Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Ia Tô: Đổi thay kỳ diệu

Gia Lai: Ia Tô: Đổi thay kỳ diệu

Đó là nơi tôi đã gắn bó suốt tuổi thanh xuân của mình và cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời về tình người, về cuộc sống với bao nỗi buồn vui. Vùng đất ấy sau gần nửa thế kỷ đã thay đổi đến lạ cho những ai đã từng quen. Vẫn mưa dầm tháng 7, vẫn nắng nóng tháng 3, nhưng từ lâu rồi đã vơi đi những lo âu, muộn phiền vốn luôn hiện trên những khuôn mặt người một thuở, để thay bởi sự ấm no, sung túc, đủ đầy…

Tôi lên Tây Nguyên công tác từ đầu tháng 1-1977, đến cuối tháng 7 thì được chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo tỉnh đóng ở thị xã Kon Tum về dạy học tại xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai). Bấy giờ đang giữa mùa mưa, con đường đất từ thị xã Pleiku về thị trấn huyện phủ một lớp bùn nhão nhoẹt, đầy hố sâu, không một chuyến xe khách nào chạy được nên tất cả đều phải đi bộ.

Sáng đi, trưa tới thị trấn huyện. Tiếng là thị trấn nhưng chủ yếu là trụ sở các cơ quan huyện mái lợp tôn, vách ván, nằm một bên đường, phía bên kia vẫn còn là rừng le khá rậm, lác đác vài nhà dân lọt thỏm giữa bờ bụi hoang sơ. Đoạn được rải nhựa chỉ dài chừng vài trăm mét, còn lại vẫn là đường đất. Sau khi nhận quyết định của Phòng Giáo dục, tôi lại lếch thếch đi bộ từ huyện về xã, vất vả lắm mới vượt qua được con dốc Ia Châm bùn cũng ngập gần đến gối, tới nơi thì trời đã xẩm tối.

Đã qua 2 năm sau ngày giải phóng mà xã vùng xa này vẫn còn thiếu thốn mọi bề. Ia Grai bấy giờ có 3 thôn kinh tế mới từ Quy Nhơn lên năm 1976, cư trú dọc trục tỉnh lộ 664 và các làng dân tộc Jrai gồm: Hlũ, Delung, Khớp… Ấn tượng ban đầu của tôi về các làng kinh tế mới là màu xám mái tranh: tất cả đều làm từ tranh, mái tranh, vách tranh, nhà chính lợp tranh, nhà bếp cũng thưng bằng tranh (trừ một số ít nhà vách đất). Do vậy, có thể cháy bất kỳ lúc nào và cháy liền mấy nhà một lúc bởi mùa khô kéo dài đến mấy tháng, mái và vách tranh khô khốc, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là tất cả bùng lên… Vườn nhà nào cũng trồng một vài loại cây ngắn ngày như: bắp, khoai lang, đậu phộng… Dọc con đường chính ở thôn 2, thôn 3, còn sót lại vài cây đào lộn hột (điều) đã thành cổ thụ được trồng từ thời Ngô Đình Diệm bởi vùng này những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước cũng là khu dinh điền.

Trường Phổ thông cơ sở Ia Grai (thống nhất gọi Ia Tô) có đủ 3 cấp học: mẫu giáo, cấp I và cấp II (cấp 2 chỉ đến lớp 7). Cơ sở vật chất còn rất tạm bợ. Nhà trường được xây dựng hoàn toàn từ tranh tre, các vách thì dùng cây rừng và lồ ô đập dập đan kín. Ngoài khu trường chính nằm ngay trụ sở UBND xã, còn có các điểm trường phụ như các lớp mẫu giáo ở 3 thôn kinh tế mới, một lớp 1 ở làng Delung, chưa kể một số lớp xóa mù chữ ở các làng. Nhà dân bằng tranh, nhà trường cũng tranh tre, vách ngăn các lớp học là những tấm phên đan bằng nứa, lớp bên này học nghe rõ tiếng lớp bên kia. Thầy trò chốc chốc lại ngưng, nhắm mắt chờ cho cơn gió bụi thổi qua…

Ông Cao Xuân Cận (thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) bên vườn chôm chôm của gia đình. Ảnh: Thiên Di
Ông Cao Xuân Cận (thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) bên vườn chôm chôm của gia đình. Ảnh: Thiên Di

Năm ấy, nhà trường thiếu thốn mọi thứ, đời sống người dân trong xã cũng không hơn, hầu hết sống dựa vào đất rẫy trồng lúa cạn và khoai lang, củ mì vào mùa mưa. Dân kinh tế mới ở đây vốn là dân nghèo thành thị, chưa quen với công việc cuốc đất, làm ruộng. Mà ruộng cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ dựa vào vài héc ta ở cánh đồng Ia Bẽ và cánh đồng thôn 1. Sáng nghe kẻng tập đoàn đánh, bà con vác cuốc lững thững đi như dạo phố. Cuối vụ, nhà nào thu nhiều cũng chỉ dăm sáu bao lúa, lại thiếu trước hụt sau. Hàng quán trong xã đếm được trên một bàn tay, các làng dân tộc thiểu số không có quán, chủ yếu là 3 thôn người Kinh: quán bà Liễu, quán bà Thu ở thôn 2, quán ông Bốn Thanh ở thôn 3, các quán bán mấy thứ sơ sài như thuốc líp, bánh tráng, trứng gà vịt… còn mua bầu bí, rau xanh của bà con các làng là chính. Mùa khô, xe khách lên đến nơi còn có chút thịt cá, mùa mưa thì đành chịu!

Ngày ấy, thức ăn quanh năm của chúng tôi là rau tàu bay, đọt khoai lang, đọt mì, mít non, họa hoằn lắm mới có chút cá khô. Trường có anh Đỗ Ngọc Khuynh nói rất giỏi tiếng Jrai, anh dạy toán và kiêm nhiệm công tác Công đoàn. Vậy là thi thoảng chúng tôi lại xúi anh vào làng xin thức ăn, nhất là thịt treo giàn bếp. Thịt mang về, chịu khó nấu nước sôi nhúng sơ qua rồi nạo bỏ những chỗ không thể ăn được, sau đó thái nhỏ, chế biến với dầu, bột ngọt, gọi là cải thiện. Vậy mà chúng tôi ăn đến mấy chén cơm độn khoai.

Rồi mấy năm sau, chúng tôi lần lượt rời xa Ia Tô, người về quê, người chuyển trường, chuyển ngành. Mới đây, tôi có dịp lên thăm lại Ia Tô. Sau gần nửa thế kỷ, nơi đây đã thay đổi đến bất ngờ. Con đường từ Pleiku về xã trước đây tôi đi bộ một ngày, giờ chỉ mất non tiếng đồng hồ cưỡi xe máy trên con đường rộng rải nhựa. Ia Tô giờ là thủ phủ của cây điều cùng các loại cây ăn quả chất lượng cao của huyện Ia Grai như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… Cả xã không còn một ngôi nhà tranh, nhà tôn nào, thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố, có cả nhà lầu khang trang, gara cho xe ô tô ở giữa vườn cây ăn quả sum suê. Sự nghiệp giáo dục phát triển đến bất ngờ: Toàn xã có đến 2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 2 trường THCS. Chợ búa, nhà hàng, quán tạp hóa, shop thời trang, quán karaoke… mọc kín như đô thị. Xe khách chất lượng cao từ đây chạy đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vào nhà dân, không còn nghe người ta bàn chuyện đủ ăn hay thiếu ăn, vụ mùa mỗi năm được mấy bao lúa mà là thu mấy tỷ, mấy trăm triệu đồng từ mua bán, từ làm vườn cà phê, điều…

Tôi đứng lặng trước nơi xưa từng nhắm mắt dừng giảng bài mỗi lần cơn gió bụi thổi qua bây giờ là một ngôi trường THCS khang trang, tường rào, sân chơi, thư viện, nhà để xe… bài bản, những thứ mà ngày xưa có mơ chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến.

Sau 45 năm, vùng xa Ia Tô đã trở thành một thị tứ hiện đại, trù phú!

THANH PHONG

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới