Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hoạt động cho vay tiền lãi suất cao (tín dụng đen) không những phát triển mạnh ở các huyện, thị xã, thành phố, mà đang có xu hướng mở rộng ra các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng bám dân, làm tốt công tác tuyên truyền để bà con cảnh giác xa lánh nạn tín dụng đen. Lực lượng Công an tích cực điều tra, kiên quyết triệt phá, để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân bước vào năm mới 2019.

Hậu quả của chiêu trò cho vay tiền nhanh gọn

Đến Gia Lai những ngày cuối năm 2018, không khó khăn mấy để tìm người “cho vay tiền nhanh chóng”. Trên các trụ điện, tường các nhà công sở, khu dân cư… đâu đâu cũng thấy dán tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, các thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần cầm cố tài sản. Giấy cho vay không có người làm chứng, công chứng, hình thức vay nhanh gọn, tiền mặt trao liền hoặc chuyển khoản nhanh… Hàng ngàn người dân địa phương cần tiền gấp để giải quyết công việc, khám chữa bệnh, không am hiểu về pháp luật, không biết tính lãi suất vay, lại thấy thủ tục dễ dàng, nhanh gọn, chỉ việc ký vào sổ ghi nợ là được vay tiền nên đã mắc bẫy nợ, để lại những hậu quả đau lòng.

Những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền thủ tục đơn giản, nhanh gọn.

Chị Kpui H’Thel ở Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: “Đi chợ mua thức ăn, được một người phụ nữ đưa cho tờ giấy giới thiệu cho vay nhanh, đơn giản. Vì cần tiền nên chị Thel đã liên hệ qua số điện thoại ghi trên tờ giấy, chưa tới một giờ sau, đã có hai người đi trên xe máy đến cho vay 30 triệu đồng. Họ chỉ yêu cầu đưa cà vẹt xe máy, chứng minh nhân dân và buộc tôi phải trả góp 750.000 đồng/ngày, trả trong vòng 50 ngày. Chỉ 50 ngày sau khi vay 30 triệu đồng, tôi phải đắng lòng trả tổng cộng 37,5 triệu đồng”.

Ở Chư Sê (Gia Lai) chỉ vì vay hơn 100 triệu đồng lãi suất cao, không có trả, đối tượng Nguyễn Văn Tùng đã ra tay giết bà Phạm Ngọc Diệp (người cho vay tiền) hòng phi tang bịt đầu mối. Anh Trần Văn một sinh viên ngành y mới ra trường ở TP Pleicu dính vào cạm bẫy tín dụng đen, không có tiền trả đã tự tử, để lại cho gia đình bao nỗi thương xót, khổ cực…

Theo thống kê của cơ quan công an, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao. Tất cả 17 huyện thị của Gia Lai đều xảy ra hoạt động này, với hơn 9.000 người vay, trong số này chủ yếu là bà con DTTS. Về lãi suất vay thì theo thỏa thuận giữa 2 bên với nhau và thường là thỏa thuận miệng với mức từ 2% đến 5%/tháng, tương đương 24% đến 60%/năm. Nhiều vụ án liên quan đến vay lãi suất cao, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt và khởi tố 5 vụ, 11 bị can, thu giữ 1 khẩu súng quân dụng K59 và 2 khẩu súng tự chế; xử phạt vi phạm hành chính 33 đối tượng về hành vi treo, dán quảng cáo với số tiền 49,5 triệu đồng (liên quan đến hoạt động cho vay)…

Kiên quyết triệt phá các điểm tín dụng đen

Để giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm cuộc sống cho người dân, nhất là bà con đồng bào DTTS chuẩn bị bước vào năm mới 2019, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã trực tiếp chỉ đạo lực Công an địa phương tích cực vào cuộc, xác minh, điều tra, kiên quyết bốc gỡ các tụ điểm, cá nhân cho vay nặng lãi. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành cũng đã ký công văn số 1382 chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương cần quyết liệt ngăn chặn tính dụng đen.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban ngành tăng cường bám nắm địa phương, bám dân, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết thêm về pháp luật, về thủ đoạn cho vay nhanh, nặng lãi của các công ty “tín dụng đen”. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn các thủ tục lập hồ sơ tín dụng theo hướng đơn giản hơn, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp để người dân nghèo, nhất là người DTTS dễ dàng tiếp cận, vay vốn.

Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động quảng cáo trái phép liên quan đến dịch vụ cho vay tiền; quản lý các giao dịch mua bán hàng hóa, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng; rà soát số đối tượng môi giới cho người dân vay lãi suất cao bằng hình thức ép giá nông sản, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản… để xử lý theo quy định pháp luật.

Công an tỉnh Gia Lai khám xét và bắt các đối tượng Công ty Nhất Tín Phát.

Đại tá Phan Thanh Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp Bộ chỉ huy quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các ban ngành địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người dân hiểu, cảnh giác nạn tín dụng đen. Lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, bắt và xử lý hành chính hàng chục trường hợp dán tờ rơi quảng cáo cho hoạt động tín dụng đen.

Đặc biệt đã bốc dỡ và xóa sổ Công ty Nhất Tín Phát Gia Lai, chuyên cho “vay nóng” thu lợi bất chính, bắt 7 đối tượng chủ chốt để điều tra. Công ty Nhất Tín Phát có trụ sở chính ở thành phố Pleiku, nhưng đã xây dựng mạng lưới chi nhánh về các khu vực khác, hoạt động cho vay với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ ngày, tương đương 0,4%/ ngày, 12%/ tháng, 144%/ năm. Thủ thuật các đầu nậu tín dụng đen, chỉ là những giấy viết tay sơ sài, không hề ghi điều khoản trả nợ, lãi suất.

Chính sự biến tướng, lách luật này, khi cơ quan chức năng vào cuộc rất khó xử lý hình sự. Công an chỉ can thiệp khi xảy ra việc mất an ninh trật tự, bắt người trái phép, giết người, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, cố ý gây thương tích. Không bắt được những người quảng cáo, vì không đúng luật. Các nạn nhân khi vướng vào tín dụng đen, cần phải hợp tác với cơ quan Công an, để lực lượng chức năng thuận lợi trong điều tra xử lý, có như vậy mới nhanh chóng dập tắt nạn tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân, đặc biệt là những ngày trước, trong, sau năm mới 2019.

Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI

Theo Qdnd.vn