Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Những đảng viên gắn bó với vườn cao su

Gia Lai: Những đảng viên gắn bó với vườn cao su

“Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nhiều đảng viên đã ra sức học tập, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, sáng tạo trong lao động sản xuất và trở thành những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực”-ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Nông trường Cao su Bờ Ngoong (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) cho biết.

Chị Đỗ Thị Hòa (SN 1977) vào làm công nhân từ tháng 5-1997. Nhờ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 9-2008, chị Hòa vinh dự được kết nạp vào Đảng. Chị Hòa chia sẻ: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, bảo đảm đúng giờ giấc làm việc, chấp hành tốt nội quy của đơn vị. Ngoài ra, tôi còn nỗ lực học hỏi, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ tay nghề nhằm ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất”.

 Chị Đỗ Thị Hòa cùng lãnh đạo, công nhân Nông trường kiểm tra vườn cây cao su. Ảnh: H.T
Chị Đỗ Thị Hòa cùng lãnh đạo, công nhân Nông trường kiểm tra vườn cây cao su. Ảnh: H.T

Với nhận thức đó, suốt 10 năm đầu làm công nhân, chị Hòa luôn dẫn đầu về trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề. Liên tục từ năm 2006 đến 2008, chị đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” tại hội thi thợ giỏi cấp nông trường. Hàng năm, chị còn tham gia trợ giảng đào tạo tay nghề cho công nhân mới vào nghề. Năm 2008, chị được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ 9. Hàng ngày, chị thường có mặt tại tổ trước khi công nhân bắt đầu giờ cạo 15 phút để điểm danh và giao nhiệm vụ. Sau đó, chị cùng công nhân ra lô, kiểm tra, kèm cặp những người tay nghề yếu, giúp họ hoàn thành phần cạo để đạt sản lượng mủ cao nhất. Sau đó, chị đi kiểm tra vườn cây kiến thiết cơ bản. “Tổ 9 có 23 công nhân, 80% là người dân tộc thiểu số. Tổ quản lý đến 283 ha cao su nhưng năm nào cũng vượt sản lượng, dẫn đầu Nông trường. Tình hình an ninh trật tự trên lô đảm bảo, không còn hiện tượng mất cắp mủ cao su”-chị Hòa tự hào cho biết.

Anh Siu Hô là Tổ trưởng tổ 4. Anh gắn bó với Nông trường Cao su Bờ Ngoong từ năm 2001. Chỉ sau 1 năm làm việc, anh Hô đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn vào làm công nhân cao su. Với trách nhiệm và uy tín của mình, tháng 12-2003, anh được kết nạp vào Đảng. Khi trở thành đảng viên, anh Hô càng nỗ lực làm việc, cùng anh em công nhân trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là tổ trưởng, anh Hô chịu trách nhiệm quản lý chung, sắp đặt công việc, gương mẫu đi đầu, tận tâm giúp đỡ những công nhân có tay nghề yếu. “Trước đây, nhận thức của công nhân dân tộc thiểu số còn kém, thường đi làm muộn và về sớm nên giá trị ngày công không cao. Từ ngày trong làng có nhiều người làm công nhân, bà con đã thay đổi nhận thức, đi làm đúng giờ, đi làm cả ngày chủ nhật. Trong làng có đám cưới, đám tang, mọi người đều tranh thủ dự sớm rồi về đi cạo mủ, ra đồng làm việc”-anh Hô chia sẻ. Ngoài công việc tại Nông trường, anh Hô còn trồng 1 ha cà phê, 5 sào lúa và nuôi 6 con bò. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu hơn 200 triệu đồng.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đảng viên Rmah Nớt (SN 1980, công nhân tổ 10) luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. 15 năm gắn bó với nghề cạo mủ, anh Nớt không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Hàng năm, anh đều vượt sản lượng cao nhất Nông trường. Khi tham gia hội thi thợ cạo mủ giỏi, anh Nớt đều đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” cấp nông trường và đạt giải nhì, ba, khuyến khích cấp công ty. Với những công nhân mới, anh tận tình giúp đỡ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ. “Chỉ cần có ý thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc thì hiệu quả mang lại sẽ cao”-anh Nớt đúc rút kinh nghiệm.
HÀ TÂY

Nguồn: Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới