Thứ Ba, 16 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế...

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn

Làng Bờ Yầu và Đê BTức (huyện Mang Yang, Gia Lai) được biết đến là 2 làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, chính quyền Mang Yang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống kinh tế như dạy nghề, định hướng sản xuất cho người dân trong làng.

Nhiều giải pháp đã có hiệu quả

Theo đó trên địa bàn huyện Mang Yang có 3 làng nghèo nhất là làng Bờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Kôn (xã Hra) và Đê Btức (xã Đăk Jơ Ta). Đây cũng là 3 ngôi làng nóng nhất về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng canh tác hoa màu.

Đáng nói, dù lấn chiếm được khá nhiều diện tích đất rừng làm nương rẫy nhưng vì lối canh tác lạc hậu nên người dân ở 3 làng nói trên nghèo vẫn hoàn nghèo. Trước đó, đời sống của người dân tại các làng còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển sản xuất thiếu thốn, còn nhiều tập tục lạc hậu. Chất lượng giáo dục phổ thông còn thấp, đa số người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề.

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.
Chính quyền Mang Yang đã triển khai nhiều giải pháp như dạy nghề, định hướng sản xuất cho người dân, nhằm nâng cao đời sống kinh tế (ảnh T.H)

Trước thực trạng trên, các phòng ban chuyên môn huyện Mang Yang đã triển khai nhiều giải pháp để dạy nghề, định hướng sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số thuộc 3 làng nói riêng và toàn huyện nói chung.

Theo ông Lưu Quốc Bảo Trung – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, đa số việc dạy nghề đều hướng đến những thanh niên không có việc làm ở vùng sâu, vùng xa. Tùy vào đặc điểm, khí hậu và thổ nhưỡng, trung tâm sẽ mở ra những lớp dạy nghề phù hợp. Thanh niên học nghề có thể về địa phương làm việc với mức thu nhập ổn định. Khi các thanh niên được học nghề sẽ giảm bớt việc phá rừng và tệ nạn xã hội…

Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng tại làng Bờ Yầu, xã Lơ Pang hợp với sản xuất nông nghiệp nên Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang đã mở lớp ngay tại các làng nhằm hướng dẫn cho bà con trồng và chăm sóc cây cà phê và cây lúa.

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, anh Driu (trú tại làng Bờ Yầu) đã biết canh tác 2 vụ lúa nước (ảnh T.H)

Anh Đinh Driu – người được xem là thanh niên giỏi và nỗ lực trong việc phát triển kinh tế ở làng. “Trước đây, mình chỉ biết theo bố vào rừng săn bắt thú, hái thuốc, nhậu nhẹt… Đến năm 2019, Driu được tham gia lớp học nghề trồng lúa. Sau khi học, mình đã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, mình cũng chuyển đổi gần 1 ha đất rẫy đang trồng mỳ sang trồng cây cà phê. Thấy cây trồng cũng phát triển khá tốt. Hiện kinh tế gia đình cũng đã ổn định hơn ngày trước rất nhiều”, anh Driu bộc bạch.

Không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế, sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề, driu đã giúp bà con chọn giống. Đồng thời, anh còn hướng dẫn người dân cách chăm sóc đối với lúa và cà phê. Nhờ vậy, anh đã được bầu làm Phó trưởng thôn Làng Bờ Yầu nhằm giúp bà con phát triển kinh tế.

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn - Ảnh 3.
Hàng trăm học viên được đào tạo nhiều ngành nghề áp dụng ngay tại địa phương mình sinh sống (ảnh T.H)

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, trong năm 2021 huyện đã và đang triển khai đào tạo cho 544 học viên. Đặc biệt, chú trọng vào 3 làng Bờ Yầu, Đê Kôn và Đê Btức. Hiện, huyện Mang Yang đang phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại để tìm việc làm cho những học viên được đào tạo và người dân ở các xã khó khăn.

Chú trọng thêm nhiều giải pháp nâng cao kinh tế cho người dân

Ông Đinh Kai – Phó Chủ tịch UBND Lơ Pang (Mang Yang) cho biết: “Trước đây, người dân chỉ sống dựa vào rừng, di canh, di cư, sản xuất lạc hậu. Nhưng kể từ khi người dân được tham gia học nghề đã biết trồng lúa 2 vụ và phát triển trồng thêm cây cà phê. Phấn khởi hơn khi người dân tại địa phương đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc và bón phân theo hướng dẫn nhằm tăng năng suất cây trồng. Rõ ràng có thể thấy hiện nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng được nâng cao, hơn hẳn các biện pháp chọc trỉa trước đó”.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp là trồng lúa nước và cà phê, một số địa phương cụ thể là làng Đê Btức cũng có khá nhiều thanh niên có ý chí chuyển đổi nghề và giờ đây đã mở cho mình những tiệm sửa xe máy khang trang.

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn - Ảnh 4.
Thay vì phương pháp chọc trỉa, hiện nay người dân đã biết áp dụng máy móc hiện đại trong sản xuất (ảnh T.H)

Một trong những thanh niên ấy chính là anh A Ninh. Khi trung tâm về dạy nghề tiếp cho những thanh niên ở lớp sau, A Ninh còn tận tình hướng dẫn cho các học viên mới và cho mượn đồ nghề để học tập, thực hành.

Ông Trần Văn Bảng – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang thông tin: “Theo kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, huyện luôn chú trọng để chuyển đổi nghề cho những làng đặc biệt khó khăn. Qua đó, những bà con ở vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, thoát cảnh thiếu đói trong mùa giáp hạt, hình thức sản xuất cây trồng được nâng lên rõ. Những nghề xây, điện máy, may mặc đã phổ biến trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tại các làng đặc biệt khó khăn - Ảnh 5.
Người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình nhờ chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (ảnh T.H)

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực về đạo tạo, dạy nghề trên địa bàn huyện Mang Yang, vẫn còn những thanh niên chưa có ý thức học tập. Theo đó, các thanh niên trong làng thường không tự giác, thiếu tính chuyên cần nên hiệu quả từ dạy nghề còn chưa được như mong muốn.

Để giúp người dân 2 làng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, mới đây UBND huyện Mang Yang đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã Lơ Pang, Đak Jơ Ta tập trung hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, các cấp chính quyền tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn nhằm từng bước tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Trần Hiền

Nguồn: Dân Việt

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới