Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Người Bahnar dựng nhà rông

Gia Lai: Người Bahnar dựng nhà rông

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà rông còn rất hiếm và tất nhiên là chưa có khái niệm “nhà rông văn hóa” như sau này. Bởi vậy, trong những chuyến công tác, nếu làng nào có nhà rông thì thế nào tôi cũng ghé đến.

Không ít lần, tôi chẳng trú nhà ai mà chỉ xin ông trưởng thôn cho được ở nhà rông. Đốt lửa lên, duỗi cặp chân mỏi nhừ sau một ngày lang thang đầu làng cuối xã, nhấm nháp từng miếng củ mì bùi thơm (cũng có lúc gặp may xin được cả thịt nữa) và cứ thế tôi vừa nhẩn nha “đặc sản làng”, vừa khoan khoái lắng nghe tiếng mưa rơi miên man như một bản nhạc không lời và nghĩ vẩn vơ chuyện trên trời dưới đất.

Một lần trong tôi tự dưng bật ra câu hỏi: Tại sao mái nhà cao chót vót được gắn trên 2 hàng cột lênh khênh ấy không cần liên kết bằng các xà đục lỗ xuyên cột, không cần thắt mộng hay một chiếc đinh nào mà quanh năm vẫn đứng vững trước những cơn gió dữ? Điều gì đã cho nhà rông sức mạnh kỳ bí ấy? Tôi hiểu, cũng như tạc tượng nhà mồ hay chế tác nhạc cụ, làm nhà rông cũng phải có “kiến trúc sư” chuyên nghiệp mới biết được cái nguyên lý bí ẩn ấy. Và cuối cùng thì tôi cũng đã được gặp “kiến trúc sư” nhà rông đích thực. Gần 40 năm trôi qua, tôi không còn nhớ tên làng nhưng riêng tên con người tài hoa ấy thì không thể quên: ông là Đinh A Lui-một nghệ nhân Bahnar ở huyện Mang Yang.

Hôm đó, làng ông chuẩn bị dựng nhà rông. Một lễ cúng đã diễn ra trước khi tôi đến với hàng chục ghè rượu sực nồng, thơm nức. Sau này, tôi được biết, để có được những vật liệu để dựng nhà rông kia, dân làng đã phải trải qua không ít nghi lễ: Trước khi vào rừng đốn cây, người ta phải làm lễ cúng Thần rừng. Trên đường đi nếu gặp phải bất kỳ con vật nào, những người này phải quay về, ngày mai mới đi tiếp. Đốn được cây mang về lại phải làm lễ cúng…

Tác giả (bìa phải) trước 1 nhà rông Bahnar. Ảnh: N.T
Tác giả (bìa phải) trước 1 nhà rông Bahnar. Ảnh: N.T

Tuy nhiên, điều tôi quan tâm vẫn là sự bí ẩn nào khiến nhà rông trụ vững giữa đất trời quanh năm nắng gió. Ông A Lui giảng giải: Trước khi dựng nhà rông, điều mà các nghệ nhân quan tâm trước hết không phải chiều cao hay số lượng cột mà là chiều dài. Chỉ cần có con số này họ sẽ suy ra kích thước toàn bộ nhà rông. Giả dụ chiều dài của một nhà rông sắp dựng là 6 sải tay (khoảng 9 m) thì các thông số còn lại sẽ được suy ra như sau: Chiều cao từ mặt đất lên sàn 1 sải tay (khoảng 1,5 m), chiều rộng 2 đầu 2 sải rưỡi (khoảng 4 m); chiều cao từ nóc xuống mặt đất 6 sải (9 m) và độ dài của mỗi mái bằng 2/3 kích thước chiều rộng nhất của bề ngang… Điều đáng chú ý là các thông số trên được suy ra không cần dựa vào công thức có sẵn mà bằng trực giác “nhìn là biết ngay”. Nếu tỷ lệ này bị phá vỡ trong phạm vi dao động cho phép thì nhà rông không những mất hết tính mỹ thuật mà sự chống chọi với thời tiết của nó cũng không hiệu quả. Mái nhà rông chẳng hạn. Đây là bộ phận phải chống đỡ gió mưa nhiều nhất. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng, trong tỷ lệ kích thước cho phép này thì sức chống đỡ của những hàng cột sẽ đều nhau và cân bằng. 2 mái tạo thành một góc hẹp phía trên nhưng phía dưới sẽ tạo thành 2 đường cong hình elip khuyết khoảng 1/8 cung. Điều này tạo nên một sự hợp lý, hài hòa để khi gió thổi vào mái sẽ tạo thành một đường dòng tựa như thổi qua cái chai. Nhưng nếu chiều rộng của nhà rông được nâng lên nữa thì góc khuyết của hình elip giữa 2 mái sẽ nhỏ lại. Và điều đó cũng có nghĩa là làm tăng tiết diện chịu gió của mái lên.

Không cần đến những vật liệu quá to tát, không cần đến cưa, đục; chỉ chiếc rìu, con dao với sợi lạt mây, người Tây Nguyên đã tạo nên ngôi nhà rông hoành tráng, vững chãi giữa cao nguyên đầy nắng gió. Nhà rông ngỡ chỉ đơn sơ như vậy đấy nhưng thật kỳ diệu với những điều tinh tế.

NGỌC TẤN

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới