Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Cuộc chiến cam go

Gia Lai: Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Cuộc chiến cam go

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang trà trộn khắp nơi trên thị trường, gây ra nhiều hệ lụy. Việc ngăn chặn, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang là thách thức đối với lực lượng chức năng.

Ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai-cho biết: Vào giữa tháng 7 vừa qua, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 3.577 cuốn sách giáo khoa giả (sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9, sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 7, sách Tin học) tại 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, gồm: Cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí (tổ 6, phường Yên Thế, TP. Pleiku), Siêu thị nhà sách Vĩ Yên (807 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê), Cơ sở kinh doanh Toàn (40 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku). Đây cũng là lần đầu tiên Cục QLTT tỉnh phát hiện, xử lý hàng giả trong lĩnh vực sách giáo khoa.

 Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm đếm số lượng sách giả. Ảnh: A.H
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm đếm số lượng sách giả. Ảnh: A.H

Ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai: “Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường và tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Cục chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau dịp Tết Trung thu 2019”.

Cầm 2 cuốn sách Tiếng Anh lớp 3 bị làm giả trên tay, ông Huỳnh Thanh Long-cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Đà Nẵng-cho hay: “Nếu chỉ dựa vào màu sắc rất khó phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Cách nhận biết thông thường nhất đối với người tiêu dùng là kiểm tra tem dán phía sau cuốn sách, sách thật sau khi lột tem dán sẽ dính kèm chữ GD, còn sách giả khi lột chỉ là miếng ni lông trắng”. Sau khi kiểm tra rất kỹ số sách giáo khoa do Cục QLTT tỉnh tạm giữ từ 3 cơ sở kinh doanh trên, ông Long khẳng định: “Cả 3.577 cuốn sách giáo khoa trên đều là giả, tem dán trên sách cũng là giả”. Ông Long cũng khuyến cáo việc sách giả lưu hành trên thị trường sẽ khiến các công ty phát hành sách, nhà xuất bản chân chính bị mất đi cả thương hiệu lẫn doanh thu. Hơn thế, do không được kiểm duyệt về nội dung bên trong nên khi học sinh dùng phải sách giả sẽ bị sai lệch về kiến thức. Do đó, các bậc phụ huynh, học sinh cần lưu ý khi mua sách và nên mua tại các nhà sách, cơ sở kinh doanh uy tín.

Ngoài sách giáo khoa giả, thời gian qua, lực lượng QLTT tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu…; xử lý nghiêm các vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chân chính. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 18 vụ kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến giả mạo nhãn hiệu. Điển hình như vào ngày 11-6-2019, Đội QLTT số 12 đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở kinh doanh: Cà Rốt (46C Hùng Vương, TP. Pleiku) và Mẫn Yên (73 Hùng Vương, TP. Pleiku). Lực lượng QLTT đã phát hiện 2 cơ sở này đang bày bán 457 chiếc đồng hồ giả mạo nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sỹ và nhãn hiệu Casio đang được bảo hộ tại Việt Nam. Trước đó, lực lượng QLTT cũng kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH một thành viên Cát Lợi Gia Lai (18/7 Âu Cơ, TP. Pleiku) đang bày bán 3.540 lon nước yến nhãn hiệu SeaNest do Công ty cổ phần Dinh dưỡng Khánh Hòa (KHANH HOA Nutrition) sản xuất có nhãn hiệu và hình có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến Sào Khánh Hòa (Sanest Khánh Hòa). Sau khi xác minh, hoàn tất hồ sơ, Cục QLTT tỉnh đã ra quyết định xử phạt 43,5 triệu đồng đối với 2 cơ sở kinh doanh Cà Rốt và Mẫn Yên; phạt 40 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Cát Lợi Gia Lai. Đồng thời buộc tiêu hủy 457 chiếc đồng hồ giả mạo nhãn hiệu cùng với 3.540 lon nước yến nhãn hiệu SeaNest vì không loại bỏ được yếu tố vi phạm.

Theo ông Lê Hồng Hà, sở dĩ hàng giả vẫn len lỏi khắp nơi trên thị trường một phần là do việc sản xuất hàng giả mang lại lợi nhuận lớn; phần khác là do nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, chưa phân biệt được hàng thật-hàng giả và tâm lý sính hàng ngoại, thích mua sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá rẻ… Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa hoặc thiếu hợp tác trong việc xử lý vi phạm vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu. Riêng với mặt hàng xăng dầu, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh cũng tăng cường kiểm tra nhưng chưa phát hiện xăng dầu giả, song đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng trên địa bàn.

ANH HUY

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới