Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: "Ly nông bất ly hương" Kỳ 1: Đất lành nơi...

Gia Lai: “Ly nông bất ly hương” Kỳ 1: Đất lành nơi xứ người

Những năm qua, công tác kết nối lao động đi làm việc ngoài tỉnh và ngoài nước phù hợp với nguyện vọng của người dân, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là một số vấn đề phát sinh khi người lao động đi làm ăn xa, bỏ ruộng vườn hoang hóa, con cái thiếu vắng người chăm sóc, lực lượng lao động mất cân đối… dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Đó là lý do để tỉnh Gia Lai triển khai chính sách “Ly nông bất ly hương” nhằm giúp người dân yên tâm bám đất, bám làng, phát triển bền vững trên chính quê hương mình.

Vì nhiều lý do khác nhau, những năm gần đây, người lao động trên địa bàn tỉnh đổ xô tìm việc làm ở các tỉnh, thành hoặc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, thậm chí đổi đời.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2019, toàn tỉnh có 33.275 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 1.480 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các địa phương dẫn đầu về số lao động làm việc ngoài tỉnh gồm: Chư Pưh (5.354 người), Pleiku (4.729), Chư Prông (3.886), Phú Thiện (3.695), Ia Grai (3.331), Chư Sê (3.174)… Đây cũng là các địa phương có số người đi XKLĐ ở mức cao.

Muôn nẻo ly hương

Hơn 3 năm trở lại đây, nhiều người lao động ở huyện Chư Pưh ồ ạt rời bỏ quê hương. Riêng năm 2019, có đến 4.305 người ra đi do mất mùa, nợ nần (chiếm hơn 80% số người đi làm ăn xa). Hầu hết là những hộ bị “vỡ mộng” sau khi hơn 1/2 diện tích hồ tiêu trên địa bàn chết do dịch bệnh, chưa kể giá của loại “vàng đen” này cũng giảm sâu.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-nhớ lại: “Hồ tiêu Chư Pưh có thời kỳ phát triển ồ ạt, vượt quy hoạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lúc đó có khuyến cáo người dân cũng không nghe. Khi giá xuống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì thiệt hại vô cùng lớn”. Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: “Tỷ lệ lao động tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiếm 90%. Sau khi cây hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều hộ dân không còn khả năng trả lãi số tiền lớn vay trước đó nên vào miền Nam làm công nhân”.

Trò chuyện cùng P.V về hiện tượng này, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-thông tin: Dân số của huyện hơn 130 ngàn người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 55%. Thu nhập của người dân chủ yếu từ các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, hồ tiêu… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, riêng cao su xuống dưới giá thành… đã tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Sản xuất không đảm bảo đời sống đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Hiện số nợ xấu trên địa bàn huyện là hơn 200 tỷ đồng. Do đó, nhiều gia đình chọn giải pháp đi XKLĐ hoặc rời địa phương tìm kiếm việc làm ở các tỉnh, thành khác. Theo thống kê, trong số 3.886 lao động đi làm ăn xa, có hơn 57% ly hương do mất mùa, nợ nần.

Thôn Plei Ơi có số người đi XKLĐ nhiều nhất xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh: Phương Dung
Thôn Plei Ơi có số người đi XKLĐ nhiều nhất xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh: Phương Duyên

Nói về lý do nhiều người quyết định đi tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác, bà Huỳnh Thị Tư-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện-nhận định: Đa phần người dân thiếu hoặc không có đất sản xuất, muốn thoát nghèo nhanh để khi trở về có ít vốn liếng làm ăn. Thêm nữa, Phú Thiện là huyện thuần nông, ngành nghề, dịch vụ ít phát triển dẫn đến cơ hội việc làm ở khu vực phi nông nghiệp thấp. Trong số 3.695 lao động đi làm ăn xa có đến hơn 41% người ly hương nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp.

Thoát nghèo, đổi đời

Toàn xã Ayun Hạ có khoảng 40 người đi XKLĐ, nhiều nhất huyện Phú Thiện. Cùng chúng tôi đến thăm một số gia đình ở Plei Ơi, Phó Chủ tịch UBND xã Rơ Mah Thuyn chỉ vào mấy ngôi nhà kiên cố nằm sát nhau trên trục đường chính: “Làng này có 12 người đi XKLĐ, nhiều nhất xã. Ở đây, hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa, nhất là thời điểm nông nhàn”.

Chị Rơ Mah H’Loan vui vẻ mời vào thăm nhà và cho hay: Trước kia, gia đình chị có 1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, đất đai bạc màu, sỏi đá, sản xuất không hiệu quả nên chị đã bán cho người khác. Hết tiền, không có đất sản xuất, gia đình có lúc rơi vào cảnh điêu đứng khi khoản nợ do vay “tín dụng đen” để sửa nhà, mua gạo, mắm… dần bị đẩy lên đến con số 100 triệu đồng.

Năm 2016, chị H’Loan đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út với quyết tâm trả nợ, thoát nghèo. Với mức lương 9 triệu đồng/tháng từ nghề giúp việc, sau 2 năm, chị đã giải quyết xong nợ nần và tiết kiệm được hơn 60 triệu đồng mua đất. Sau đó, vợ chồng chị vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thêm một khoản tiền để xây nhà.

Hiện chồng chị chuẩn bị XKLĐ sang Đài Loan với mức lương 18 triệu đồng/tháng. “Mình ở nhà trông 2 con. Sau khi trả nợ ngân hàng, gia đình mình sẽ có khoản tích lũy chừng vài trăm triệu đồng để mua thêm ruộng trồng lúa nước”-chị H’Loan chia sẻ dự định.

Nhờ đi XKLĐ, gia đình chị Rơ Mah H’Loan (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) đã trả được khoản nợ “tín dụng đen”, mua đất, xây nhà. Ảnh: Phương Duyên
Nhờ đi XKLĐ, gia đình chị Rơ Mah H’Loan (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) đã trả được khoản nợ “tín dụng đen” và mua đất, xây nhà. Ảnh: Phương Duyên

Cách đó không xa, anh Rơ Mah Kơn đang tập kết vật liệu chuẩn bị xây nhà mới. Anh Kơn cho hay, vợ anh đi XKLĐ ở Ả Rập Xê Út hơn 1 năm nay. Với số tiền 85 triệu đồng chị gửi về, anh bán thêm 3 con bò để xây căn nhà có diện tích 50 m2, rộng gấp đôi căn nhà cũ. “Cách đây vài năm, tôi vào Đồng Nai làm công nhân tại một xưởng gỗ với mức lương 8 triệu đồng/tháng”-anh Kơn cho biết thêm.

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, chị Phan Thị Cẩm Nhung (làng Phun Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cũng nỗ lực tìm kiếm công việc phù hợp nhưng sau đó lại chọn con đường XKLĐ sang Nhật Bản như 2 anh trai.

Chị Nhung chia sẻ, thời điểm chị vừa tốt nghiệp đại học, kinh tế gia đình khó khăn, cha mẹ lại cần một khoản tiền trả nợ xây nhà. Vì vậy, hàng tháng, chị cố gắng làm việc và tiết kiệm chi tiêu để gửi về phụ giúp cha mẹ 17-20 triệu đồng; 2 anh trai cũng đều đặn gửi về mỗi người trên 20 triệu đồng/tháng. Tháng 12-2019, chị Nhung kết thúc hợp đồng lao động và trở về nước.

“Công việc của tôi là đứng dây chuyền chế biến thực phẩm đông lạnh, không vất vả nhưng áp lực. Đã đứng vào dây chuyền sản xuất là phải tập trung cao độ, không được sao nhãng vì sẽ mất an toàn lao động, sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn”-chị Nhung kể.

Sau nhiều năm vất vả nơi xứ người, chị Nhung và 2 anh đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, đó là giúp cha mẹ trang trải nợ nần và có cuộc sống ổn định, sung túc hơn. Không những thế, 3 anh em còn góp vốn mua 1 mảnh đất để dành.

“Thời gian ở Nhật Bản, không chỉ tiếp cận với máy móc, khoa học kỹ thuật hiện đại và cách làm việc chuyên nghiệp mà tôi còn học được cả nếp sống của người Nhật. Họ rất đúng giờ, vô cùng tỉ mỉ, ngăn nắp. Ngoài ra, tôi còn có vốn tiếng Nhật phong phú để có thể tự tin khi giao tiếp”-chị Nhung phấn khởi nói.

Trong khi đó, chàng trai Rơ Châm Niêm (làng Klăh Băng, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) lại chọn hình thức lao động thời vụ tại tỉnh Bình Dương. Theo Niêm, đi làm vài tháng vừa kiếm thêm thu nhập trong giai đoạn thưa việc tại địa phương, vừa phát triển kinh tế gia đình. Vừa trở về nhà sau 2 tháng làm ở xưởng gỗ, Niêm cho hay: “Nhà có 1.500 cây cà phê chuẩn bị đến mùa thu hái nên mình về để phụ giúp gia đình. Thu hoạch xong, nếu ở nhà có việc thì làm, không có mới phải đi xa”.

PHƯƠNG DUNG-PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới