Thứ Ba, 21 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Giữ rừng ở đại ngàn K'Bang - Tàn phá từ...

Gia Lai: Giữ rừng ở đại ngàn K’Bang – Tàn phá từ bìa đến ‘lõi’ rừng

Không chỉ những loại gỗ quý bị lâm tặc khai thác, những cánh rừng của H. K’Bang (Gia Lai) đang bị xà xẻo hết năm này qua tháng nọ bởi tình trạng phá rừng làm nương rẫy chưa chấm dứt.

Không chỉ những loại gỗ quý bị lâm tặc khai thác, những cánh rừng của H. K’Bang (Gia Lai) đang bị xà xẻo hết năm này qua tháng nọ bởi tình trạng phá rừng làm nương rẫy chưa chấm dứt. Trong khi đó, hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi, liều lĩnh khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp muôn vàn khốn khó.

Những cánh rừng bị đốn hạ để biến thành đất rẫy.

Bên trong những cánh rừng, vấn nạn phá rừng, khai thác gỗ quý đang đè nặng áp lực trên vai các lực lượng bảo vệ. Còn ngay những bìa rừng – nơi giáp ranh với nương rẫy, khu dân cư ở H. K’Bang này, rừng cũng bị xà xẻo từng ngày. Không lộ ra kiểu phá ồ ạt như trước, nhưng việc lén lút “ken” cây chết, phá rừng lấy đất làm nương rẫy vẫn âm ỉ và kéo dài.

Có đi dọc tuyến đường từ trung tâm xã Đắc Roong vào xã Kon Pne (H. K’Bang) xuyên qua các bản làng Kon Bông 1, Kon Bông 2 (xã Đắc Roong) mới thấy rõ tình trạng rừng bị xâm hại làm nương rẫy như thế nào. Mọi con đường giáp bìa rừng, rất nhiều cây to đã chết, có nơi cây chết hàng loạt. Thậm chí, ngay khu vực rẫy cà-phê của người dân có cả trăm cây rừng đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang xen lẫn với cây cà-phê vừa trồng. Nhiều cây gỗ lớn bị “xẻ thịt” lấy gỗ hoặc bị đốt ngổn ngang khắp nơi. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy dọc các bìa rừng dễ dàng bắt gặp nhưng việc xử lý vẫn còn hạn chế.

“Lâm tặc” đang “biến” những chiếc ô-tô 7 chỗ trở thành phương tiện vận chuyển gỗ.

Mới đây, CQĐT CAH K’Bang đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Đinh Văn Nhui (trú xã Đắc Roong) về hành vi “Vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”. Theo điều tra, vào tháng 10-2010, Nhui đến khu vực suối Đắc Pắc (cách làng Kon Trang 1 khoảng 500m) “ken” (dùng các loại công cụ như búa, rìu vạc hết phần vỏ quanh gốc để cây chết dần- P.V) những cây rừng còn sống để cây tự chết dần nhằm mục đích lấy đất làm rẫy. Đến đầu năm 2013, khi các cây đã “ken” này chết khô toàn bộ, Nhui dùng cưa xăng cắt hạ trên toàn bộ diện tích 10.500m2 để trồng cà-phê. Do sợ bị phát hiện, việc cưa cây Nhui thường xuyên thực hiện vào nửa đêm đến 3-4 giờ sáng. Mãi đến tháng 4-2017, khi đang đốt dọn, đào hố trồng cà-phê thì bị lực lượng bảo vệ rừng Cty Lâm nghiệp Đắc Roong phát hiện, lập biên bản ban đầu rồi báo cáo các cơ quan bảo vệ rừng, mời cơ quan CA vào cuộc điều tra.

Theo thống kê của UBND H. K’Bang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 18 vụ phá rừng làm nương rẫy gây thiệt hại gần 6ha rừng sản xuất tại Cty lâm nghiệp các xã: Lơ Ku, Krong, Đắc Roong, Đắc Smar và Sơ Pai. Nguyên nhân được UBND H. KBang đánh giá là do công tác quản lý đất sản xuất nương rẫy của một số chủ rừng không chặt chẽ. Trong khi đó một số đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để nên người dân vẫn lờn mặt, làm tới.

Đánh giá của các lực lượng làm công tác bảo vệ rừng đều cho thấy, khi còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì thủ đoạn phá rừng của “lâm tặc” hay người dân ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn. Từ việc “ken” cây rừng để lấn dần đất rừng đến thay đổi cách khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép khiến những cánh rừng ở đây ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng. Một kiểm lâm kể rằng: Đỉnh điểm của vấn nạn phá rừng phải kể đến khoảng thời gian năm 2014-2015 với tổng cộng 47 cây hương “khủng” (khối lượng gần 140m3) thuộc lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, H. K’Bang) bị mất trong sự khó hiểu của các cơ quan chức năng. Dù hương bị đốn hạ gần đường đi và đều theo một quy luật về thời gian, địa điểm, nhưng lại không bị lực lượng nào phát hiện, ngăn chặn kịp thời!? Đến khi các lực lượng vào cuộc kiểm tra thì hàng chục cây hương cổ thụ này đã bị đốn hạ trơ gốc, có cây lâm tặc xẻ thành phách, có cây xẻ giữa rừng. Sở dĩ chúng tôi nói khó hiểu là bởi tất cả số hương lớn bị chặt hạ không đối tượng nào bị phát hiện, “trả giá” cho hành vi phá rừng quý. Dư luận đến nay vẫn đặt câu hỏi, tại khu vực này, vào thời điểm đó các ngành chức năng sau khi hóa giá thì hầu hết số gỗ hương ấy đều rơi vào tay một doanh nghiệp “có máu mặt” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Một cây rừng trong lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai bị đốn hạ.

Một hai năm trở lại đây, khi công tác bảo vệ rừng được siết chặt thì việc khai thác trộm hương của “lâm tặc” ngày càng tinh vi hơn. Phương tiện cưa máy, xe độ chế vận chuyển được chúng đưa vào sử dụng. Theo ông Võ Ngộ – Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa thì với những chiếc cưa máy hiện nay, chỉ cần trên dưới một giờ đồng hồ, cây to cỡ mấy cũng bị hạ gọn. Chúng “độ pô” cho cưa máy bằng cách nối một ống nhựa vào ống xả của cưa rồi chôn dưới đất hoặc đặt vào can đựng nước. Khi nào đến gần cỡ 10-15m mới nghe được tiếng cưa. Thế nên, khi phát hiện thì “lâm tặc” đã vận chuyển đi toàn bộ hoặc một phần cây gỗ cưa được.

Cũng theo ông Ngộ, trước đây việc vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy độ chế diễn ra nhiều như “nấm sau mưa” bị chính quyền địa phương cương quyết vào cuộc xử lý, thu giữ, thì hiện nay lâm tặc chuyển sang hoạt động lén lút. Chúng biến ô-tô 7 chỗ thành phương tiện vận chuyển. Hầu hết các phương tiện này đều được độ chế lại và hết niên hạn sử dụng. Nếu bị phát hiện, lâm tặc sẵn sàng bỏ cả xe lẫn tang vật để dễ dàng tẩu thoát. Loại phương tiện này “lâm tặc” mua về chỉ với giá vài chục triệu đồng, sau đó độ chế chỉ để 1 ghế lái duy nhất, còn lại tháo bỏ tạo thành thùng chứa. Những tháng đầu năm 2017, Hạt Kiểm lâm H. K’Bang đã phát hiện và tạm giữ 7 chiếc ô-tô loại 7 chỗ như đã nêu trên khi đang vận chuyển lâm sản, trong đó có gỗ rừng hương trái phép. Chưa kể lâm tặc vùng đất này còn lợi dụng nhận thức của người dân đồng bào DTTS bản địa để “thuê” những người này vào rừng khai thác gỗ trái phép, trả công rất cao.

Không chỉ hoạt động một cách tinh vi, những đối tượng “lâm tặc” ngày càng có biểu hiện manh động hơn khi nhiều lãnh đạo của chính quyền địa phương, ngành chức năng của huyện này liên tiếp bị nhắn tin đe dọa. Thậm chí, còn dùng những trò trả thù vặt để uy hiếp tinh thần. Thế nên, từ bìa rừng đến tận những vùng “lõi” của những cánh rừng ở địa phương này ngày đêm vẫn bị lâm tặc xà xẻo.

Theo Cadn.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới