Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, tỉnh Gia Lai đã ra quân cho một đợt cao điểm đấu tranh mạnh mẽ. Chiều ngày 21/5, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai Công điện 65/CĐ-TTg và Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Cuộc họp này tiếp nối chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Gia Lai trong hội nghị được tổ chức cùng ngày, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu hàng đầu của kế hoạch này là phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh sẽ bị phát hiện và xử lý một cách nghiêm khắc, không có ngoại lệ. Đặc biệt, kế hoạch chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền pháp luật cũng được đặt lên hàng đầu, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, thương nhân, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Sự vào cuộc của người dân trong công tác ngăn chặn buôn lậu và hàng giả cũng được khuyến khích mạnh mẽ. Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” được thống nhất cao trong toàn bộ quá trình triển khai nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phải khẩn trương phối hợp xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, các khu vực được đặc biệt lưu ý bao gồm TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê và Đức Cơ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu và gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Công Thương cũng yêu cầu tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng để thường xuyên kiểm tra trong khâu lưu thông, quản lý địa bàn đối với các kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa. Mục tiêu là ngăn chặn hiệu quả hàng hóa nhập lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới vào thị trường nội địa. Công tác thu thập, xác minh thông tin và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử cũng được đặc biệt chú trọng.Đặc biệt nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn mình quản lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Trong đợt cao điểm trước đó (từ 1/12/2024 đến 28/2/2025), các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, với 335 vụ vi phạm được phát hiện, 08 vụ/11 đối tượng bị khởi tố hình sự, 231 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính và tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,6 tỷ đồng, cùng nhiều tang vật vi phạm bị thu giữ và xử lý. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để Gia Lai tiếp tục mạnh tay trong đợt cao điểm lần này, quyết tâm làm sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Tâm An (t/h) / Nguồn: Thương Hiệu Công Luận