Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm

Gia Lai tăng cường giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm

Thời gian qua, việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được ngành chức năng tỉnh Gia Lai thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có 19 chợ (1 chợ hạng 1, 2 chợ hạng 2, 13 chợ hạng 3, 1 chợ đêm, 1 chợ tạm và 1 chợ chưa được phân hạng). Do vậy, lượng hàng hóa, thực phẩm lưu thông khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.

 Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được ngành Y tế triển khai thường xuyên. Ảnh: Như Ý
Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được ngành chức năng triển khai thường xuyên. Ảnh: Như Ý

Nhằm giám sát chặt chẽ, đảm bảo ATTP, UBND thành phố phối hợp với Sở Công thương mở các lớp tập huấn về đảm bảo ATTP cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lấy mẫu giám sát dư lượng hóa chất trên sản phẩm nông sản, thực phẩm tại một số chợ. Tổ chức cho các hộ tiểu thương ký cam kết đảm bảo ATTP; đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, thay đổi thói quen tiêu dùng, trở thành người tiêu dùng thông minh.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các chợ quy mô hoạt động nhỏ lẻ, không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thực phẩm ở chợ chưa được kiểm soát. Việc kiểm tra, kiểm soát chủ yếu bằng mắt thường, cảm quan nên khó phát hiện độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Kim (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: Đối với thực phẩm để chế biến cho bữa ăn hàng ngày, tôi thường chọn mua theo cảm tính chứ không biết chính xác có đảm bảo ATTP hay không. Ngành chức năng cần quan tâm giám sát mối nguy ATTP, nhất là tại các chợ và công bố kết quả để người dân yên tâm.

Ô nhiễm thực phẩm là mối nguy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm luôn được ngành chức năng quan tâm nhằm kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn không để thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn lưu thông trên thị trường. Riêng với việc giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông-lâm-thủy sản, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các phòng chuyên môn có kế hoạch triển khai giám sát và xử lý vi phạm nghiêm túc.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chịu trách nhiệm giám sát các nhóm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành như: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm); thực phẩm chức năng; các vi chất bổ sung vào thực phẩm; phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Với quan điểm và phương châm “phòng là chính”, Chi cục chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về ATTP. Công tác giám sát hậu kiểm được đẩy mạnh. Hàng năm, Chi cục đều có kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm, tiến hành lấy hàng chục mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) thông tin: Qua kiểm nghiệm, phân tích 33 mẫu nước đá dùng liền, 68 mẫu nước uống đóng chai lưu thông trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy: Đối với mẫu nước đá dùng liền, 33/33 (100%) mẫu được giám sát đạt các chỉ tiêu về vi sinh vật gồm: streptococci feacal; pseudomonas aeruginosa; bào tử vi khuẩn kị khí khử sunfit; 29/33 mẫu được giám sát không đạt chỉ tiêu coliforms; 21/33 mẫu được giám sát không đạt chỉ tiêu E.Coli. (Vi khuẩn coliforms là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa và vi khuẩn E.Coli được biết đến với tác hại là nguyên nhân gây ra tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, hay một số nhiễm trùng nặng đường ruột). Đối với mẫu nước uống đóng chai: 68/68 (100%) mẫu được giám sát đạt các chỉ tiêu về vi sinh vật gồm: E.Coli; streptococci feacal; pseudomonas aeruginosa; bào tử vi khuẩn kị khí khử sunfit. 6/68 mẫu nước uống đóng chai được giám sát không đạt chỉ tiêu coliforms.

Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-cho biết: Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được triển khai theo đúng kế hoạch. Mẫu được lấy tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Việc lấy mẫu trực tiếp tại cơ sở sản xuất. Thông qua giám sát, Chi cục cảnh báo nguy cơ mất ATTP cho người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Thời gian tới, Chi cục sẽ thường xuyên giám sát và kịp thời cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm nhằm đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

NHƯ Ý

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới