Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: Từ cố kết đến giãn cách

Gia Lai: Từ cố kết đến giãn cách

Nói đến đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên là nói đến tính cố kết cộng đồng rất cao, thể hiện ở nhiều mặt từ lao động sản xuất đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tang ma, cưới hỏi.

Đây là đặc trưng nổi trội, làm nên sức mạnh tập thể, sức mạnh tinh thần vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tính cộng đồng, ở khía cạnh nào đó, lại gây một số bất lợi cho công tác phòng-chống dịch. Thực trạng dịch bùng phát tại các làng DTTS trên địa bàn TP. Pleiku và một số vùng lân cận thời gian qua đã cho thấy rõ điều này.

Từ cuối tháng 10-2021 đến nay, Covid-19 bắt đầu “tấn công” nhiều làng DTTS tại TP. Pleiku. Đầu tiên là chùm ca bệnh tại làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ), phát hiện ngày 25-10 sau một đám tang. Tiếp đến, chùm ca bệnh tại làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Kép (phường Đống Đa) phát hiện liên tiếp trong hai ngày 4 và 5-11; chùm ca bệnh tại làng Tiêng 1, Tiêng 2 (xã Tân Sơn) rộ lên từ ngày 20-11…

Lực lượng chức năng phun khử khuẩn người ra vào khu vực tạm thời phong tỏa làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn người ra vào khu vực tạm thời phong tỏa làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính

Từ đây, dịch Covid-19 lan ra trên diện rộng với hàng trăm ca mắc trong thời gian ngắn, đặc biệt là tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Từ ngày 18-11 đến sáng 21-11, xã Hà Bầu đã ghi nhận 169 ca mắc tại 7/8 thôn, làng. Đây được xác định là ổ dịch lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, nguồn lây từ làng Kép (phường Đống Đa) và có thể đã qua 3-4 chu kỳ lây nhiễm, có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và lễ hội cúng lúa mới. Tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), Covid-19 cũng bắt đầu “ghé thăm” sau những đợt dân làng đổi công gặt lúa. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, nhiều trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp, thời gian ủ bệnh dài ngày, chỉ khi thực hiện test nhanh tại các cơ sở y tế mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch rất cao.

Gia Lai có đến 45% dân số là đồng bào DTTS với tính cộng đồng được thể hiện đậm nét. Đây cũng chính là điểm thu hút du khách đến với vùng đất cao nguyên để được hòa mình vào vòng xoang và tiếng chiêng lễ hội, ăn nắm cơm mừng lúa mới, say một cuộc pơ thi… Nhiều hoạt động kéo dài đến vài ba ngày, gắn kết chặt chẽ tình thân. Trở thành thói quen, do đó việc thay đổi là điều không hề dễ dàng. Với cộng đồng các DTTS, yêu cầu phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, tránh tụ tập… là điều khá xa lạ và khó thực hành. Do vậy, giải pháp hữu hiệu và cấp thiết nhất hiện nay là tuyên truyền để bà con nhận thức rõ nguy cơ hiện hữu: Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế mà còn đe dọa tính mạng. Để làm được điều này cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân nghe và làm theo, đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch. Động thái này càng cần thiết khi đây là thời điểm nhiều buôn làng đang chuẩn bị cho lễ mừng lúa mới vui mùa no đủ.

Đặc biệt, cách thức tuyên truyền để thay đổi tập tục trong tang ma cần tiến hành khéo léo, mềm mỏng, song cũng phải quyết liệt. Vừa qua, chính quyền phường Hoa Lư đã thành công trong việc vận động một gia đình ở làng Ốp không tổ chức đám tang tại nhà khi có người thân qua đời. Sau khi gia đình hiểu ra và đồng thuận, người mất được tổ chức mai táng luôn ngay lúc đưa về, tránh tụ tập để hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, để người dân yên tâm thực hiện cách ly tập trung, UBND phường Đống Đa cũng triển khai cách làm hay, đó là bố trí lực lượng giúp bà con thu hoạch lúa và trông coi nhà cửa, tránh mất mát tài sản.

Thêm một bất cập khác được nêu ra trong công tác phòng-chống dịch ở vùng DTTS, đó là điều kiện cách ly tại nhà của đa số người dân không đảm bảo, do vậy khó thực hiện yêu cầu cách ly theo quy định đối với các F0 sau điều trị. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng đề xuất: Ngoài việc triển khai khẩn cấp các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho thành phố có khu vực riêng để cách ly các trường hợp nêu trên và hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện.

Chưa khi nào hoạt động cộng đồng bị hạn chế như hiện nay, gây khó khăn ở mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh… Các làng đồng bào DTTS cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Dù vậy, yêu cầu nghiêm ngặt về giãn cách để đảm bảo tính mạng người dân, khống chế nhanh dịch bệnh là mục tiêu tối thượng. Thay vì duy trì lề lối sinh hoạt cũ rất cần sự đồng tâm, đồng lòng thực hiện tốt các quy định phòng-chống dịch, trong đó có quy định về giãn cách. Vì đó mới là “liều thuốc” hữu hiệu để đẩy lùi Covid-19, trả lại những nếp sinh hoạt truyền thống tốt đẹp của buôn làng.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới