Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Đồi cỏ hồng Glar hút khách trong ngày hội

Gia Lai: Đồi cỏ hồng Glar hút khách trong ngày hội

Diễn ra từ ngày 20 đến 22-11, Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) lần thứ IV năm 2020 đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.

Khám phá nét đẹp văn hóa

Đến với ngày hội, du khách được theo dõi nhiều hoạt động văn hóa-thể thao của các dân tộc thiểu số với gần 1.000 vận động viên và nghệ nhân tham gia. Ở nội dung thi trình diễn cồng chiêng và hát dân ca, 12 đội của 12 xã, thị trấn đều chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang phục đến đạo cụ. Nhiều bài chiêng dùng trong các nghi lễ truyền thống như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu… tạo được ấn tượng sâu đậm với du khách.

Giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc là niềm tự hào của mỗi đội thi. Đem đến ngày hội bài chiêng dùng trong lễ bỏ mả của người Bahnar, đội cồng chiêng xã Hà Bầu được Ban giám khảo đánh giá cao về chuẩn bị sự công phu, kỹ càng. Ông Blơng-thành viên đội cồng chiêng xã Hà Bầu-cho biết: Văn hóa dân tộc đã ngấm vào máu thịt của người Bahnar nên chúng tôi rất vui khi được trình diễn cồng chiêng trước mọi người. Mỗi thành viên đều tập trung biểu diễn thật tốt để du khách hiểu về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Phần thi trình diễn cồng chiêng của đội thi xã Hneng. Ảnh P.L
Phần thi trình diễn cồng chiêng của đội xã Hneng. Ảnh: Phan Lài

Trong 3 ngày hội, các hoạt động được diễn ra song song với nhau, phân chia khu vực cho từng nội dung. Ngoài theo dõi các tiết mục trình diễn cồng chiêng, du khách có thể xem các nghệ nhân thi tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm để hiểu về quy trình làm ra các sản phẩm truyền thống, đồng thời thấy được sự tài hoa, khéo léo của đồng bào dân tộc bản địa.

Một nội dung cũng hấp dẫn không kém là phần chơi trò chơi dân gian. Sự khéo léo, mạnh mẽ của các chàng trai, cô gái trong từng môn thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Kết thúc mỗi nội dung thi, du khách lại tham gia trải nghiệm, được các vận động viên hướng dẫn tận tình cách thức chơi những trò chơi dân gian này.

Những hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống tại ngày hội đã để lại trong du khách nhiều ấn tượng đẹp về vùng đất, con người Đak Đoa. Anh Nguyễn Hoàng Long-du khách đến từ tỉnh Kon Tum-chia sẻ: Tôi được bạn bè ở Gia Lai giới thiệu về địa điểm du lịch này nên đưa cả gia đình cùng đi. Không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp mà gia đình tôi còn được thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của địa phương. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè về cảnh đẹp nơi đây.

Các vận động viên tham gia tranh tài môn đẩy gậy. Ảnh: Phan Lài
Các vận động viên tranh tài ở môn đẩy gậy. Ảnh: Phan Lài

Giới thiệu sản vật địa phương

Giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực, những đặc sản địa phương, đặc biệt là những đặc sản đã được chứng nhận OCOP cũng là một điểm nhấn của ngày hội. Du khách được tham quan, mua sắm nông sản sạch của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện tại 20 gian hàng trưng bày. Trong đó, có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: cam vàng (xã Kon Gang), gạo địa phương Krol (xã Hà Bầu), khoai lang Lệ Cần (xã Tân Bình), thịt bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa), măng giòn Vân Long (xã Kon Gang)…

Đem đến ngày hội các sản phẩm măng giòn, măng chua, măng khô… được đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020 của huyện Đak Đoa, gian hàng của cơ sở măng giòn Vân Long thu hút khá đông khách đến tìm hiểu và mua sắm. Bà Hồ Thị Vân-chủ cơ sở-cho biết: Trong ngày đầu, tôi bán được hơn 30 kg măng giòn cho khách, đồng thời kết nối được với một cửa hàng nhận phân phối sản phẩm. Những chương trình như thế này thực sự có ích, giúp các đơn vị kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình.

Người dân mua sản phẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar. Ảnh: Phan Lài
Người dân tham quan, mua sản phẩm của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar. Ảnh: Phan Lài

Bên cạnh các gian hàng đặc sản, 5 gian hàng trưng bày các sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, gùi, nhạc cụ dân tộc cũng thu hút khá đông du khách đến tham quan, mua sắm. Chị Mlơnh-thành viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar-cho biết: Chúng tôi đã đưa 2 nghệ nhân ra ngồi dệt ngay tại gian hàng để du khách có thể hiểu về quy trình làm ra sản phẩm đặc trưng này. Mỗi sản phẩm đều có mẫu mã, kích thước khác nhau và giá bán cũng không quá cao.

Ngày hội diễn ra trong thời tiết nắng gắt nhưng vẫn thu hút được hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với đồi cỏ hồng rộng mênh mông, thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Mai Quỳnh-du khách đến từ huyện Chư Sê-cho biết: “Do ngày hội được tổ chức vào dịp cuối tuần nên rất thuận lợi cho cả gia đình cùng đi trải nghiệm. Tôi lựa chọn đi vào buổi chiều vì nơi đây lúc hoàng hôn rất đẹp; đồng thời cũng mua nhiều quà lưu niệm để tặng cho người thân”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Đây là dịp để huyện Đak Đoa giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch và truyền thống văn hóa của người dân địa phương, quảng bá những nông sản đặc trưng. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì tổ chức hàng năm để huyện Đak Đoa nói riêng, tỉnh Gia Lai chung trở thành một điểm hẹn du lịch lý tưởng của du khách trong tỉnh, trong nước và cả ngoài nước.

PHAN LÀI

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới