Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm ‘ngược...

Gia Lai: Giữa khủng hoảng, anh cử nhân lên núi làm ‘ngược đời’ thu tiền tỷ

Khủng hoảng thừa cung, giá tiêu chạm đáy khiến nhiều người nông dân ở Tây Nguyên nợ nần thì anh Nguyễn Tấn Công lại đều đặn thu tiền tỷ mỗi năm nhờ cách làm mà mọi người cho là ‘ngược đời’ của mình.

Lao đao vì “vàng đen”

Kể về hành trình gầy dựng cơ nghiệp từ cây hồ tiêu đúng vào lúc thời khủng hoảng, anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) chia sẻ, cây tiêu có mặt ở vùng đất Lệ Chí (tên cũ của Nam Yang) từ năm 1960.

Hồi đó, ngoại anh kể, không hiểu do đất mới bazan màu mỡ hay hợp khí hậu mà người dân chỉ bón bằng tro bếp cây tiêu vẫn lên xanh tốt. Hạt tiêu đỏ có hương vị cay nồng đặc biệt xen chút ngọt thơm, vị ngọt của trái cây, được hái lựa thủ công từng hạt chín đỏ. Thế nên, người dân Lệ Chí bấy giờ coi tiêu như vị thuốc quý.

Nhà nào cũng hái những hạt tiêu chín đỏ rồi ngâm với rượu gạo để dành khi “trái gió trở trời” làm vị thuốc chữa đau bụng, trị cảm ho, xoa bóp mỗi khi mệt mỏi hoặc phơi khô giữ màu đỏ tự nhiên dùng làm quà biếu cho người thân ở phương xa.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trải qua rất nhiều công việc khác nhau với cả những thành công và thất bại, khi trở lại Nam Yang trồng tiêu, anh Công vấp phải sự phản đối của nhiều người. Nhưng từ câu chuyện của ngoại kể về cây hồ tiêu, có điều gì đó thôi thúc anh phải trở về quê hương.

Ở thời hoàng kim, hạt tiêu từng được ví như ‘vàng đen” của người nông dân Tây Nguyên

“Chúng tôi là những người con đất Lệ Chí đi làm ăn xa, mỗi lần về thăm nhà vẫn thấy mọi người bám trụ với cây tiêu, vẫn có những vườn xanh tốt. Sau gần 30 năm, tại sao mình không góp sức làm cho đặc sản đất Lệ Chí vươn xa hơn? Vì thế, năm 2013, tôi quyết định quay về trồng tiêu trên chính vùng đất trống của gia đình”, anh Công nhớ lại.

Nhưng khác với cách làm thông thường là ồ ạt mở rộng diện tích khi tiêu đang ở thời kỳ hoàng kim, anh Công bắt đầu sự nghiệp nông dân của mình với việc đăng ký thương hiệu riêng và được cấp giấy bảo hộ năm 2014.

“An tâm vì đã có thương hiệu riêng, ấy mà tôi lại rơi vào cuộc khủng hoảng ngay sau khi khởi nghiệp”. Anh nhớ lại, năm 2016, khi tiêu còn đứng ở vị trí ngôi vương, giá tiêu lên đến hơn 200.000 đồng/kg, bà con bắt đầu đổ xô trồng.

Họ bỏ phương pháp canh tác tự nhiên, chuyển qua canh tác bằng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Dịch hại tràn lan, hậu quả nhiều vườn tiêu bị xóa sổ, nhiều hộ nông dân bị phá sản, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về. Rồi sau đó, bão giá ập đến, cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc. Như nhiều nông dân khác, khi ấy anh cũng không khỏi lao đao.

Chuyển hướng làm hữu cơ, thu ngay tiền tỷ

Trong cơ bĩ cực, anh nghĩ, nếu không chuyển hướng, không đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì danh tiếng tiêu Lệ Chí mình gây dựng sẽ không còn. Vậy là ý tưởng thành lập hợp tác xã trồng tiêu hữu cơ được hình thành.

“Năm 2017, trong cơn khủng hoảng thừa cung, giá tiêu giảm trên toàn cầu, chúng tôi cùng tập hợp những người con đất Lệ Chí yêu nông nghiệp sạch thành lập Hợp tác xã để tìm hướng đi mới, học hỏi những mô hình canh tác hữu cơ giúp hướng dẫn bà con” – anh Công chia sẻ.

Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên với tổng số vốn điều lệ 55 triệu đồng, diện tích canh tác 50ha tiêu và 40ha cà phê. Đến nay, HTX có 80 thành viên, diện tích hồ tiêu là 100ha, trong đó có 16ha đã nhận được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

“Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu rớt xuống dưới giá thành, chỉ quanh mức 40.000-45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được 100.000 đồng/kg, giúp các thành viên có thu nhập ổn định”, anh khoe.

Nhờ chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, anh Công thoát được khủng hoảng, đều đặn thu tiền tỷ

Đáng chú ý, ngay cả khi thị trường tiêu đang trầm lắng do cung vượt cầu thì HTX không có chuyện tồn kho hồ tiêu do nhu cầu sử dụng tiêu hữu cơ rất cao. Giá tiêu hữu cơ cao gấp rưỡi, gấp đôi so với tiêu thường, nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Không những thế, HTX còn có nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Năm 2018, HTX xây dựng lại thương hiệu tiêu hữu cơ với các sản phẩm chế biến sâu chất lượng nhất trong ngành hồ tiêu: Tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh. Nhờ trồng tiêu hữu cơ, các thành viên HTX đều có cuộc sống khá giả.

“Tính riêng niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5ha tiêu, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng”. Anh tiết lộ và cho biết, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX của anh đã liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thu. Theo đó, tiêu hữu cơ không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.

Song, trong quá trình làm, các thành viên của HTX không tham vọng xuất bán nhiều với số lượng nhiều mà chỉ làm hàng lượng vừa phải nhưng chất lượng tốt, bán được giá cao và định hướng xây dựng thương hiệu của mình tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,…

Theo anh Công, làm tiêu hữu cơ không khó nhưng đòi hỏi tính kỷ luật cao của người trồng, phải tiêu thuẩn quy trình canh tác hữu cơ. Quan trọng nhất là lúc thu hoạch, phải cẩn thận hái lựa thủ công những hạt chín đỏ, sau đó bóc vỏ, rửa sạch chỉ còn lõi bên trong rồi đem phơi khô.

“Các chuyên gia trong ngành hồ tiêu quốc tế nhận xét hạt tiêu sọ làm từ tiêu đỏ là sản phẩm chất lượng cao nhất, đặc biệt nhất trong ngành hồ tiêu thế giới. Song, sản lượng loại tiêu này vẫn còn khá khiêm tốn”. Anh Công khẳng định, anh và các thành viên HTX chọn làm thương hiệu tiêu hữu cơ để thực hiện ước mơ khôi phục lại những sản phẩm truyền thống ở quê hương mình, đồng thời mong muốn hạt tiêu Việt xuất đi các nước ngày càng nhiều hơn.

Cần nâng cao chất lượng hồ tiêu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Hồ tiêu hiện được trồng chủ yếu tại Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Trị và Phú Quốc, tạo sinh kế cho gần 200.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam.

Tuy nhiên, ngành hồ tiêu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng và giá cả. Về chất lượng, quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng được. Về giá, giá hồ tiêu thế giới liên tục sụt giảm từ 10 USD/kg năm 2015 xuống còn 2 USD/kg năm 2019 do diện tích trồng tiêu ồ ạt tăng trong giai đoạn 2008-2014.

Trên thực tế nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vẫn rất lớn. Tiêu không chỉ sử dụng trong thực phẩm mà cả trong ngành mỹ phẩm làm đẹp. Do đó, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu. Thay vì trồng theo phương thức truyền thống, phải chuyển đổi sang trồng VietGap, hữu cơ để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nguồn Vietnamnet : https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/giua-khung-hoang-cu-nhan-kinh-te-trong-tieu-huu-co-thu-tien-ty-610054.html

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới