Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: "Mẹ đỡ đầu" của trẻ em mồ côi

Gia Lai: “Mẹ đỡ đầu” của trẻ em mồ côi

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” do các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai triển khai đã nối vòng tay yêu thương đón nhận những đứa trẻ thiệt thòi.

Hơi ấm của mẹ

Căn nhà tôn với những lỗ thủng nham nhở của gia đình chị Uel (làng Tao Ô, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) hướng về phía cánh đồng. Không gian xa vắng như chính nỗi lòng của chị kể từ ngày cô con gái đầu lòng mất vì ung thư máu, để lại đứa cháu ngoại hãy còn đỏ hỏn. Ôm cháu mới 8 tháng tuổi gầy nhẳng vì thiếu sữa mẹ, chị Uel kể: “Con gái mình lấy chồng đến giữa năm 2021 thì sinh con. Lúc đó, bác sĩ phát hiện nó có vấn đề về máu. Khi làm xét nghiệm đã ung thư giai đoạn cuối. 2 tháng sau thì nó ra đi. Chồng mình thì mất trước đó không lâu do bạo bệnh”.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị Uel gồng mình nuôi 4 đứa con, đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo, giờ lại thêm đứa cháu ngoại ốm yếu. “Mình chắt nước cơm cho nó uống mà nó cứ khóc suốt. Cả ngày chăm cháu nên mình không làm gì được. Ngoài 2 sào lúa thì gia đình chẳng còn gì”-chị nói.

Trước hoàn cảnh đặc biệt của gia đình chị Uel, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rong đã nhận đỡ đầu cháu Liêng cho đến năm 18 tuổi. Chị Trương Nữ Ánh Trang-Chủ tịch Hội LHPN xã-kể: “Khi mẹ bé Liêng vừa mất, Hội LHPN xã đã đứng ra kêu gọi cán bộ, hội viên và các Mạnh Thường Quân ủng hộ được 14,6 triệu đồng. Chúng tôi làm cho bé 1 sổ tiết kiệm 12 triệu đồng, số tiền còn lại mua sữa và đồ dùng cần thiết khác. Hội cũng đứng ra nhận làm “mẹ đỡ đầu” cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Trong thời gian đó, cán bộ, hội viên có trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ người thân chăm sóc bé, tạo điều kiện để cháu đến trường. Chúng tôi hướng cho chị Uel vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội nuôi dê sinh sản, vươn lên thoát nghèo để có điều kiện chăm sóc bé Liêng”.

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: “Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động (tháng 10-2021), các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nhận đỡ đầu, chăm sóc 6 trẻ có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và 62 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình đang tiếp tục lan tỏa, được cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục đồng hành, nối vòng tay lớn để đón nhận, tiếp sức thêm nhiều trẻ em có số phận không may mắn”.

Thông qua mô hình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội LHPN huyện Chư Pưh đã kịp thời giúp đỡ, làm điểm tựa cho những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt.

Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Don tâm sự: “Từ trước tới nay, Hội vẫn luôn có các hoạt động giúp đỡ trẻ mồ côi, nhưng nhận làm “mẹ đỡ đầu” thì đây là trường hợp đầu tiên. Đây là chuyện nâng đỡ, giáo dục, nuôi dưỡng một con người nên trách nhiệm hết sức lớn lao. Thời gian nhận đỡ đầu lại rất dài, sau năm 18 tuổi. Chúng tôi còn có kế hoạch hướng nghiệp để các em có thể tìm được nghề nghiệp phù hợp. Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên. Để đi được đường dài như vậy, đồng thời nhận đỡ đầu thêm nhiều trẻ mồ côi khác có điểm tựa vươn lên trong cuộc sống, Hội cố gắng để trở thành cầu nối, tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Nếu cộng đồng cùng chung sức làm “mẹ đỡ đầu” cho những trẻ em không may mắn mất đi cha mẹ, tôi tin các em sẽ có được một điểm tựa và tương lai cũng sẽ tốt hơn”.

Cán bộ Hội LHPN xã Chư Don thăm bé Em Kpuih Côi (SN 1997) mồ côi cha mẹ. Ảnh: Minh Châu
Cán bộ Hội LHPN xã Chư Don (huyện Chư Pưh) thăm bé em Kpuih Côi (SN 1997) mồ côi cha mẹ. Ảnh: Minh Châu

Bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh-cho biết: “Mất đi cha mẹ đã là một thiệt thòi, mất mát lớn đối với trẻ em. Là phụ nữ nên các chị đều thấu hiểu và muốn bù đắp những mất mát ấy, không chỉ về mặt vật chất mà cả về tinh thần, tình cảm cho các bé. Mô hình “Mẹ đỡ đầu” khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện. Chị em có nhiều cách vận động, hỗ trợ lan tỏa giá trị nhân văn của hoạt động này đến cộng đồng”.

MINH CHÂU

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới