Thứ Bảy, 5 Tháng 7, 2025
Trang chủTin Gia LaiGia Lai có biển rồi, du lịch sắp khác lắm!

Gia Lai có biển rồi, du lịch sắp khác lắm!

Từng gắn với cồng chiêng, Biển Hồ và đại ngàn lộng gió, giờ đây, Gia Lai còn có cả biển xanh, cát trắng, đảo xa, điều tưởng chừng không thể, nay đã thành hiện thực. Cuộc sáp nhập lịch sử với Bình Định không chỉ mở rộng địa giới, mà còn mở ra một cánh cửa lớn cho du lịch.

Một Gia Lai rất mới: Có biển, có rừng, có tương lai xanh

Ngày 1/7/2025, hai tỉnh Bình Định và Gia Lai chính thức sáp nhập, hình thành tỉnh Gia Lai mới với diện tích hơn 21.500 km² và dân số trên 3,5 triệu người. Đây không chỉ là sự kiện hành chính đơn thuần, mà còn mở ra một chương mới cho ngành du lịch khi rừng và biển lần đầu tiên hội tụ trong một không gian phát triển chung, nơi cao nguyên và duyên hải nắm tay nhau bước vào thời kỳ cất cánh.

Ghềnh Ráng - Tiên Sa, địa danh nổi tiếng ở biển của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân. 1
Ghềnh Ráng – Tiên Sa, địa danh nổi tiếng ở biển của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân.

Với sự kết hợp của hai vùng địa lý tương phản nhưng bổ trợ mạnh mẽ, đồng bằng ven biển và cao nguyên đại ngàn, Gia Lai mới sở hữu một hệ sinh thái du lịch hiếm có. Từ làn nước trong xanh của Cù Lao Xanh, Kỳ Co, Eo Gió đến vẻ hùng vĩ của Biển Hồ, Kon Ka Kinh, núi lửa Chư Đăng Ya, vùng đất mới này tạo ra hành trình “xuyên không gian, đa trải nghiệm” hấp dẫn bậc nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Làng chài ven biển thuộc tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân. 2
Làng chài ven biển thuộc tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân.

“Sự sáp nhập đã tạo nên một không gian du lịch giàu tiềm năng, nơi biển đảo của Bình Định kết nối hài hòa với núi rừng, văn hóa cồng chiêng của Gia Lai, mở đường cho những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và khác biệt,” bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai cho biết.

Theo bà Hạnh, chiến lược phát triển du lịch hiện nay không chỉ đơn thuần là phát huy lợi thế sẵn có, mà là sự kết nối thông minh giữa các yếu tố địa lý, văn hóa và sinh thái, để tạo ra những tuyến du lịch mới mang tầm vóc khu vực.

Biển Quy Nhơn là điểm đến xanh, sạch, được nhiều khách du lịch tìm đến. Ảnh: Dũng Nhân. 3
Biển Quy Nhơn là điểm đến xanh, sạch, được nhiều khách du lịch tìm đến. Ảnh: Dũng Nhân.

Những tuyến du lịch biểu tượng đang hình thành

Trong đó, nổi bật là các tuyến du lịch biển – rừng được thiết kế để khai thác lợi thế địa hình đặc thù. Một số tuyến đang được nghiên cứu và triển khai như: “Hành trình Quang Trung – Tây Nguyên huyền thoại”: kết nối các điểm đến giàu giá trị lịch sử và thiên nhiên như Bảo tàng Quang Trung, An Khê, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.

Gia Lai giờ đây đã có núi và biển xanh, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Ảnh: Dũng Nhân. 2
Gia Lai giờ đây đã có núi và biển xanh, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Ảnh: Dũng Nhân.

Tuyến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển – rừng: kết hợp khám phá biển đảo (Kỳ Co, Eo Gió, Cù Lao Xanh) với trải nghiệm thiên nhiên núi rừng (Đăk Đoa, Kon Ka Kinh).

Tuyến du lịch cộng đồng: trải nghiệm làng Ba Na, Jrai, Chăm với không gian cồng chiêng, ẩm thực bản địa, thủ công truyền thống.

Biển xanh ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân. 5
Biển xanh ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân.

Tỉnh Gia Lai mới đặt mục tiêu đón 18,5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030, với định hướng lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du lịch nội địa vẫn giữ vai trò chủ lực, song song đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế thông qua các cảng biển, sân bay Phù Cát, Pleiku và mạng lưới cao tốc nối liền Bắc – Nam, Đông – Tây.

Các trụ cột phát triển đang được tập trung gồm:

Hạ tầng du lịch hiện đại: xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại, chăm sóc sức khỏe gắn với thiên nhiên.

Sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch đêm, thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa, cộng đồng.

Đô thị hiện đại ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân. 6
Đô thị hiện đại ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dũng Nhân.

Liên kết vùng và xúc tiến đầu tư: mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia phát triển chuỗi sản phẩm biển – rừng, logistic du lịch và dịch vụ phụ trợ.

Xây dựng thương hiệu du lịch Gia Lai mới: mang đậm bản sắc biển – rừng, cồng chiêng Tây Nguyên và văn hóa duyên hải, định vị là điểm đến hàng đầu của miền Trung – Tây Nguyên.

Không gian mới ở tỉnh Gia Lai, với hạ tầng hiện đại. Ảnh: Dũng Nhân.Hướng đến phát triển bền vững và có bản sắc 7
Không gian mới ở tỉnh Gia Lai, với hạ tầng hiện đại. Ảnh: Dũng Nhân.Hướng đến phát triển bền vững và có bản sắc

Du lịch Gia Lai mới không chỉ chạy theo tăng trưởng về lượng, mà tập trung phát triển theo chiều sâu, lấy bảo tồn văn hóa – môi trường làm nền tảng. Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng, giữ gìn làng truyền thống, nâng cao sinh kế cho người dân bản địa đang là hướng đi chủ đạo.

Biển Gia Lai trong xanh, nơi phát triển mạnh về du lịch biển đảo. Ảnh: Dũng Nhân. 8
Biển Gia Lai trong xanh, nơi phát triển mạnh về du lịch biển đảo. Ảnh: Dũng Nhân.
Giờ đây, Gia Lai còn có cả biển xanh, cát trắng, đảo xa, điều tưởng chừng không thể, nay đã thành hiện thực. Ảnh: Dũng Nhân. 9
Giờ đây, Gia Lai còn có cả biển xanh, cát trắng, đảo xa, điều tưởng chừng không thể, nay đã thành hiện thực. Ảnh: Dũng Nhân.

“Chúng tôi mong muốn mỗi sản phẩm du lịch đều mang trong mình câu chuyện của vùng đất, một câu chuyện gắn liền với con người, văn hóa và thiên nhiên bản địa. Đó là cách để phát triển bền vững và tạo ra sự khác biệt”, bà Hạnh chia sẻ thêm.

Sự hòa quyện giữa biển và rừng, giữa nhịp sống cao nguyên và hơi thở duyên hải, đang biến Gia Lai mới thành điểm đến đầy hấp lực trên bản đồ du lịch Việt Nam. Không chỉ là một tỉnh mới về địa lý, Gia Lai mới đang viết lại câu chuyện phát triển bằng khát vọng xanh, bền vững và bản sắc.

Du lịch sẽ là một trong những “ngọn cờ đầu”, đưa vùng đất hợp nhất này vươn xa, khẳng định vị thế trên hành trình hội nhập và phát triển, nơi mà mỗi bước chân du khách đều in dấu trên một vùng đất giao thoa kỳ diệu giữa đại ngàn và biển cả.

Dũ Tuấn / Nguồn: Dân Việt

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới