Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Ngành chăn nuôi "hút" vốn đầu tư

Gia Lai: Ngành chăn nuôi “hút” vốn đầu tư

Gia Lai được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi. Do đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao và chuỗi khép kín.

Tỉnh ta có diện tích đất nông nghiệp gần 1,4 triệu ha, trong đó có những đồng cỏ rộng tới 17.000-18.000 ha. Vì vậy, Gia Lai hội đủ điều kiện để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc.

Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn

Trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) rộng 18 ha có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3-2019, mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 con heo thịt. Dự án chăn nuôi này được ứng dụng 100% công nghệ cao, hiện đại nhằm kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm được ứng dụng 100% công nghệ cao. Ảnh: Hà Duy
Trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao Ia Pa của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm được ứng dụng 100% công nghệ cao. Ảnh: Hà Duy

Bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm-cho biết: “Chúng tôi phấn khởi nhất chính là sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền các cấp trong triển khai dự án. Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi, nhưng chưa được khai thác hết. Do vậy, từ sự thành công của dự án tại Ia Pa, chúng tôi sẽ triển khai đầu tư thêm 2 dự án chăn nuôi nữa tại xã Chơ Long, huyện Kông Chro. Trong đó, 1 dự án có quy mô 2.400 con heo nái với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng và dự án còn lại có quy mô 5.000 con heo nái với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng”.

Đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79 hứa hẹn sẽ là “cú hích” cho làn sóng đầu tư mới ở trung tâm vựa lúa Ayun Hạ. Với tổng mức đầu tư gần 75 tỷ đồng, Dự án có quy mô 32.000 con heo thịt mỗi năm.

Ông Hoàng Thanh Tùng-Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79-cho hay: “Trang trại cách khu dân cư trên 4 km theo đường chim bay, có hệ thống xử lý chất thải hiện đại, khép kín, sử dụng cả phương pháp xử lý vi sinh và xử lý cưỡng bức để đạt tiêu chuẩn nước thải tái tuần hoàn. Chúng tôi cam kết đảm bảo về vấn đề môi trường. Hiện tại, Dự án đã hoàn thành được 75% khối lượng. Dự kiến cuối tháng 7-2021 sẽ đi vào hoạt động”.

Bên cạnh những dự án đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, còn rất nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao được các nhà đầu tư quan tâm. Cuối tháng 6-2020, nhà đầu tư De Heus Việt Nam và Tập đoàn Hùng Nhơn đề xuất với UBND tỉnh được đầu tư xây dựng “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai”. Dự kiến khu chăn nuôi này có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, quy mô 50-100 ha, gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống nhập khẩu từ Hà Lan; khu nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ…

Điểm mới của Dự án là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm heo thịt. Đồng thời, Dự án còn tạo việc làm cho 150 lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Được biết, De Heus Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Còn Tập đoàn Hùng Nhơn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi ở Việt Nam theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hùng Nhơn Group-cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát nhiều nơi và khẳng định Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Với Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa tỉnh nhà trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”.

Cần cơ chế đặc thù

Sau những kỳ xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ để đầu tư vào lĩnh vực còn quá nhiều dư địa này. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 106 dự án chăn nuôi đang được nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đăng ký gần 16.000 tỷ đồng, quy mô gần 5.300 ha.

Trong đó, 16 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 3.200 tỷ đồng; 29 dự án đã được đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án và 61 dự án đang triển khai các thủ tục để trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu. Hiện đã có 10 dự án đi vào hoạt động với tổng số lượng đàn bò và heo gần 48.000 con.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: “Cùng với trồng trọt, Gia Lai còn đặc biệt quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án chăn nuôi công nghệ cao. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động hiệu quả”.

 Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã hoàn thành 75% khối lượng xây dựng. Ảnh: Hà Duy
Dự án trang trại chăn nuôi heo thịt Ricky Farm 79 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đã hoàn thành 75% khối lượng xây dựng. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, để thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù. Bà Lê Thị Quỳnh Trang cho hay: “Để có được chủ trương đầu tư, chúng tôi phải mất từ 8 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, để đảm bảo các yếu tố cần thiết, nhất là về môi trường đối với các dự án chăn nuôi, chúng tôi buộc phải chọn những địa điểm xa dân cư thì lại vướng vào diện tích khảo sát điện gió của các nhà đầu tư khác.

Do đó, các nhà đầu tư chăn nuôi phải chờ đợi. Như 2 dự án chúng tôi chuẩn bị đầu tư tại huyện Kông Chro đang vướng vào vùng xin khảo sát điện gió của 2 nhà đầu tư khác, từ tháng 6 tới nay vẫn chưa xử lý xong thủ tục. Chúng tôi hy vọng tỉnh quan tâm hơn tới những vướng mắc này, như rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư, có thời gian cụ thể trong việc khảo sát điện gió để các nhà đầu tư khác biết”.

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà một trong những mục tiêu lớn là tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, tỉnh ta đã phát triển được 404 trang trại chăn nuôi, trong đó có 204 trại chăn nuôi heo với hơn 85.000 con; 75 trại gia cầm với hơn 428.000 con và 125 trại bò với hơn 8.100 con.

Cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Tùng-Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farm 79-cho rằng: “Tỉnh cần có một số chính sách đặc thù đối với ngành này, như tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… cho doanh nghiệp; đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.

Sự phát triển của ngành chăn nuôi công nghệ cao đã thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước; dự báo trong tương lai gần sẽ thúc đẩy trồng trọt (mì, khoai lang, đậu tương…) để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc và công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư, nhiều lao động sẽ có việc làm ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tin rằng Gia Lai sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 là gần 19%/năm.

HÀ DUY

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới