Nguyên in đậm trên gương mặt khắc khổ của thầy.
Đó chính là thầy giáo 36 tuổi vẫn độc thân và ngày ngày cặm cụi vào rẫy vận động học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến trường làm xúc động hàng triệu trái tim.

Thầy Ninh Văn Dậu (áo đỏ) đi thuyết phục học sinh quay lại lớp học
Ở mảnh đất chỉ có cái nắng, cái gió của đại ngàn Tây Nguyên ấy thì việc học sinh đến trường đầy đủ mỗi ngày là biết bao sự nhọc nhằn, vất vả, cố gắng và là niềm vui của người cầm phấn. Ở đó, có những người thầy không bao giờ tính toán thiệt hơn, không dùng điểm số để trù dập học sinh hay không bao giờ biết đến hai chữ “bạo lực” với học sinh. Có lẽ, với họ, học sinh đến trường và ngày càng trưởng thành đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người làm thầy.

Thầy Ninh Văn Dậu
Chia sẻ với PV báo Infonet, thầy Ninh Văn Dậu cho hay: “Sau đợt tháng 3 năm học 2016 – 2017 tôi cũng phải trực tiếp đi vận động học sinh từ rẫy trở về học, việc thuyết phục được các em trở lại trường là điều chưa bao giờ dễ dàng. Đa số lí do mà học sinh không muốn đến trường là vì cuộc sống nghèo khổ quá và các em muốn ở nhà lao động giúp gia đình.
Đầu năm học 2017, tại ngôi trường mà tôi công tác, tình trạng học sinh bỏ học lại tiếp tục diễn ra phổ biến. Tôi cũng phải trực tiếp đi vận động nhiều trường hợp trong lớp mà tôi chủ nhiệm. Sau đó, các em cũng đã có nhận thức khá hơn và quay trở lại lớp học.
Tuy nhiên, vẫn còn một số em do phong tục của người dân tộc, các em tảo hôn quá sớm nên việc bỏ học có nguy cơ lớn.
Một trong những học trò mà tôi nhớ nhất là Ksor Gôl – người đã cương quyết bỏ học vì “thấy người nhà đi làm khổ quá, thương mọi người nên ở nhà đi làm luôn”. Trước đó, tôi và một số học sinh khác trong lớp đã nhiều lần đến nhà và lên tận rẫy với quãng đường rừng 20km để thuyết phục em quay trở lại trường.
Sau nhiều lần lên thuyết phục và cảm hóa thì cậu học trò này cũng đã hiểu ra vấn đề quay trở lại lớp học. Hiện em Ksor Gôl đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và thi đỗ tốt nghiệp.
Học trò ở đơn vị mà tôi công tác 100% học sinh là dân tộc thiểu số. Chính vì vậy những cảm xúc của các em với thầy cô rất chân thành và thật thà mà tôi tin chắc rằng những đồng nghiệp của tôi ở nơi khác có thể không có.
Ở cái nơi xa tít của rừng núi Tây Nguyên, 20/11 của chúng tôi là những đóa hoa dại mà các em hái ở rừng, những lời chúc mừng vụng về đầy e thẹn của học trò dân tộc.
Nó không phải những món quà vật chất cao sang nhưng với một nhà giáo như tôi chỉ như vậy là quá đủ rồi vì đó là sự chân thành từ trong đáy lòng của các em”.
Khi PV thắc mắc, nếu có một ngôi trường dưới miền xuôi, cơ sở vật chất tốt hơn mời thầy về dạy thì thấy sẽ quyết định thế nào? Chia sẻ về điều này, thầy Ninh Văn Dậu cho hay: “Đó là mơ ước của rất nhiều thầy cô nhất là những thầy cô công tác ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, sau khi gắn bó với ngôi trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) tôi rất thấu hiểu với hoàn cảnh của các em nên tôi chưa nghĩ rằng mình sẽ rời xa nơi đây. Tôi sẽ ở lại để tiếp tục đồng hành và giúp đỡ các em, bởi lẽ các em sinh ra ở vùng cao đã thiệt thòi lắm rồi.
Sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình nhưng thầy Dậu đã chọn vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió để gieo những con chữ đầy nhọc nhằn. Chia sẻ về con đường tương lai thầy Dậu cho hay: “Sau khi tốt nghiệp ĐH tôi đã tình nguyện vào Tây Nguyên để gieo chữ. Hiện tại bố mẹ tôi vẫn ở Ninh Bình còn tôi năm nay 36 tuổi vẫn độc thân và tiếp tục hành trình gieo những con chữ ở mảnh đất tươi đẹp đầy nắng và gió này.
Tôi rất mong rằng trong tương lai, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm hơn nữa đến học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn để các em có thể được tiếp cận tốt nhất với nền giáo dục tiên tiến”.
Theo Infonet.vn