Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Công ty Cổ phần đào tạo Quốc tế DK Việt...

Gia Lai: Công ty Cổ phần đào tạo Quốc tế DK Việt Nam đẩy khách hàng vào cảnh khốn cùng?

Kêu gọi khách hàng, đối tác đóng tiền để nhận thẻ, với mức đãi ngộ hấp dẫn, khi số tiền đã đủ lớn công ty rộ lên tin sắp giải thể khiến các khách hàng điêu đứng.

Hội viên bức xúc vì cách làm việc của Công ty

Với chiêu trò dùng những lời có cánh như: mức đãi ngộ hấp dẫn, được đi du lịch nhiều nơi, Công ty cổ phần đào tạo DK Quốc tế Việt Nam (Công ty) có địa chỉ ở phường 2, quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), được Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động, có Chi nhánh tại số 81 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai đã tạo nên niềm tin cho không ít người dân lao đầu vào đầu tư, làm đối tác để sử hữu các thẻ hội viên.

Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ĐK Quốc tế Việt Nam tại Gia Lai

Theo tìm hiểu được biết, Tổng giám đốc Công ty là ông Ngô Quốc Trường (trú tại Bình Định). Cổ đông sáng lập của công ty gồm có: Ngô Quốc Trường, Dương Duy Tín (trú Bình Định), Phạm Thị Kim Anh (trú TP. Hồ Chí Minh). Công ty cổ phần đào tạo DK Quốc tế Việt Nam kinh doanh 47 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau với tổng số vốn đăng ký là 6,8 tỉ đồng.

Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo DK Quốc tế Việt Nam tại Gia Lai là bà Thái Thị Kinh (trú tại Chư Păh-Gia Lai). Chi nhánh có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Kế hoạch-Đầu tư Gia Lai cấp ngày 14 tháng 6 năm 2018.

Dù mới làm ăn chung được gần nửa năm, nhưng đến trưa ngày 19/2/2019, tại Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo DK Quốc tế Việt Nam (số 81 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai), một số đối tác bức xúc vì cách làm việc của công ty nên đã có lời lẽ không hay với Giám đốc công ty và Giám đốc chi nhánh.

Bà Phạm Thị Kim Anh (thứ 2 từ phải qua) lên tận Gia Lai để họp với chi nhánh và các đối tác liên tục bật khóc khi bị chất vấn.

Tại buổi làm việc, trước những thắc mắc, bức xúc từ phía đối tác, Giám đốc công ty bà Phạm Thị Kim Anh liên tục bật khóc và cho rằng bản thân không hề hay biết đến sự việc đối tác góp tiền để sử dụng thẻ của Công ty.

Trao đổi trực tiếp với PV, bà Kim Anh cho hay: “Tài sản của ông Dương Duy Tín trong công ty chiếm 99% nên quyền quyết định mọi việc của công ty đều do ông Tín. Tôi chỉ có 1% trong công ty này. Bản thân cũng mới làm giám đốc được ít tháng. Ông Tín bảo tôi lớn tuổi hơn Trường nên làm giám đốc công ty để nói cho mọi người tin tưởng”.

Còn bà Thái Thị Kinh thì cho rằng: “Hiện tại chưa biết thế nào vì ông Tín chiếm 99% cổ phần của công ty mà chúng tôi chưa liên lạc được với ông ấy. Chúng tôi sẽ phối hợp với công ty chính ở TP. Hồ Chí Minh, đồng thời báo cơ quan công an để họ xử lý vụ việc”.

Người dân gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an

Quá trình tìm hiểu sự việc được biết, tại chi nhánh Pleiku khi có đối tác (khách hàng) đồng ý góp vốn, công ty và khách hàng sẽ ký kết hợp đồng với nhau. Theo đó, hợp đồng có tên gọi là đăng ký thẻ hội viên. Nội dung trong đó thể hiện đăng ký thẻ ưu đãi hội viên Vipcard24h. Sau khi ký hợp đồng, mỗi hội viên góp vốn cho công ty bằng hai hình thức chuyển tiền vào tài khoản của công ty hoặc nộp tiền mặt có phiếu thu. Từ đó công ty chính ở TP. Hồ Chí Minh cấp thẻ hội viên cho khách hàng.

Thẻ ưu đãi hội viên Vipcard24h dùng để mua sắm.

