Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Trong ngày 29 và 30-11, tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, mưa lớn đã gây ngập úng, chia cắt một số nơi, làm nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp cùng hàng ngàn héc ta hoa màu bị thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, các ngành, địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng cùng người dân khắc phục hậu quả.

Khắc phục tạm thời các điểm giao thông sạt lở

Mưa lớn kéo dài, mực nước sông Ba dâng cao khiến nhiều nơi ở huyện Ia Pa bị ngập úng, chia cắt. Cụ thể, buôn Jứ (xã Ia Broăi), buôn Mơ Năng 2 (xã Kim Tân) và buôn Plei Du (xã Chư Răng) bị nước lũ cô lập. Ngoài ra, có 4 máy bơm nước tại các trạm bơm điện ở xã Kim Tân và Ia Broăi bị ngập. Ông Nay Khúy-Trưởng thôn Jứ-cho biết: Ngày 30-11, nước sông dâng cao bất ngờ khiến 256 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, có 10 ha lúa, hơn 650 rò thuốc lá, 28 ha dưa hấu bị ngập; 370 m đường liên thôn, bờ đê bị sạt lở. Đến ngày 1-12, nước bắt đầu rút, chúng tôi vận động người dân gia cố tạm thời những đoạn đường sạt lở để đảm bảo cho việc đi lại ra đồng cứu cây trồng bị ngập úng. Còn ông Nay Ham-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi thì cho hay: Rút kinh nghiệm từ các đợt mưa lũ trước, khi thấy nước dâng cao, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân đưa gia súc, gia cầm lên khu vực cao nên không bị thiệt hại.

Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, nước lũ làm bồi lấp toàn bộ tuyến kênh chính đập dâng xã Uar với chiều dài 6.230 m; xói mòn, trôi đất 4 đoạn khoảng 32 m tại trạm bơm điện xã Ia Rmok. Riêng 22 hộ dân có nhà bị ngập nước cùng 17 người dân bị mắc kẹt do đi làm rẫy đã được đưa đến nơi an toàn. Theo ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, huyện yêu cầu các địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục những công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng.

Lực lượng chức năng huyện Krông Pa giúp người dân xã Phú Cần thu dọn tài sản sau lũ. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng chức năng huyện Krông Pa giúp người dân xã Phú Cần thu dọn tài sản sau lũ. Ảnh: Lê Nam

Còn ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) cho biết: “Nước lớn đổ về đã làm phần mái ta luy cống tràn đường đi ra khu sản xuất và cống tràn đường nội đồng làng Groi bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngay chiều 30-11, chúng tôi đã thuê máy múc đào một đoạn mương dài khoảng 50 m để nước không tràn lên mặt đường, hạn chế hư hỏng cống và đắp đất đá bồi vào chỗ ta luy sạt lở. Đến nay, các điểm sạt lở đã được khắc phục, người dân đi lại bình thường”.

Tại huyện Kông Chro, mưa lớn cũng làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường từ xã Đak Tơ Pang đến trung tâm huyện. Còn ở thị xã Ayun Pa, mưa lũ gây sạt lở đất đá tại đèo Tô Na (xã Ia Rtô), sạt lở đất đá, đổ cây tại tuyến tỉnh lộ 668 trên địa bàn xã Chư Băh. Trong ngày 30-11 và 1-12, các địa phương đã huy động lực lượng khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở này, đảm bảo cho người dân đi lại.

Tập trung cứu cây trồng bị ngập úng, ngã đổ

Chị Nay H’Sươn (buôn Jứ, xã Ia Broăi) rầu rĩ nói: “Mưa lũ đã làm toàn bộ 26 rò thuốc lá của gia đình bị ngập sâu. Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, gia đình sẽ đem số cây giống thuốc lá này trồng trên diện tích 3 ha. Sáng nay, khi nước rút, gia đình tập trung bơm nước rửa sạch bùn đất cho cây giống rồi phun thuốc phòng bệnh, hy vọng cứu vãn được phần nào. Chi phí mỗi rò thuốc lá khoảng 1 triệu đồng. Cây giống mà chết thì không biết sẽ kiếm giống ở đâu về trồng nữa vì bà con trong buôn ai cũng bị thiệt hại cả”.

Mưa lớn kéo dài làm hơn 100 ha lúa ở huyện Kbang bị ngã đổ, ngập nước. Ảnh: Ngọc Minh
Mưa lớn kéo dài làm hơn 100 ha lúa ở huyện Kbang bị ngã đổ, ngập úng. Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có 107 ha mì, 104 ha lúa mới gieo sạ và tăng vụ bị ngập. Với các diện tích hoa màu bị ngập úng, người dân đã linh hoạt sử dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, nhất là cây giống thuốc lá cho vụ tới. Riêng diện tích mì bị ngập, bà con có thể thu hoạch ngay sau khi nước rút.

Trong khi đó, huyện Kbang có hơn 100 ha lúa bị ngã đổ, ngập úng, tập trung ở các xã Tơ Tung, Krong, Kông Pla, Kon Pne. Hiện tại, các xã vận động người dân tập trung thu hoạch lúa ở những nơi nước đã rút, hong phơi để giảm tổn thất. Với những diện tích lúa còn ngập úng, người dân đào rãnh, khơi thông thoát nước nhằm hạn chế thiệt hại. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang tiếp tục phối hợp với các xã rà soát thống kê cụ thể những diện tích cây trồng khác bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ.

Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-thông tin: Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có hơn 2.232 ha cây trồng bị ngập úng, trong đó có đến 2.115 ha bị thiệt hại trên 70%, 117 ha thiệt hại 30-70%, ước giá trị thiệt hại khoảng 45 tỷ đồng. Hiện tại, trời đã tạnh mưa nhưng nước ở nhiều nơi vẫn chưa rút khiến cho việc đi lại của người dân còn khó khăn. Trước mắt, các địa phương vận động người dân không đi lại trên những khu vực sông, suối nước lớn và tiếp tục thống kê thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh, đề xuất hỗ trợ theo quy định.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới