Thứ Tư, 8 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Mạnh tay ngăn chặn hành vi ‘bức tử’ rừng thông

Gia Lai: Mạnh tay ngăn chặn hành vi ‘bức tử’ rừng thông

Thời gian gần đây, hàng ngàn gốc thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị người dân ‘bức tử’ bằng cách cạo vỏ để trồng lan hoặc bị tiêm thuốc, đóng đinh, ken cây… cho chết dần để lấn chiếm đất rừng.

“Bức tử” rừng thông

Những ngày giữa tháng 5-2019, có dịp đi dọc theo tuyến Tỉnh lộ 664 thuộc địa bàn xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những khoảng rừng thông đang chết héo, lá vàng ươm nằm xen giữa cánh rừng thông xanh bạt ngàn hai bên đường.

Vào tận nơi, chúng tôi phát hiện hàng trăm cây thông bị cạo vỏ từ gốc lên đến quá đầu người. Một số cây vết cạo còn mới, nhựa rỉ chảy dọc thân. Bên cạnh những cây thông vừa mới bị cạo là hàng loạt cây khác bị cạo vỏ từ lâu chết đứng, thân cây đã mục rỗng chỉ chờ ngã đổ.

Đi sâu vào bên trong, chúng tôi phát hiện có một khoảng rừng thông bị chết khô, trong khi các cây lân cận vẫn xanh tốt. Tại khu vực rừng thông chết khô này, chúng tôi phát hiện có rất nhiều lỗ khoan được khoét sâu vào bên trong thân cây, phía bên ngoài thân cây còn dính nhiều “dung dịch lạ”.

Còn tại địa bàn xã Glar, huyện Đắk Đoa, hàng ngàn cây thông cũng đang bị “bức tử” trong tình trạng tương tự. Dọc theo tuyến đường liên xã, từ bên ngoài nhìn vào, rừng thông không có vẻ gì bị xâm hại. Nhưng chỉ qua mấy hàng thông đi vào sâu trong là cận cảnh hàng ngàn gốc thông bị cạo vỏ, nhựa đang còn ứa mủ. Nhiều gốc bị lấy hết phần vỏ, biểu bì đến sát phần lõi. Đặc biệt, một số gốc bị các đối tượng dùng dao chặt quanh thân và chỉ cần một cơn gió nhẹ cây sẽ bị đổ và chết…

Theo người dân địa phương, một trong những nguyên nhân chính khiến hàng ngàn cây thông bị cạo vỏ ồ ạt là thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện một số thương lái thu mua vỏ thông với giá khá cao. Trước những món tiền mang lại, nhiều người đã lén lút vào rừng cạo vỏ đem bán. Một số người còn tiêm thuốc, ken gốc để cho cây chết dần, sau đó chiếm đất canh tác.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Tất Thành – Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng thông) cho biết, chỉ tính riêng 60ha rừng do đơn vị quản lý thì đến nay đã có 981 cây thông bị róc vỏ.

Trong đó, có 715 cây bị róc một phần vỏ khô bên ngoài, một số cây có hiện tượng chảy nhựa do có sự tác động của con người. 276 cây thông đã bị chết khô, thân còn đứng nguyên tại hiện trường, vỏ cây đã mục và bị bóc sạch vỏ từ gốc lên khoảng 2-3m so với mặt đất. Nguyên nhân chính dẫn đến cây thông bị chết là do con người xâm hại và cũng một phần do tự nhiên…

Hàng ngàn gốc thông bị chặt, bóc vỏ dẫn đến chết trắng.

Cần sớm điều tra, xử lý nghiêm

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tình trạng người dân xâm hại rừng thông khởi phát từ năm 2018 và bùng phát trở lại vào đầu năm 2019 và đến nay, đã có tổng cộng hơn 250ha với hàng ngàn cây thông bị xâm hại. Điều đáng nói là sự việc diễn ra trong một thời gian dài nhưng việc ngăn chặn lại không hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Huyện ủy huyện Đắk Đoa, một trong những địa phương để xảy ra tình trạng xâm hại rừng thông lớn nhất tỉnh cho biết, thời gian qua trên địa bàn các xã Glar, xã Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa liên tiếp xảy ra tình trạng một số đối tượng vào rừng thông cạo vỏ trái phép.

Qua xác minh ban đầu xác định, diện tích rừng thông bị cạo vỏ khoảng 150ha, chủ yếu đối với thông 2 lá. Các đối tượng cạo lấy đi toàn bộ vỏ khô bên ngoài của thân cây. “Qua tìm hiểu, việc mua vỏ thông lúc đầu là để làm giá thể trồng lan nhưng cho đến giờ này thì một số đối tượng lại khai là bán cho thương lái Trung Quốc”, ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa lại cho rằng, qua một số vụ việc phát hiện thì không xác định được người ta lấy vỏ thông ở đâu. “Qua quá trình kiểm tra, đơn vị phát hiện cây thông không chết mà chỉ héo úa. Việc để xảy ra tình trạng rừng thông bị như thế một phần trách nhiệm thuộc về kiểm lâm địa bàn cũng như Ban lãnh đạo Hạt chưa làm tốt công tác phối hợp, tuần tra, kiểm soát để xảy ra tình trạng xâm hại như trên”, ông Sơn thừa nhận.

Trước vụ việc trên, vừa qua, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã lập đoàn kiểm tra tại hiện trường những rừng thông bị xâm hại. “UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ rừng thông kịp thời. Ngoài ra, lực lượng Công an, Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan cần nhanh chóng vào cuộc tìm ra các đối tượng đã xâm hại đến rừng thông để xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, phải xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Kpă Thuyên chỉ đạo.

Chiều 22-5, trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an huyện Đắk Đoa cho biết, lực lượng Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành bắt quả tang đối tượng Phạm Minh Ngọc (38 tuổi, trú tại xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa) có hành vi mua bán, vận chuyển vỏ thông.

“Vào thời điểm bắt giữ, đối tượng đang dùng xe vận chuyển 103 bao đựng vỏ thông với tổng khối lượng gần 3,5 tấn. Ban đầu, đối tượng Ngọc khai nhận thu mua số vỏ thông này tại một số xã của huyện Đắk Đoa để vận chuyển, đi bán kiếm lời. Giá mỗi ký vỏ thông mà đối tượng mua vào dao động từ 3-4 nghìn đồng, sau đó bán lại với giá cao hơn”, vị lãnh đạo này thông tin.

Ngay sau khi nắm được tình trạng khai thác vỏ thông, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa cũng đã lập đoàn tiến hành kiểm tra để nắm tình hình cạo vỏ rừng thông. “Theo đó, trên địa bàn nhiều tháng nay, lực lượng đã phát hiện và bắt giữ một số thương lái chuyên thu mua vỏ thông chở đi tiêu thụ. Chỉ tính từ cuối năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện 4 vụ mua bán, thu giữ hơn 7 tấn vỏ thông… Việc mua bán vỏ thông này mục đích khả năng để bán cho các nhà vườn trồng lan và kinh doanh các mục đích khác”, ông Sơn nói.

Văn Thành

Theo Cand.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới