Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Phẫn uất nhìn 'thòng lọng' tín dụng đen 'xiết cổ'...

Gia Lai: Phẫn uất nhìn 'thòng lọng' tín dụng đen 'xiết cổ' dân nghèo

Từ nhiều năm nay, tín dụng đen đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nông dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia lai).

Nó đã len lỏi sâu trong đời sống của bà con và “ký sinh” không thể dứt ra. Điều đáng nói, nạn nhân lại chủ yếu là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu vụ sản xuất, họ thường vay tiền để đầu tư sản xuất thoát nghèo, nhưng nó đã biến tướng trở thành chiếc “thòng lọng” đưa họ vào bi kịch.

Anh Nay Niên dẫn cả nhà lên ở trên rẫy nên ngôi nhà bỏ không.

Mất đất, mất bò

Theo chị Nay Sao (33 tuổi, ngụ buôn Ơi Múi, xã Chư Gu), chị có vay chủ nợ 10 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt, cùng với số tiền nợ 50 triệu bố chị vay để đầu tư vào cây mì và lãi suất hàng năm. Đến nay, số tiền nợ đã lên đến gần 200 triệu đồng.

Gia đình đã gán rẫy hơn 2ha nhưng không đủ nên đầu năm nay chủ nợ đến siết thêm 4 con bò. “Nhà tôi giờ chẳng còn gì nữa, bò cũng hết, nếu không trả hết nợ chắc người ta lấy mất căn nhà. Tôi chỉ mong trả hết nợ, cuộc sống dù đói khổ, khó khăn thế nào tôi cũng không dám đi vay nữa”, chị Nay Sao vừa nói vừa khóc.

Cách đó không xa, căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo của anh Nay Chua (42 tuổi, ngụ buôn Ơi Múi) nhiều tháng nay vắng bóng người, cửa đóng im lìm.

Sau khi bị chủ nợ đến dắt mất con bò, anh phải bán tháo 7 sào mì đang xanh tốt lấy tiền trả nợ rồi cùng vợ lên núi tìm đất làm rẫy, gửi lại 3 đứa con nheo nhóc cho người em gái chăm sóc. Món nợ của gia đình anh cũng bắt đầu từ việc vay gạo ăn dần chờ đến vụ thu hoạch mì sẽ trả. Nhưng nay số nợ này đã lên đến 100 triệu đồng.

Tương tự, ngôi nhà anh Nay Niên (38 tuổi, ngụ buôn Ơi Múi) cũng bỏ không. Anh vay nợ 70 triệu đồng, bị chủ nợ đến dắt đi 3 con bò, bây giờ anh dẫn cả nhà lên ở hẳn trên rẫy chứ không về.

Chuyện của gia đình ông Nay Xênh (63 tuổi, ngụ buôn H’Ngôm, xã Chư Đrăng) càng buồn hơn. Không những ngôi nhà tồi tàn rách nát của gia đình ông giờ chẳng còn gì mà lòng vợ chồng cũng đang rối bời vì nợ.

“Gia đình tôi vay tiền chủ nợ để mua gạo, mắm muối, tiền cày đất, phân bón. Mỗi năm chưa kịp trả hết, họ tính lãi suất gấp đôi nên không trả nổi. Chủ nợ siết 4ha đất, giờ phải đi làm thuê để sống trong khi nợ thì vẫn chưa trả hết”, ông Nay Xênh than thở.

Cũng nghèo khó như bao gia đình khác ở buôn H’Ngôm, ông Nay Tơ (49 tuổi) ứng tiền mua gạo, mắm muối, tiền cày.

Từ số tiền vay 20 triệu đồng ban đầu, sau 5 năm không trả được, gia đình ông bị chủ nợ cộng gộp tính tiền gốc lẫn lãi lên đến 100 triệu đồng và bị xiết hơn 1ha đất rẫy. Chưa hết, nông sản làm được ông đều buộc phải bán cho chủ nợ với giá thấp hơn thị trường.

“Năm nào nhà tôi thu hoạch ngoài nương về cũng phải trả lãi cho chủ nợ bằng mì. Giá mì ngoài thị trường 3.500đ/kg, chủ nợ chỉ mua với giá 2.700 đ/kg. Mặc dù bị mua rẻ hơn nhưng cũng phải bán vì tôi còn nợ họ. Nếu không bán để gán tiền lãi thì họ sẽ đòi tiền gốc”, ông Nay Tơ buồn bã nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại buôn Ơi Múi có 185 hộ dân thì có đến hơn 100 hộ đang nợ chủ đầu tư. Theo họ, vay 1 triệu thì mỗi tháng phải trả từ 30 đến 70 ngàn đồng tiền lãi. Buôn H’Ngôm cũng có hàng trăm hộ dính phải tín dụng đen.

Vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng vì người dân cần cái ăn buộc phải vay, dẫn đến nghèo càng nghèo thêm. Theo ông Nay Nguyên – Trưởng buôn H’Ngôm, người dân ở buôn hầu hết không biết chữ, không rành sổ sách, chủ đầu tư ghi nợ bao nhiêu thì họ đành chấp nhận.

Từ năm 2013 đến nay, người dân cứ tìm chủ đầu tư ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo ốm đau, năm này qua năm khác dẫn đến không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi, nhiều gia đình bị xiết đất.

“Khi đã dính đến tín dụng đen, hộ làm ăn được thì ít mà nghèo đi thì nhiều, một phần do mùa màng thất bát, phần nữa là do lãi suất cao, người dân làm chỉ để nuôi chủ đầu tư”, ông Nay Nguyên cho biết.

Giao dịch dân sự nên khó xử lý (!)

Theo ông Nguyễn Văn Thuyên – Chủ tịch UBND xã Chư Gu, đây là kiểu kinh doanh trá hình. Đầu tiên, chủ nợ cho người dân lấy gạo ăn đến cuối vụ quy ra tiền, nếu không trả được thì 1 bao gạo trị giá 500.000 đồng tăng lên thành 1 triệu đồng, chủ nợ bắt người dân ký nhận vay 1 triệu đồng.

“Tính từ lúc trồng mì đến khi thu hoạch, nhà đông người sẽ ăn hết 10 bao gạo khoảng 7 triệu đồng, cộng thêm việc ứng phân bón, mượn tiền lúc ốm đau, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, người dân không trả nổi dồn thành một cục nợ. Nhiều gia đình phải bỏ rẫy, khó lại càng khó, không lối thoát”, ông Thuyên nêu thực tế.

Cũng theo ông Thuyên, các hộ vay tiền, hàng hóa đều tự nguyện tìm đến các chủ nợ, việc vay mượn chủ yếu thỏa thuận miệng. Sợ chủ nợ không tiếp tục cho vay, người dân không báo với chính quyền khi bị xiết bò, xiết đất.

“Nếu chủ nợ đến xiết tài sản, chỉ cần người dân báo là xã có cơ sở xử lý ngay. Nhưng họ không chịu hợp tác, chính quyền mặc dù biết nhưng không có cơ sở làm việc với những người cho vay”, ông Thuyên cho biết.

Trong khi đó, ông Nay Hem – Chủ tịch UBND xã Chư Đrăng, cho biết: “Việc chủ đầu tư xiết bò, xiết đất của người dân vay nợ là có thật. Vào vụ mùa, bà con nợ tiền cày nên ứng phân bón của chủ đầu tư.

Khi thu hoạch xong họ trừ hết, chủ hộ không còn gì nữa, xem như trắng tay. Sang năm thứ 2, từ khi thu hoạch đến vụ mùa họ lại tiếp tục vay gạo, phân bón, vay tiền chữa bệnh…

Sau 3 đến 4 năm, số tiền gốc lẫn lãi cứ thế nhân lên, họ không còn khả năng trả nợ, bị chủ đầu tư lấy đất”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Chí Khanh – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: “Làn sóng ngầm này đang tàn phá khắp các buôn làng tại địa phương.

Người cho vay thì khôn khéo, còn người dân chẳng bao giờ tố cáo, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do vay mượn chủ yếu thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ. Đây thật sự là vấn nạn, là bệnh gần như không có thuốc chữa.

Đây là vấn đề dân sự nên hiện chính quyền chưa có biện pháp gì xử lý mà chủ yếu làm công tác tuyên truyền là chính. Đến nay, cũng chưa có vụ tranh chấp, khiếu kiện hay tố cáo liên quan đến vấn đề này. Thực tế này tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến giờ thì ngày càng trầm trọng hơn”.

Theo Thượng tá Trần Trọng Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Gia Lai, hiện nay việc cho vay tự phát ở các địa phương được các chủ nợ làm rất tinh vi để lách luật.

Hầu hết việc vay mượn đều thông qua thỏa thuận miệng, không có giấy tờ rõ ràng. Thậm chí các đối tượng cho vay lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm.

Vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch triển khai các công tác tuyên truyền, đồng thời tham mưu cho các cấp, ngành tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để hạn chế vay bên ngoài.

“Sự việc khó xử lý vì hợp đồng này là dân sự, do vậy trước mắt chỉ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong lúc vay. Các cấp ủy, chính quyền không quan tâm giải quyết vấn đề này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn.

Bởi trong trường hợp chủ nợ không thu hồi được nợ sẽ thuê các đối tượng đòi nợ thuê, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”, Thượng tá Sơn cho biết.

Theo Phapluatplus.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới