Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Không quay lưng với thịt heo

Gia Lai: Không quay lưng với thịt heo

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn. Cũng nhờ đó, người tiêu dùng trong tỉnh vẫn yên tâm sử dụng thịt heo.

Không quay lưng với thịt heo

Tâm lý e ngại đối với sản phẩm thịt heo của một bộ phận người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thời gian qua là có thật bởi lo cho sức khỏe của mình và người thân. Chủ một cơ sở giết mổ heo ở TP. Pleiku cho biết: “Trước khi có dịch, mỗi ngày, cơ sở của tôi mổ 30-50 con heo. Từ khi có dịch ở các tỉnh khác, người tiêu dùng e ngại, mua ít nên hiện tôi chỉ mổ khoảng 20-25 con heo mỗi ngày”.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng hoang mang. Minh chứng là những quầy bán thịt heo ở các chợ vẫn có khách thường xuyên. Chị An-chủ một sạp thịt heo ở chợ Yên Thế (TP. Pleiku) cho biết: “Từ khi có dịch ở các tỉnh khác, lượng khách có giảm nhưng không đáng kể. Tôi nhập thịt heo từ những lò truyền thống, có giấy chứng nhận đàng hoàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên khách hàng rất yên tâm sử dụng”.

Còn ở những nhà hàng ăn uống, quán cơm, quán ăn sáng, món thịt heo vẫn không hề thiếu trong thực đơn. Chủ một quán cơm nổi tiếng trên đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku) cho biết: Từ khi có thông tin heo bị dịch, số lượng thịt heo quán nhập vào giảm đi gần một nửa so với trước. “Giờ thì bình thường trở lại rồi do khách hàng biết dịch tả heo châu Phi không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là thịt có kiểm dịch, được chế biến đảm bảo”-chủ quán cơm này nói.

Tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Song An (thị xã An Khê). Ảnh: T.B.Đ
Tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Song An (thị xã An Khê). Ảnh: T.B.Đ

Những quán bún riêu giò ở TP. Pleiku hiện vẫn luôn đông khách. Chủ một quán bún trên đường Phạm Văn Đồng vui vẻ cho biết: “Quán tôi trước giờ chỉ bán bún riêu, giò được làm từ thịt heo. Từ hôm có thông tin có dịch ở các tỉnh khác, quán tôi vẫn đông khách như bình thường, khách quen không vắng một ai”.

Về phía người tiêu dùng, chị Lê Thị Thảo (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi vẫn ăn thịt heo bình thường như mọi khi. Miễn mình mua thịt đúng địa chỉ, về chế biến hợp vệ sinh là không có vấn đề gì”.

Làm tốt công tác phòng dịch

Người dân Gia Lai không quay lưng với thịt heo, đó là nhờ tỉnh đã làm tốt công tác phòng dịch từ xa, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng. Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Tuy chưa có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh song công tác phòng-chống dịch luôn được quan tâm và triển khai đồng bộ như tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguồn vào ở các cửa ngõ nhằm phát hiện động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hoặc động vật có biểu hiện lâm sàng của bệnh… Đối với sản phẩm động vật ngoài tỉnh chở vào địa bàn, các trạm kiểm dịch động vật tổ chức tiêu độc khử trùng ngay tại cửa ngõ. Với 3 huyện biên giới (Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ), UBND tỉnh đã có văn bản gửi lực lượng Bộ đội Biên phòng yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn những trường hợp nhập lậu động vật từ nước ngoài vào… Công tác tuyên truyền cho người dân, người chăn nuôi cũng được đặc biệt quan tâm với mong muốn nhân dân cùng phối hợp với chính quyền, ngành chức năng ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu động vật chăn nuôi không an toàn, đồng thời chú trọng hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

Gia Lai có 4 cửa ngõ đi vào tỉnh, mỗi cửa ngõ đều có 1 trạm kiểm dịch động vật. Quốc lộ 19 đầu đèo An Khê (giáp với tỉnh Bình Định) có Trạm Kiểm dịch động vật Song An, quốc lộ 25 giáp tỉnh Phú Yên có Trạm Kiểm dịch động vật Chư Ngọc, quốc lộ 14 giáp tỉnh Kon Tum có Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai, giáp tỉnh Đak Lak có Trạm Kiểm dịch động vật 110.

Ông Thái Văn Dũng-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Song An-cho biết: Trạm luôn thực hiện nghiêm Kế hoạch số 425 của UBND tỉnh về việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh. Tại đây, Trạm cắt cử anh em trực 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý tình huống. Tính từ ngày 1-3 đến hết ngày 31-3, có 290 trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua trạm. Trong đó, chủ yếu là vận chuyển heo và sản phẩm từ heo với 182 trường hợp (7.937 con); 92 trường hợp vận chuyển gia cầm (69.175 con); 13 trường hợp vận chuyển trâu bò với 158 con… Tất cả đều được tiêu độc khử trùng đúng theo quy trình của ngành, đảm bảo tuyệt đối động vật vào địa bàn tỉnh đều sạch bệnh.

Không chỉ kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên ở các cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và hướng dẫn người dân chăn nuôi, giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ đó, đến nay tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định.

TRẦN BÌNH ĐỊNH

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới