Thứ Sáu, 3 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Khát vọng nâng tầm cà phê Việt

Gia Lai: Khát vọng nâng tầm cà phê Việt

Nhiều người trẻ vẫn luôn cố gắng thoát khỏi ruộng rẫy bằng cách lên thành phố học tập, làm việc. Song vẫn có những bạn trẻ ở Gia Lai đi ngược làn sóng ấy, bỏ phố về quê để làm nông nghiệp sạch. Trong số này có những người đang nỗ lực với khát vọng nâng tầm giá trị sản phẩm cà phê, loại cây trồng chủ lực của tỉnh và cả vùng Tây Nguyên.

Bỏ phố về quê làm nông

Đang có công việc ổn định ở công ty chuyên sản xuất cà phê đặc sản (specialty coffee) tại Đà Lạt, cuối năm 2019, chị Trần Thị Kim Phùng Thủy (1418 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) quyết định trở về Gia Lai để thực hiện giấc mơ tạo ra dòng cà phê hướng đến “chất” hơn là “lượng” trên quê hương. Chị chia sẻ: “Thế giới và Việt Nam đang diễn ra và dần trở nên phổ biến “làn sóng cà phê thứ 3” sau cà phê thương mại (dòng phổ thông) và cà phê cao cấp. Cà phê đặc sản là loại được canh tác trong điều kiện lý tưởng về độ cao, chất đất, khí hậu, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến để tạo ra hương vị riêng. Cà phê này phải đạt từ 80 điểm (trong thang điểm 100) trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Với các tiêu chí này, tôi nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp để tạo ra cà phê đặc sản”.

 Cà phê được lựa hái khi chín đỏ và phơi trên giàn là một trong những tiêu chí đạt thang điểm trên 80 và được công nhận là cà phê đặc sản. Ảnh: Minh Châu
Cà phê được lựa hái khi chín đỏ và phơi trên giàn là một trong những tiêu chí đạt thang điểm trên 80 và được công nhận là cà phê đặc sản. Ảnh: Minh Châu

Làm việc lâu trong ngành cà phê, chị Thủy biết rõ cà phê đặc sản chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng sản lượng (khoảng 2-3%) nhưng giá trị cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm thông thường. Vì vậy, chị trở về Gia Lai với mục tiêu rõ ràng là xắn tay làm mọi công việc để biến rẫy cà phê truyền thống của bố mẹ trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ có tên Moons Coffee Farm.

“Để làm ra cà phê đặc sản có chất lượng cao nhất, hương vị khác biệt thì cách thức cũng phải thay đổi. Đó là thay đổi hoàn toàn kỹ thuật canh tác, khi thu hái chỉ lựa trái chín, đồng thời áp dụng kỹ thuật cao trong sơ chế. Với cách làm này, mùa thu hoạch cà phê không chỉ gói gọn trong thời gian nhất định mà trải dài nhiều tháng. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, chất lượng cà phê cải thiện rõ rệt, môi trường đỡ bị tổn hại hơn”-chị Thủy chia sẻ.

Cũng theo chị Thủy, Gia Lai là vùng đất trù phú và có tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản bởi độ cao và khí hậu phù hợp. “Tôi muốn theo đuổi con đường sản xuất nông nghiệp bền vững, dù đây là một lựa chọn vất vả, phải lao động cả trí óc lẫn chân tay. Bạn phải có sức khỏe về mặt thể chất, hiểu rõ việc muốn làm và đang làm, có đủ kiến thức, kinh nghiệm để giải những bài toán thực tế”-chị Thủy cho biết thêm.

Hiện tại, chị vừa triển khai mô hình nông nghiệp sạch trên rẫy của gia đình, vừa học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình nông nghiệp hữu cơ tương tự ở các địa phương trong tỉnh. “Ở Gia Lai có nhiều người đã bắt tay làm nông nghiệp sạch. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững, và tôi muốn được là một trong những nhân tố để làm thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp ở Gia Lai. Vấn đề còn lại là làm sao thay đổi tư duy của các nông hộ, cùng nhau bắt tay làm nông nghiệp sạch, tạo ra phong cách sống mới cho người nông dân như ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển”-chị Thủy nói.

Khát vọng nâng tầm cà phê Việt

Cách đây hơn 4 năm, với mong ước đem lại giá trị cao cho hạt cà phê, anh Đoàn Anh Tuấn (SN 1996) từ bỏ công việc ở thành phố lớn để trở về xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ. Anh tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bón phân, không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nào trong khu rẫy.

Anh Đoàn Anh Tuần (giữa). Ảnh: Minh Châu
Anh Đoàn Anh Tuấn (giữa) từ bỏ công việc ở thành phố về xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) khởi nghiệp với nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Minh Châu

Anh Tuấn cho biết: “So với cà phê xô giá trị 30-35 ngàn đồng/kg, cà phê chất lượng cao chia làm nhiều loại, ứng với mỗi loại có thang điểm giá cả riêng. Giá cà phê của tôi dao động 65-85 ngàn đồng/kg, lợi nhuận gấp 3 lần so với sản xuất theo lối truyền thống. Sản xuất cà phê chất lượng cao không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà cả giá trị tinh thần cho người nông dân, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường nông nghiệp vùng nông thôn. Tôi hướng đến tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ, vừa sản xuất, vừa chế biến theo công nghệ hiện đại để có thể tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước”.

Đoàn Anh Tuấn đã chứng minh rằng người trẻ làm nông nghiệp hiện đại không chỉ nâng cao giá trị hạt cà phê mà còn mở ra hướng đi bền vững cho nông dân. Nhất là hiện nay, sản phẩm cà phê làm theo quy trình hữu cơ được thu mua với giá cao và ngành chức năng địa phương tiếp sức xây dựng thành sản phẩm OCOP. Nhiều người dân Nam Yang ban đầu khá xa lạ với cách làm cà phê của anh Tuấn nhưng sau một gian dài đã hiểu được giá trị của nó. Mô hình sản xuất cà phê của anh Tuấn còn trở thành điểm du lịch canh nông, thu hút du khách trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, thu hái cho đến chế biến, thưởng thức ly cà phê thơm ngon.

Một doanh nghiệp đưa học viên đến nông trại của anh Đoàn Anh Tuấn thực tập trong chương trình liên kết đào tạo sản xuất cà phê Robusta chất lượng cao (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Minh Châu
Một doanh nghiệp đưa học viên đến nông trại của anh Đoàn Anh Tuấn thực tập trong chương trình liên kết đào tạo sản xuất cà phê Robusta chất lượng cao (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Minh Châu

Mới đây, sản phẩm cà phê hữu cơ của anh Tuấn đã lọt tốp cà phê đặc sản (được chấm trên 80 điểm) tại cuộc thi ở Đak Lak. Hiểu rõ giá trị của cà phê Tây Nguyên trên biểu đồ giá trị cà phê thế giới, những người trẻ như anh Tuấn, chị Thủy đã và đang hiện thực hóa khát vọng nâng tầm giá trị cho loại nông sản này và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững trên quê hương.

MINH CHÂU

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới