Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Nhà vườn phố núi Pleiku lo ngại thua lỗ mùa...

Gia Lai: Nhà vườn phố núi Pleiku lo ngại thua lỗ mùa hoa Tết

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều nhà vườn trồng hoa Tết ở TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai đang đứng ngồi không yên vì lo hoa bị sâu bệnh, đời sống kinh tế khó khăn khiến lượng người mua hoa không nhiều.

Người nông dân phố núi Pleiku, Gia Lai phun tưới nước chăm sóc cho vườn hoa cúc dịp gần Tết. Ảnh TTuấn

Người nông dân phố núi Pleiku, Gia Lai phun tưới nước chăm sóc cho vườn hoa cúc dịp gần Tết. Ảnh TTuấn

Dịch bệnh COVID-19 nên sức mua giảm

Tại cánh đồng trồng hoa ở thôn 2, xã An Phú, TP.Pleiku, những ngày này, người nông dân đang hối hả chăm sóc hoa, bón phân, tỉa cành để phục vụ dịp Tết. Anh Lê Văn Long, trú xã An Phú cho biết, người dân nơi đây có truyền thống trồng hoa lay ơn, hoa cúc, hoa huệ… từ lâu đời với diện tích hàng trăm ha.

Người nông dân trồng hoa lo lắng tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ cho hoa Tết. Ảnh TTuấn

Người nông dân trồng hoa lo lắng tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ hoa Tết. Ảnh TTuấn

Tuy nhiên, năm nay thời tiết giá rét khiến cây hoa nhiều sâu bệnh hại, nhiều cây bị khô héo, chết dần. Ngoài ra, năm nay dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề lên đời sống kinh tế, người lao động mất việc làm, giảm lương, nên người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, số người đến mua hoa sẽ ít hơn rất nhiều so với mọi năm.

“Năm ngoái, gia đình trồng khoảng 300.000 cây lay ơn ngoại để bán tết thì năm nay chỉ trồng khoảng 100.000, giảm diện tích trồng về còn 1/3. Hoa lay ơn có nguồn gốc từ các nước Châu Phi và vùng Địa Trung Hải nên có kiểu dáng đẹp, màu sắc đa dạng, lâu tàn, dễ vận chuyển và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tôi hy vọng sẽ bán hết hoa trong những ngày gần Tết”, anh Long chia sẻ.

Sức mua giảm trong khi chi phí đầu vào tăng lên khiến người nông dân lo cảnh nợ nần, thua lỗ. Ảnh TTuấn

Sức mua giảm trong khi chi phí đầu vào tăng lên khiến người nông dân lo cảnh nợ nần, thua lỗ. Ảnh TTuấn

Do thời tiết cuối năm khắc nghiệt so với mọi năm nên sâu bệnh hại tác động mạnh lên các nhà vườn trồng hoa cúc, chủ yếu là cúc đại đóa và cúc pha lê. Vì vậy, chi phí để mua thuốc phun xịt diệt sâu bệnh, tiền công chăm bón tốn kém, gây thêm khó khăn cho người làng trồng hoa.

Thương lái ép giá, chưa dám “ôm hàng”

Chị Trần Thị Thủy, người dân phường Thắng Lợi, TP.Pleiku cho biết, hàng tuần có thuê nhân công để phun thuốc thường xuyên cho các chậu hoa cúc ra bông đúng dịp Tết.

Dự tính, giá bán năm nay cũng tương tự như năm ngoái là từ 200.000 đồng – 500.000 đồng mỗi chậu, nếu thương lái mua giá sỉ tại vườn thì chừng khoảng 170-180 ngàn đồng/chậu. Còn khoảng 2 tuần nữa, người làng hoa sẽ đưa hoa xuất ra thị trường. Việc cắt giảm diện tích trồng hơn một nửa so với năm ngoái là cách làm để các nhà vườn như chị Thủy có cơ hội thu về lợi nhuận, tránh thua lỗ.

Sâu bệnh phát triển sẽ làm hư hại những chậu hoa cúc bán Tết. Ảnh TTuấn

Sâu bệnh phát triển sẽ làm hư hại những chậu hoa cúc bán Tết. Ảnh TTuấn

Chị Đinh Thị Lan (trú Tổ 4, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku) cho biết, mọi năm các thương lái dồn dập đổ về, đặt cọc tiền để đưa hoa mang bán khắp nơi. Năm nay, thương lái e dè, chưa dám xuống tiền vì lo lượng hoa bán ra ế ẩm.

“Trong bối cảnh khó khăn mà chi phí đầu tư tăng cao nên người nông dân không hy vọng vụ mùa có lợi nhuận cao. Nếu thương lái không mua hết hoa tại vườn thì mình sẽ nhờ người quen rao bán hoa trên mạng, đưa hoa vào chợ Xuân bán. Dù biết cách này tốn kém, mất thời gian, công sức nhưng cũng là để bán hết hoa, để tránh phải chịu cảnh thua lỗ”, chị Lan nói.

Nhiều người nông dân ở tỉnh Gia Lai đã tìm cách chuyển trồng hoa sang trồng rau để kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống, có người trồng thâm canh các loại hoa khác nhau để dễ tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoa Tết.

Nguồn: Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới