Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Người dân đổ xô đi ‘nhặt’ lộc trời đầu năm...

Gia Lai: Người dân đổ xô đi ‘nhặt’ lộc trời đầu năm bất chấp nguy hiểm rình rập

Sau khi khép lại vụ mùa tất bật, cũng là lúc bà con tại các buôn làng hớn hở kéo nhau lên rừng nhặt ‘lộc trời’ đầu năm mới.

“Lộc trời” đầu năm

Những ngày đầu năm 2021, tiết trời Tây Nguyên se lạnh là thời điểm báo hiệu một mùa khô đang đến trên vùng đất đỏ Bazan. Thời điểm này, đót rừng nở rộ. Người dân bản địa rủ nhau lên các sườn đồi, cánh rừng nhặt “lộc trời”.

Dù mùa đót chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng họ vui vì có thêm nguồn thu nhập để trang trải, đón cái Tết cổ truyền đang cận kề. Sở dĩ, người dân địa phương gọi là “lộc trời”, bởi những cây đót mọc hoang dại trải dài khắp các cánh rừng.

Chính vì vậy, những ai có dịp ngang qua mảnh đất Tây Nguyên mùa này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chàng trai, cô gái người bản địa cõng theo sau lưng những bó đót che khuất đầu.

Mùa đót ở Gia Lai bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 hàng năm. Để cây đót đạt chất lượng nhất, bà con chọn tháng 1 để đi hái. Tuy nhiên, để hái được cây đót, người dân phải “băng rừng” rất gian nan, vất vả. Bởi, cây đót thường mọc trên núi đá, ven rừng hoặc các kênh mương trong rừng.

Mới đây, trong chuyến công tác tại xã Hải Yang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai chúng tôi có dịp được trải nghiệm cùng người dân địa phương băng rừng nhặt “lộc trời”.

Những ngày này, làng Bông Hiot bắt đầu một ngày mới sớm hơn thường lệ. Sáng sớm tinh mơ, khi màn sương đêm còn đọng trên những ngọn cây, đường làng Bông Hiot đã nhộn nhịp như trẩy hội.

Tiếng bước chân dồn dập, tiếng người í ới gọi nhau. Người làng đủ các lứa tuổi lỉnh kỉnh sau lưng chiếc gùi, đi theo các ngả đường lên rừng.

Người dân hớn hở hái “lộc trời” đầu năm.

Hành trang đã chuẩn bị đầy đủ, anh Mah, 37 tuổi làng Bông Hiot, xã Hải Yang đậu chiếc xe máy độ chế chờ sẵn trước cổng. Chị Jen – vợ anh, 35 tuổi vội vàng khép cánh cửa nhà, ngồi lên xe.

Hai vợ chồng bắt đầu công việc một ngày mới. Nhận được cái gật đầu, cùng nụ cười ngại ngùng từ đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi theo sau anh chị bắt đầu trải nghiệm hành trình nhặt “lộc trời”.

Đối mặt với con dốc dựng đứng, chị Jen xuống xe, xách đồ đi bộ theo sau. Anh Mah rồ ga lấy đà, ì ạch vượt ải. Chúng tôi không có xe chuyên dụng, nên một người cầm lái còn một người bám đuôi xe dùng hết sức đẩy.

Dừng nghỉ chân trên đỉnh dốc, chị Jen nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười chị nói: “Cái dốc này còn thấp lắm, trong kia nhiều dốc cao hơn nữa. Đi rừng phải mượn cái xe sắt như của nhà mình, xe các anh không đi được đâu”.

Nguy hiểm rình rập nhưng cả làng vẫn vui như Tết

Sau gần 1 tiếng băng rừng, chúng tôi có mặt tại một sườn đồi. Nơi đây những cây đót xanh mơn mởn tung bay theo gió. Tại đây, không chỉ có chúng tôi với vợ chồng chị Jen, mà ven đường có nhiều người phụ khác đang hái đót. Xa xa, dưới sườn núi những người đàn ông cũng đang đu mình cheo leo hái “lộc trời”.

Vừa hái đót chị Jen vừa chia sẻ: “Mùa này, cả làng chúng tôi đều đi từng tốp men theo sườn núi, quả đồi để tìm đót. Thời gian này, cây đót bông to, đẹp và vừa chớm nở nên giá cũng cao.

Trung bình mỗi ngày một người hái 30 – 40 kg đót. Lúc nào may mắn trúng được vào khu vực nhiều đót chưa có ai phát hiện, có khi hái nửa tạ”.

Chị Jen phấn khởi có thêm thu nhập lo cho gia đình.

“Mới đầu mùa đót nên chúng tôi bán 6 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng cũng thu được khoảng 500 nghìn đồng. Chính vì thu nhập cao nên vợ chồng cố gắng đi sớm và đi thật xa để có những đám đót mới. Chỉ đầu mùa thì đót mới đẹp, còn hết tháng 1 đót nở hoa hết nên không bán được nữa”, chị Jen bộc bạch.

Sau một lát miệt mài đu mình dưới sườn đồi, anh Mah ôm một bó đót lớn tìm đến chỗ vợ hồ hởi nói: “Chỗ này người đông nên đót cũng gần hết rồi.

Lúc nãy, dưới vực anh quan sát thấy ở quả đồi bên kia đót nhiều nhưng đường hiểm trở ít người dám qua, 2 vợ chồng qua đó sẽ thu hoạch bội”. Dứt lời, anh chị cột chặt toàn bộ số đót vừa thu được lên yên xe, rồi cả hai lặng lẽ qua bên kia đồi.

Vì đường đi hiểm trở, chúng tôi nói lời chia tay đôi vợ chồng trẻ, ở lại trò chuyện cùng bà con.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Dưng cho biết, theo kinh nghiệm của những người đi rừng, thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch không lâu, khoảng từ 30 đến 45 ngày, nên muốn tranh thủ nguồn đót phải “chạy đua” với thời gian.

Những cây đót trong giai đoạn được giá thương lái đón đầu mua.

Ai cũng muốn có thu nhập nên những ngày này cả làng rủ nhau đi hái lộc trời như trẩy hội. Mệt nhưng rất vui vì ai cũng có thu nhập.

Anh Dưng chia sẻ thêm: “Mỗi ngày tôi cũng kiếm được 350 – 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, nghề hái đót cũng nguy hiểm lắm, rắn rết nhiều, lại thêm đót thường mọc ở vách đá, bờ suối, không cẩn thận là mất mạng như chơi.

Nhưng nhờ thu nhập này mà tôi mua sách vở, quần áo mới cho con. Ngoài ra, gia đình có tiền mua thêm nếp, gà chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền sắp đến”.

Trên đường trở về đến gần làng, chúng tôi bắt gặp đám trẻ con trong làng chạy ngược chạy xuôi hai bên đường, nhặt những cây đót còn sót lại.

Em Đinh Thị Liên, 12 tuổi, ngụ xã Hải Yang cho biết: “Tranh thủ những ngày Chủ nhật, em đi quanh nhà để kiếm đót về bán mua sách vở, quần áo mặc Tết.

Hồi nhỏ em cũng hay theo cha đi vào rừng hái đót nên giờ em cũng biết chỗ nào đót nhiều. Những chỗ nguy hiểm thì người lớn hái, còn em hái những cây nhỏ thôi. Mỗi ngày em bóc nhanh cũng được gần 20kg đót để đưa cho bố bán”.

Nhiều trẻ em trong làng cũng tham gia đi hái lộc trời.

Bởi đót đang đầu mùa sốt hàng, nhiều thương lái đánh cả xe ô tô tải vào tận các ngã ba, ngã tư cửa rừng, đón người dân chở đót ra để thu mua.

Trao đổi với chúng tôi, một thương lái mua đót, ngụ xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai cho biết: “Hiện nay, đót có giá khoảng gần 7.000đồng/kg. So với năm ngoái thì đót năm nay tăng nhẹ nhưng đót hiếm và nhỏ hơn. Trung bình cứ 1kg đót tươi, sau khi phơi còn khoảng 4 lạng đót khô. Đót khô sẽ có giá khoảng 19-20 nghìn đồng/kg”.

Nguồn: Người Đưa Tin

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới