Thứ Ba, 21 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Giữ rừng ở đại ngàn K'Bang - Cuộc chiến còn...

Gia Lai: Giữ rừng ở đại ngàn K'Bang – Cuộc chiến còn lắm gian nan

Có thể nói, vì lợi nhuận từ loại gỗ xây dựng đến gỗ quý trở thành “mồi ngon” cho “lâm tặc” nên những cánh rừng già bị xóa sổ nhiều hơn. Một mặt, áp lực từ dân số tăng nhanh khiến nhu cầu về đất sản xuất cũng tăng theo dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy ngày một nhiều. Trong khi đó, công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, khiến cuộc chiến giữ rừng gian nan hơn bao giờ hết.

Việc thu giữ lâm sản cũng chỉ mới phần ngọn khi cây rừng đã bị đốn hạ.

Gần một tuần tìm hiểu tình trạng phá rừng tại H. K’Bang (Gia Lai), chúng tôi nhìn thấy rõ hầu hết ở trụ sở của hạt Kiểm lâm, các Cty lâm nghiệp đều thu giữ lượng lớn gỗ các loại cùng nhiều phương tiện tham gia vận chuyển lâm sản. Nhưng, đây chỉ là phần nổi của tình trạng khai thác rừng trái phép tại địa phương này được lực lượng chức năng phát hiện. Là một trong số ít các địa phương của tỉnh Gia Lai còn rừng, K’Bang đang chịu những áp lực lớn về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với mức độ liều lĩnh, tinh vi của “lâm tặc” ngày càng tăng.

Năm 2016 và 2017, Huyện ủy K’Bang đã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng cường giữ những cánh rừng nơi đây, nhất là cánh rừng hương có hàng trăm cây trăm tuổi. Trong đó, Bí thư Huyện ủy K’Bang ông Trương Văn Đạt làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ngoài thực hiện công tác tham mưu, chỉ đạo các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, tuần tra, truy quét ngăn chặn phá rừng trái pháp luật, khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy, Ban chỉ đạo cũng triển khai nhiều phương án, kế hoạch nhằm đấu tranh với tình trạng “lâm tặc” hoành hành.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương H. K’Bang trong quản lý, bảo vệ rừng là rất quyết liệt. Đều đặn, có những đêm trắng Trưởng ban và những thành viên trong Ban chỉ đạo đã tiến hành tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường mà “lâm tặc” thường tổ chức vận chuyển, khai thác lâm sản. Việc đích thân Bí thư Huyện ủy đi kiểm tra, tuần tra cũng đã khiến lãnh đạo nhiều xã, Cty nâng cao trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Thế nhưng, có thời điểm nhận tin báo, khi đến nơi thì “lâm tặc” đã kịp tẩu tán hoặc khi Ban chỉ đạo đi thì gần như “lâm tặc” đã biết hướng đi nào, điều đó cho thấy rất rõ, việc “lâm tặc” sử dụng cánh “chim lợn” để theo dõi từng bước chân của đoàn kiểm tra là có cơ sở. “Nhiều lần chúng tôi phải ngụy trang đi bí mật, bởi xe vừa rời khỏi thị trấn thì “lâm tặc” đã biết. Có lần, cả đồng chí Trưởng ban cùng các thành viên ra TX An Khê ngủ lại rồi nửa đêm mới đi taxi vào để kiểm tra, tuần tra” – một thành viên trong Ban chỉ đạo cho biết. Điều đó có thể thấy, vẫn còn đó những khó khăn, lỗ hổng trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi chưa có sự đồng bộ. Chưa kể việc xử lý trách nhiệm của những chủ rừng vẫn đang còn là điều đáng bàn khi những cánh rừng hàng ngày vẫn mất đi.

Tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản luôn là vấn đề nóng ở địa phương này. Thế nên, việc giữ chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. K’Bang cũng trở thành “cái ghế nóng”. Bởi hầu như năm nào địa phương này cũng xảy ra tình trạng phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Dù nhiều biện pháp tích cực triển khai quyết liệt như tuần tra, truy quét, đẩy đuổi lâm tặc, xử lý hàng loạt xe máy, ô-tô độ chế nhưng tình hình vẫn chưa thể bớt “nóng” hơn. Thực tế, đa phần việc kiểm soát lâm sản chủ yếu vẫn diễn ra tại “phần ngọn”, trong khi đó bên trong rừng sâu, phần lớn các vụ việc được phát hiện sau khi cây rừng đã bị đốn hạ và vận chuyển khỏi rừng.

Chưa kể, hiện nay hàng loạt Cty lâm nghiệp đều chuyển sang nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nên bài toán loay hoay giữ rừng còn rất lúng túng. Bộ máy bị thu hẹp, nguồn lực hạn chế, chi trả cho lao động thấp, trong khi đó địa bàn rộng, hiểm trở khiến việc giữ rừng trở thành trách nhiệm quá lớn đối với những đơn vị này. Bên cạnh đó, nhân viên, cán bộ thuộc Cty lâm nghiệp dù làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại không được quyền hạn, trang bị như những lực lượng chuyên trách khác.

Thế nên, việc xử lý “lâm tặc” cũng gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi quản lý 7 tiểu khu, 1 tiểu khu 2 người và trung bình 1 người quản lý 1.000ha. Tuy nhiên, cơ chế của ngành Lâm nghiệp khi xưa khác bây giờ, trước Cty còn có nguồn thu nên nguồn nhân lực dồi dào. Giờ đây, Cty thì ít người mà rừng vẫn như vậy, chưa kể áp lực về dân số, nhu cầu đất sản xuất, gỗ ngày càng tăng khiến việc quản lý, bảo vệ rừng càng áp lực hơn” – ông Võ Ngộ – Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho hay.

Dù gần ngay tuyến đường Đông Trường Sơn nhưng lâm tặc vẫn ung dung đốn hạ vận chuyển gỗ đi ra khỏi rừng.

Trở lại lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, nơi còn khá nhiều cá thể gỗ giáng hương hàng trăm năm tuổi, tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra. Để bảo vệ số gỗ quý ít ỏi còn lại này, H. K’Bang đã xây dựng nhiều giải pháp như sáp nhập, kiện toàn lại các Cty lâm nghiệp, thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, qua nhiều năm, đến giờ này số phận những cây hương trăm tuổi vẫn bấp bênh khi tỉnh này vẫn chưa tìm được mô hình, cơ chế cụ thể để quản lý, bảo vệ. “Giữ được rừng hương quý bây giờ rất gian nan đối với các lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Không chỉ lực lượng Kiểm lâm, bản thân tôi nhiều tháng qua liên tục bị đối tượng “lâm tặc” dùng sim điện thoại rác “tấn công” gây ức chế tâm lý. Chúng dùng những lời lẽ đe dọa tính mạng bản thân tôi và người thân, thậm chí có lúc dùng dao, gậy sẵn sàng tấn công. Biết là rất nguy hiểm, xong vì cuộc chiến giữ rừng, chúng tôi không thể làm khác, vẫn phải công tác, vẫn phải lên rừng kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm” – ông Nguyễn Văn Hoan – Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh trải lòng.

Cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ môi trường sống của các loài gỗ quý ở đại ngàn KBang, nhất là những cánh rừng hương vẫn đang diễn biến khá khốc liệt, bởi hoạt động của “lâm tặc” ngày càng tinh vi, manh động. Đối mặt với nguy cơ xâm hại những cánh rừng ở đại ngàn này, theo chúng tôi, bên cạnh những mô hình quản lý bảo vệ rừng, vai trò của những cán bộ Kiểm lâm, Cty quản lý rừng – lực lượng được mệnh danh “cảnh sát rừng” thì việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng cũng rất cấp thiết, nên các địa phương có rừng phải quan tâm chú trọng nhiều hơn.

Theo Cadn.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới