Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản

Gia Lai: Hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ nông sản của người dân vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi dịch cơ bản được khống chế, chính quyền các địa phương đã triển khai những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Giá dưa hấu tăng dần

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng-chống dịch đi đôi với duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay sau khi dịch cơ bản được khống chế, chính quyền thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xe chở nông sản đi vào địa phương với điều kiện tuân thủ nghiêm các quy định về phòng-chống dịch. Nhờ vậy, giá thu mua nông sản, đặc biệt là dưa hấu tăng dần, giải tỏa được áp lực cho người nông dân.

 

Nông dân thu hoạch dưa hấu trên cánh đồng xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Nguyên Hương 1
Nông dân thu hoạch dưa hấu trên cánh đồng xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Nguyên Hương

Cánh đồng xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) có khoảng 40 ha dưa hấu, đa phần do nông dân từ Bình Định lên thuê đất trồng. Ông Lê Công Danh (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thuê 4 ha trồng dưa hấu với giá 25 triệu đồng/ha. Do thời tiết không mấy thuận lợi nên năng suất chỉ đạt 20-25 tấn/ha. Với giá bán 140 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, ông lãi 60 triệu đồng.

Tại xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), bà con nông dân cũng đang tất bật thu hoạch dưa hấu. Sau Tết, giá dưa tăng khiến bà con rất phấn khởi. Năm ngoái, ông Trương Văn Nhu (xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) gần như trắng tay do giá dưa quá rẻ. Năm nay, ông tiếp tục thuê đất trồng dưa với mong muốn trả bớt nợ nần.

Ông Nhu bộc bạch: “Giá dưa hiện tại khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 70 triệu đồng/ha. Dịch bệnh mà bán được giá thế này thì khá rồi”.

Tuân thủ quy định về phòng-chống dịch

Việc tạo điều kiện cho xe chở nông sản đi vào vùng dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, các quy định về phòng-chống dịch cũng được lực lượng chức năng thực hiện nghiêm ngặt. Tất cả các xe khi đi qua chốt kiểm dịch đều được phun khử khuẩn, tài xế thực hiện đo thân nhiệt và khai báo y tế đầy đủ.

Tài xế Nguyễn Văn Ủy cho hay: Đây là chuyến xe đầu tiên anh chạy vào Ayun Pa để thu mua dưa hấu. Khi đi qua chốt kiểm dịch tại chân đèo Tô Na, xe đã được lực lượng chức năng phun hóa chất khử trùng. Bản thân anh cũng được đo thân nhiệt, khai báo y tế, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về phòng-chống dịch như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay thường xuyên trong suốt quá trình di chuyển.

Ngay sau khi hoạt động trở lại sau Tết, Nhà máy Đường Ayun Pa cam kết hỗ trợ bà con tiêu thụ mía. Hiện tại, mỗi ngày, Nhà máy tiêu thụ 3.000-3.500 tấn mía. Mặc dù chỉ đáp ứng 1/2 công suất nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Thượng úy Nguyễn Gia Phong-cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) cho biết: “Mỗi ngày, tại vị trí chốt trên cầu Quý Đức (khu vực giáp ranh giữa huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa) có khoảng 100 xe chở mía từ huyện Ia Pa qua chốt về Nhà máy Đường Ayun Pa. Thực hiện quy định về phòng-chống dịch, chúng tôi phun khử khuẩn cho tất cả phương tiện qua lại chốt.

Tài xế bắt buộc phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và cam kết không xuống xe trong suốt quá trình vận chuyển nông sản trong vùng dịch. Đây là quy định đảm bảo an toàn cho chính cá nhân tài xế cũng như cộng đồng. Vì vậy, các chủ phương tiện đều nghiêm túc chấp hành”.

Bà Vũ Thị Lan-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai-cho hay: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà máy Đường Ayun Pa đã ngừng hoạt động trước Tết sớm hơn dự kiến. Ngay sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy đang đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ mía cho bà con nông dân. Lãnh đạo Nhà máy quán triệt tất cả các khâu đảm bảo tốt công tác phòng-chống dịch, đặc biệt là các phương tiện chuyên chở.

“Mặc dù đã phun khử khuẩn tại các chốt kiểm dịch nhưng tại bãi đậu xe của Nhà máy, nhân viên bảo vệ tiếp tục thực hiện phun khử khuẩn phương tiện một lần nữa, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện trước khi vào Nhà máy. Ngay sau khi dịch kết thúc, chúng tôi sẽ nâng công suất lên mức tối đa 6.000 tấn/ngày, đảm bảo thu hoạch kịp thời vụ cho bà con nông dân”-bà Lan thông tin thêm.

NGUYÊN HƯƠNG

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới