Ngoài chuẩn bị vật liệu cho thi công cao tốc, tỉnh cũng lên phương án cho công tác nhân sự khi sáp nhập, di chuyển cán bộ về trung tâm hành chính mới.

Ngày 13.5, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai – cho biết, sở đã tiến hành rà soát các địa phương có tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đi qua, gồm Mang Yang, Đak Đoa, Đak Pơ và An Khê để tích hợp vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Đến nay, UBND tỉnh đã có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu 1.800 ha đất khai thác khoáng sản san lấp cho các địa phương.
Bên cạnh đó, sở đã khảo sát 60 mỏ đất đắp với tổng trữ lượng khoảng 4 triệu m3 và 38 mỏ đá xây dựng với khoảng 3 triệu m3.
Nguồn vật liệu này sẽ phục vụ cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku cũng như các công trình trọng điểm khác của tỉnh. Sở cũng đã làm việc với Ban Quản lý Dự án 2 và cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về nguồn vật liệu khoáng sản phục vụ thi công.
Liên quan đến dự án cao tốc, dự kiến trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Đây là dự án quy mô lớn, khối lượng công việc rất nhiều. Chính phủ cũng đã giao cho hai tỉnh Gia Lai và Bình Định phối hợp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến công tác sáp nhập tỉnh, theo kế hoạch, từ ngày 1.9.2025, hai tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ sáp nhập thành tỉnh mới mang tên “Gia Lai”.

Theo tính toán, sẽ có khoảng 1.972 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Gia Lai chuyển công tác về trung tâm tỉnh tại Bình Định. Các cơ quan chức năng đang xây dựng phương án và đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt cũng như hỗ trợ chỗ ở cho lực lượng này.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, cần khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nguồn vật liệu phục vụ cho dự án cao tốc kết nối nhanh chóng giữa hai địa phương.
Gia Lai cũng nhấn mạnh việc rà soát kỹ lưỡng điều kiện cơ sở vật chất tại địa điểm làm việc mới, nhằm đảm bảo nhu cầu làm việc và sinh hoạt của gần 2.000 cán bộ được điều động.
Các ngành chức năng phải đảm bảo hoạt động của các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, điện, nước và vệ sinh môi trường được duy trì ổn định, không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp, sáp nhập.
THANH TUẤN / Nguồn: Lao Động