Cụ thể, mỗi hội viên đóng 50 triệu đồng với thời hạn hợp đồng là 15 tháng. Từ tháng đầu tiên đến tháng thứ 10, mỗi thẻ đăng ký đã đóng 50 triệu đồng thì được trả 5 triệu đồng/tháng với điều kiện bắt buộc mỗi hội viên phải cung cấp hóa đơn đỏ hợp đồng mua hàng hóa tiêu dùng trong tháng trị giá phải bằng hoặc trên 5 triệu đồng; từ tháng thứ 11 đến tháng thứ 15, số tiền được nhận là 10 triệu đồng/tháng (đây gọi là trả tiền gốc). Sau 15 tháng, hội viên sẽ được nhận 50 triệu đồng tiền gốc, cùng với đó là 10 tháng mua sắm thỏa thích lên đến 50 triệu đồng.

Như vậy tính từ tháng đầu tiên đến tháng thứ 15, mỗi hội viên được trả gấp đôi số tiền đã đóng ban đầu. Bên cạnh đó công ty còn ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vé máy bay cho đại lý vé máy báy ở Gia Lai và các tỉnh lân cận nếu có khách hàng có nhu cầu.

Ký kết là vậy, nhưng thực tế, hoạt động chi trả của công ty này lại theo một chiều hướng khác. Cùng chung sự bức xúc với hàng chục đối tác, ông Vũ Tố Uyên (một khách hàng ở Pleiku-Gia Lai) cho hay: “Qua một số lời giới thiệu, tôi được biết công ty cổ phần đào tạo DK Quốc tế Việt Nam có chủ trương huy động vốn và trả lãi cao; cho đi tham quan du lịch. Ngày 14/12/2018, tôi có ký hợp đồng đăng ký thẻ hội viên với công ty này thông qua chi nhánh Gia Lai. Sau đó, tôi đến chi nhánh của công ty ở số 35 Lý Tự Trọng (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) nộp 50 triệu đồng. Bà Thái Thị Kinh nhận số tiền này. Theo nội dung của hợp đồng thì ngày 30/1/2019, công ty này phải trả lãi cho tôi 7 triệu đồng, gồm: từ ngày 14/12 đến 30/12/2018 là 2 triệu đồng; từ ngày 1/1/2019 đến 30/1/2019 là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, đã quá hạn 15 ngày nhưng phía công ty không chi trả và có dấu hiệu gian dối, đổ thừa cho nhau. Ngày 15/2/2019, tôi nghe tin công ty này đã giải thể khi chưa thanh toán tiền cho những khách hàng như tôi nên tôi đã gửi đơn tố cáo Công ty cổ phần đào tạo Quốc tế DK Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các cơ quan có thẩm quyền với mong muốn đòi lại số tiền đã bỏ ra”.

Biên bản làm việc ngày 19/2 giữa lãnh đạo công ty, lãnh đạo chi nhánh và các đối tác.

Tượng tự ông Uyên là trường hợp của chị V.T.P (trú phường Đống Đa, TP. Pleiku) và người thân. Theo chị P, chị cùng chồng và 2 thân trong gia đình ký 5 hợp đồng đăng ký thẻ hội viên với Công ty cổ phần đào tạo Quốc tế DK Việt Nam với số tiền là 250 triệu đồng. “Hiện 2 vợ chồng tôi đã được công ty trả 75 triệu đồng. Nay nghe công ty giải thể vợ chồng tôi đến đòi số tiền còn lại. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đến để đòi lại tiền. Tôi nghe qua là số tiền mà các nhà đầu tư như tôi đã đóng cho công ty trị giá vài tỷ đồng. Đến giờ, tôi cảm thấy rất sốc vì bị phía công ty lừa dối”.

Tại biên bản cuộc họp ngày 19/2, bà Kim Anh cho biết bản thân bà chỉ đứng tên trong giấy phép kinh doanh, còn lại mọi hoạt động của công ty do ông Dương Duy Tín đứng ra làm việc. Vì vậy, mọi sự sai sót từ phía công ty bà Kim Anh không thể giải quyết, còn ông Tín thì đến nay không liên lạc được.

Các đối tác, khách hàng đặt ra nhiều nghi vấn về hoạt động của công ty sau khi có thông tin giải thể, cùng với đó là trách nhiệm của ông Dương Duy Tín, ông Ngô Quốc Trường, bà Phạm Thị Kim Anh cùng lãnh đạo công ty chi nhánh đang ở đâu trong sự vụ?.

Ở một diễn biến liên quan, chiều tối ngày 19/2, Thượng tá Trần Ngọc Anh-Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết Công an tỉnh đã nhận đơn của một người dân về sự việc này và đang chỉ đạo xác minh, làm rõ.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Theo Congly.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới