Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) được đầu tư với tổng số vốn hơn 3.600 tỷ, vừa hoàn thành đã xuất hiện nhiều bất cập gây mất an toàn giao thông.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên hay còn gọi là dự án nâng cấp Quốc lộ 19 có tổng chiều dài 143,6km (qua địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai) với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.
Sau thời gian chậm trễ, dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bàn giao. Dù mới hoàn thành song trên tuyến liên tục xuất hiện các điểm hư hỏng, bất cập… khiến việc bàn giao bị gián đoạn, người dân lo lắng chất lượng Quốc lộ không đảm bảo.

Theo đó, thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh về hàng loạt bất cập trên tuyến Quốc lộ 19 như: Nhiều vị trí nút giao chưa có vòng xuyến, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông chưa phù hợp… nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Điển hình là biển báo khu dân cư trên Quốc lộ 19 ngay khi vừa xuống đèo Mang Yang (đoạn qua địa bàn xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, Gia Lai). Theo đó, biển báo này kéo dài khoảng 3km, trong khi 2 bên đường nhà dân không quá đông đúc, mặt đường êm thuận nhưng lại hạn chế tốc độ. Đối với các xe tải chạy hướng ngược lại gặp biển báo này nên không thể lấy đà lên đèo, các xe chở nặng thì càng vất vả hơn.

Tương tự, trên Quốc lộ 19 (đoạn tránh thị xã An Khê) cũng có hàng loạt vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trước đó, vào tháng 4/2025, tại nút giao Quốc lộ 19 đoạn tránh thị xã An Khê với Tỉnh lộ 669 đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cô L.T.K.T (SN 1981, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã An Khê) điều khiển xe máy từ trường về nhà bất ngờ xảy ra va chạm với xe container. Hậu quả khiến cô T. tử vong tại chỗ.
Cũng tại vị trí này, vào tháng 2/2025, 1 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến đã va chạm với xe tải và bị chấn thương sọ não phải nghỉ học khoảng nửa tháng. Được biết, hằng ngày Trường THPT Nguyễn Khuyến có khoảng 400 học sinh và giáo viên của trường phải lưu thông qua lại ngã 4 này để đến trường và về nhà. Điều này mang theo rất nhiều nỗi lo cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Ông Trần Quốc Đinh Nam (SN 1974, trú tại phường An Bình, thị xã An Khê) cho biết: “Vòng xoay tại nút giao này quá rộng nên nhiều xe ôm cua không hết, nhiều xe đầu kéo phải chạy lấn làn gây nguy hiểm cho các phương tiện cùng lưu thông. Khu vực này thường xuyên xảy ra va chạm giao thông. Kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp thu nhỏ vòng xuyến, mở rộng góc cua đường để giúp thông thoáng tầm nhìn đồng thời nghiên cứu bố trí thêm đèn giao thông”.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên tuyến tránh thị xã An Khê đã xảy ra 10 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm chết 1 người và bị thương 9 người (chủ yếu tại Km4+575, giao với Đường tỉnh 669). Trên tuyến tránh TP Pleiku đã xảy ra 3 vụ tai nạn, làm chết 4 người, trong đó có vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra ngày 25/4/2025 tại Km7+650 (giao với đường xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) giữa xe ô tô và xe mô tô, làm 2 người trong cùng một gia đình tử vong.

Trước thực trạng trên, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 2, khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn tuyến và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian tuyến đường chưa được bàn giao. Đặc biệt tại các nút giao và các điểm thường xảy ra tai nạn.
Ban Quản lý dự án 2 cần phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để tổ chức, hướng dẫn, kiểm soát giao thông trên tuyến; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, bàn giao công trình để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Trần Hiền / Nguồn: Công Luận