Ẩn mình trong rừng sâu, dưới những tán rừng khộp xã Kim Tân (huyện Ia Pa) là thác Voi hoang sơ, quyến rũ nhưng chưa được nhiều người biết tới. Đến với thác Voi, ta sẽ bắt gặp dòng suối mát lành chảy quanh những tảng đá rêu phủ quanh năm có hình thù tựa những chú voi.
Thác Voi (làng Mơ Nang 2, xã Kim Tân) cách trung tâm huyện Ia Pa chừng 2 km về phía Đông Bắc. Để đến được đây, du khách phải len lỏi qua những con đường quanh co, gập ghềnh dưới tán rừng khộp dọc theo dòng sông Ba.
Mùa khô Tây Nguyên nơi vùng “chảo lửa” này nắng như cháy da nhưng dòng nước vẫn róc rách, tiếng chim hót ríu rít cùng hơi gió mát lành. Tất cả như xua tan bao mệt nhọc. Thác Voi không kỳ vỹ và quy mô như các dòng thác khác giữa đại ngàn Tây Nguyên nhưng lại mang một sắc thái vừa trữ tình vừa huyền bí.
Người già làng Mơ Nang 2 kể lại rằng: Xưa kia, có một chàng trai tên Rít ngày ngày đi chặt tre nứa về đan gùi. Chàng Rít là người có tài đan lát, tiếng tăm của chàng được người dân khắp vùng biết đến. Có một lão Pơtao giàu có từ lâu đố kỵ với chàng Rít nên đã nảy sinh ý đồ xấu. Một hôm, lão rủ chàng Rít đi chặt tre trong rừng.
Thấy chiếc rựa của Rít rất đẹp và sắc bén nên lão Pơtao đã hỏi mượn và đưa chiếc rựa của mình cho Rít. Sau khi mượn chặt vài cây nứa, lão vờ lỡ tay làm rơi chiếc rựa của chàng xuống dòng nước. Thấy chiếc rựa quý bị mất, chàng Rít khóc từ ngày này sang đêm khác.
Thương cho hoàn cảnh của chàng Rít nên Yàng báo mộng cho chàng sáng hôm sau hãy qua dòng suối đó mà nhờ đàn voi rừng tìm kiếm giúp. Chàng Rít đã làm theo. Không những tìm lại được chiếc rựa của mình mà chàng còn được đàn voi rừng lặn tìm trong dòng suối rất nhiều đồ châu báu, vật quý như vàng, nhẫn, vòng, ché…
Danh tiếng và sự giàu có của chàng Rít càng vang xa hơn. Nghe được những lời đồn về chàng Rít, lão Pơtao càng thêm bực tức và bày trò xảo quyệt hơn. Hôm ấy, lão giả vờ đi chặt nứa và nói chàng Rít là chiếc rựa của mình đã bị mất để nhờ đàn voi tìm giúp
Vì lòng tham vô đáy nên lão ta cố bắt voi lặn tìm châu báu trong dòng suối suốt ngày đêm, đến nỗi đàn voi kiệt sức và biến thành đá. Người dân ở đây vẫn truyền tai nhau sự tích về dòng thác voi này và đặt tên là thác Voi, tiếng Jrai quen gọi là “Tong Ia R’mian”. Ngày nay, khi đến dòng thác ấy, du khách sẽ bắt gặp một số tảng đá lớn có hình thù rất giống con voi.
Ghé thăm thác Voi, bạn sẽ được chìm đắm trong làn nước mát trong len lỏi giữa những bãi đá lô nhô. Cảnh vật càng nên thơ hơn khi nắng chiều cao nguyên nhẹ nhàng chiếu qua dốc đá cao vút bên sườn đồi. Lúc này, thác Voi trông như một dải lụa mềm, óng ả. Đến đây, du khách còn có thể hòa mình vào không gian bình dị, đời thường của cư dân vùng này với những hoạt động thú vị như: bắt ốc đá, chèo thuyền thả lưới đánh cá ở lòng suối men theo cánh rừng…
Do nằm sâu trong rừng, đường vào thác còn khó khăn, gập ghềnh nên dòng thác này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Mong rằng sẽ có sự đầu tư thích đáng để thác Voi trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho những ai yêu thích việc khám phá thiên nhiên hoang dã nơi “chảo lửa” vùng Đông Nam tỉnh
R’Ô HOK
Nguồn: Báo Gia Lai