Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Tập nhạc "Một số bài hát dân ca Bahnar": Vang...

Gia Lai: Tập nhạc “Một số bài hát dân ca Bahnar”: Vang mãi thanh âm núi rừng

Giữa muôn ngàn thanh âm của đời sống lưu lại trong ký ức ta, có gì đẹp hơn những thanh âm đầy nhạc điệu, có gì xao xuyến, vang vọng hơn một giọng hát? Bởi nó mang hồn cốt riêng, phác họa chân dung một con người. Đó là điều tôi miên man nghĩ khi về thăm lại ngôi nhà bên dòng sông Ba của vợ chồng cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben và nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh.

Lời tri ân sâu sắc

Sau thời gian lên kế hoạch, chỉnh lý, tập nhạc “Một số bài hát dân ca Bahnar” do cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sưu tầm, đặt lời vừa được xuất bản, đúng như di nguyện của bà. “Ghi lại, để hát cho con cháu trong gia đình nghe và có dịp bày lại cho các cháu ở làng, vì sợ nó mất đi theo thời gian. Tóm lại họ hát thế nào thì mình ghi lại như vậy, hy vọng được đóng góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống…”-bà bày tỏ trong lời mở đầu của tập nhạc chép tay với hơn 100 bài, sau đó photocopy tặng bạn bè và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai ngày 13-1-2016, gần 2 năm trước “chuyến đi xa” của đời người.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn (bìa trái)-Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cháu gọi nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh là cậu ruột-thay mặt gia đình đón nhận tập nhạc. Ảnh: Phương Duyên
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn (bìa trái)-Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cháu gọi nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh là cậu ruột-thay mặt gia đình đón nhận tập nhạc. Ảnh: Phương Duyên

Sáng 12-1, lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã về Kông Chro thăm viếng và trang trọng đặt lên bàn thờ ông bà tập nhạc vừa ra mắt. Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát-cho biết: “Được sự cho phép của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đơn vị đã biên soạn một số bài dân ca do cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sưu tầm, đặt lời mới như một lời tri ân sâu sắc đối với người đã dành tâm huyết cả đời sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu dân ca, phục vụ công tác truyền dạy, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar ở Gia Lai…”.

Tình cờ mà lại hết sức hữu duyên, cũng trong sáng 12-1, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn-Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cháu gọi nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh là cậu ruột-đã về Kông Chro thăm viếng, thắp hương nhân chuyến công tác tại Gia Lai. Được trao tận tay món quà quý là tập nhạc nói trên, ông Tuấn bồi hồi nhắc nhớ: “Ngày còn nhỏ, ở Hà Nội, tôi đã từng được nghe bà HBen-mợ tôi-hát bài “Đợi chờ” giọng cao vút, trong trẻo. “Đan tấm áo em mong anh về/Thêu tấm áo em mong anh về…”. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ bài hát ấy. Cậu mợ tôi một lòng một dạ với cách mạng và rất yêu quê hương. Cậu tôi từ Hà Nội vào đây sống và cũng trở thành người của Tây Nguyên. Ông bà là những người rất say mê với âm nhạc và luôn muốn phát huy, lan tỏa giá trị dân ca các dân tộc. Cứ tưởng khi ông bà mất đi thì mọi thứ cũng mai một, nhưng được sự quan tâm của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, tập nhạc do cậu mợ tôi cùng nhau cất công sưu tầm đã được xuất bản khiến gia đình rất xúc động”.

“Người con của làng rừng”

Trang nhã, đẹp mắt là cảm nhận của người xem khi ngắm nhìn, lật giở từng trang của tập nhạc “Một số bài hát dân ca Bahnar” của cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben. Từ hơn 40 bài dân ca Bahnar trong bản thảo, tập nhạc được tuyển chọn với 21 bài nhiều chủ đề. Về ca ngợi Đảng, Bác Hồ có các bài: “Nhờ có Đảng”, “Ta gùi gạo cho cách mạng”… Về tình yêu quê hương có “Tiếng chiêng mùa khô”, “Ăn cốm”, “Đứng trên đỉnh núi”, “Em yêu Kông Chro”, “Thanh niên làng ta”, “Những ngày Pơ thi”… Tập nhạc cũng không thể thiếu một mảng vô cùng lý thú trong kho tàng dân ca các dân tộc, đó là tình yêu đôi lứa lãng mạn. Có thể kể đến những bài như: “Ai bên kia đó?”, “Sao anh không nói?”, “Dệt váy chờ anh”, “Bạn ơi, mình ở chung nhà”, “Em chờ anh bên suối”…

Càng tìm hiểu càng thấy dân ca Bahnar đẹp quá với những ca từ thấm đẫm tinh thần cách mạng và tình yêu quê hương được chuyển tải mềm mại, dễ thuộc dễ nhớ bằng làn điệu đặc trưng truyền thống: “Hôm nay em hăng hái/Em được đi học chữ nhờ có Đảng, có Bác Hồ/Em mới được đi học, muốn em trở thành người có ích cho quê hương/Em cố gắng học thật giỏi, sau này xây dựng xóm làng/Gìn giữ quê hương đất nước giàu mạnh (Nhờ có Đảng). Hoặc “Em luôn nhớ Kông Chro xưa đánh giặc không lùi bước/Em luôn nhớ Kông Chro xưa khó khăn không sợ/Tất cả dân làng thương nhau, cùng nhau đánh giặc quên mình/Cùng đoàn kết xây dựng quê hương mạnh giàu” (Em yêu Kông Chro). Dân ca Bahnar cũng gợi nỗi xuyến xao muôn đời và vẻ đẹp bất tận của tình yêu: “Ai kia đó, ai ngồi dưới chân núi kia đó?/Sao mà đẹp như hoa rừng?/Trái tim tôi muốn vỡ tan, ai kia tôi chưa từng thấy?/Ai kia đó, tưởng trái sim tôi muốn hái ăn/Ai kia nhìn giống lá rừng?/Ai kia đó làm tôi nhớ nhung” (Ai bên kia đó?). Lại có lúc như vụn vỡ trước những dằn vặt, khổ đau: “Ơi chàng ơi em thương/Ơi chàng ơi em yêu/Ngày xưa anh không nói/Giờ em có người khác/Bố mẹ em bắt lấy/Không biết phải làm sao/Em đau lòng lắm biết không/Ngày xưa anh không nói” (Sao anh không nói?).

Nhà văn Trung Trung Đỉnh-anh “lính trận” Tây Nguyên, người em thân thiết của gia đình cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben thật có lý khi viết những dòng như thế này trong lời tựa của tập sách: “Không phải H’Ben hát như ca sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu. Bà là một nghệ nhân dân gian người Bahnar-người con của làng rừng (…). H’Ben lớn lên đi theo cách mạng và tham gia các đội văn nghệ. Mới đầu chuyên hát bài dân ca Bahnar, sau hát các bài hát do các anh chị cùng trong đội văn nghệ sáng tác dựa trên chất liệu dân ca “phổ” lời. Sau đó H’Ben bắt đầu sáng tác cả nhạc và lời. Sáng tác vo, không có bút giấy, không có đàn, ký âm “thầm” bằng trí nhớ rồi hát lại cho mọi người nghe và các bài hát ấy được lưu truyền trong các buôn làng, khiến nhiều người tưởng là dân ca hoặc là ca khúc của nhạc sĩ này, nhạc sĩ kia sáng tác. Ngay cả tác giả cũng không nhớ nữa (…). Không có kinh phí, không có phương tiện, chỉ có hai người già với hai trái tim yêu nghệ thuật mà có được những trang bản thảo hôm nay chúng ta in ra, phổ biến ra lúc hai ông bà đã khuất núi”.

Rất đậm màu tri ân và cũng man mác những tiếc nuối. Dù vậy, giữa cơn gió cuối đông lạnh lùa, lòng vẫn ấm vì sự cống hiến của họ vẫn được đánh dấu, lưu lại, dẫu hình bóng đôi vợ chồng nghệ sĩ cặm cụi ký âm, chép nhạc dân ca giữa ngôi nhà sàn bên dòng sông Ba ngày nào giờ chỉ còn là hư ảnh.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới