Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiGia Lai: 'Ung thư giai đoạn cuối' vì... hồ tiêu

Gia Lai: 'Ung thư giai đoạn cuối' vì… hồ tiêu

Những năm trước, giá hồ tiêu có lúc lên đến 230.000 đồng/kg, nhiều người ở thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh (Gia Lai) đã đổ xô đi trồng loại cây được cho là vàng đen này. Trong cơn sốt đó, nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng chỉ sau một vài mùa vụ, xây cất được nhà đẹp, sắm ô tô xịn cùng những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền khác. Giờ đây, khi đất đai ở đây đã quá ‘ô nhiễm’, giá cả loại nông sản này không chỉ xuống thấp mà cây tiêu còn hay bệnh, chết đã khiến nhiều gia đình lâm cảnh không còn nhà để ở, không có gạo để mà ăn…

Ngán tiêu đến tận cổ

Đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pưh, điều gây ngạc nhiên đó là có rất nhiều căn nhà đẹp nhưng để hoang, treo biển bán. Hỏi thì được biết, người dân vay tiền ngân hàng để trồng hồ tiêu, giờ tiêu chết và giá thấp nên họ treo biển bán nhà để trả nợ. Ngặt nỗi, ở đây ai cũng đang trầy trật vì hồ tiêu nên gia chủ dù đã treo biển từ lâu nhưng không bán được.

Người dân khóc ròng vì cây hồ tiêu

Đến thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, được nghe người dân kể về hành trình làm giàu cũng như suy sụp vì cây tiêu của gia đình bà Lê Thị Vui (sn 1957). Thời vàng son, gia đình bà sở hữu gần chục ha đất trồng hơn 20.000 trụ tiêu. Những năm ấy, bà Vui luôn được xếp vào diện nông dân sản xuất giỏi, hễ có chương trình điển hình tiên tiến nào là bà đều được chính quyền nêu tên, đài báo đến quay phim chụp ảnh ầm ầm, các ngân hàng ở địa phương luôn trong tâm thế ân cần trải thảm đỏ…

Ngày ấy, gia đình bà sở hữu 2 căn nhà đắt tiền, con cái có ô tô xịn để đi lại. Giờ đây, dù đã bước vào cái tuổi 60 nhưng bà vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau tự trồng trong vườn để mưu sinh qua ngày, con cái vì chán đời nên chẳng tha thiết mần ăn. Bà Vui kể, những năm trước, trồng tiêu dễ như trồng dây khoai lang. Gia đình bà chỉ trúng vài vụ là đã có tiền mua đất, cất nhà. Tiêu thì cứ hàng ngày tăng giá, thế là gia đình bà cứ lấy tiền lợi nhuận thu được của năm trước, vay thêm ngân hàng để tập trung mua đất xuống trụ, cho đến khi được 20.000 gốc. Ba năm nay, vườn tiêu bệnh chết liên tục, gia đình bà Vui đã đổ vào đấy không biết bao nhiêu là thuốc thang nhưng vẫn không chữa khỏi.

Khi tiền mặt trong nhà không còn thì cũng là lúc từng chiếc bìa đỏ lần lượt vào ngân hàng nhưng đáng buồn là tiêu vẫn bệnh. Đến khi nợ lên đến con số 4 tỷ đồng thì cũng là lúc 20.000 trụ tiêu chết sạch. Giờ đây, hàng tháng bà phải gồng số lãi hơn 30 triệu đồng trong khi cả gia đình chẳng có bất cứ nguồn thu nào khác. Để trả tiền lãi đến hạn, gia đình bà đã phải cực chẳng đã nhổ 12.000 trụ tiêu bằng gỗ lên bán với giá 80.000 đồng/trụ. “Đau đớn lắm chú à, lúc mua là gần 300.000 đồng/trụ, giờ bán tháo không bằng 1/3 số vốn, nhưng cũng phải bán chứ biết lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng”, bà Vui đau đớn kể.

Người dân nhổ trụ tiêu đem bán để đóng lãi ngân hàng

Cũng theo bà Vui, số còn lại là 8.000 trụ xi măng, không ai mua nên vẫn còn trên rẫy chứ không thì cũng bán chứ để làm gì bởi bà đã chán ngấy cây tiêu đến tận cổ, giờ có ai cho thêm tiền bà cũng kiên quyết lắc đầu. Bà Vui cho biết muốn bán tất cả nhà đất để trả ngân hàng cho rảnh nợ nhưng khổ nỗi dù treo biển đã lâu nhưng chẳng có ai mua. “Tôi đã già rồi, sống chẳng được mấy năm nữa nhưng phải mang số nợ quá lớn nên không thể yên lòng. Mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để gia đình thay đổi cây trồng, có cơ hội trả nợ ngân hàng”, bà Vui mong mỏi.

Cũng như bà Vui, trước đây, bà Hồ Thị Sinh (sn 1942) cũng trở thành ‘đại gia’ ở thị trấn Nhơn Hòa nhờ hồ tiêu. Dân trong vùng một thời chép miệng khen về cuộc hôn phối giữa con cái hai gia đình bà Vui và bà Sinh vì cho rằng rất môn đăng hộ đối. Bà Sinh kể, sau khi dựng vợ gả chồng và chia đều vườn tiêu cho các con, bà vẫn còn giữ được 2ha đất với gần 3.800 trụ tiêu để dưỡng già.

Ba năm nay, vườn tiêu bị bệnh, bà Sinh cũng đã đổ vào đó không biết bao nhiêu tiền thuốc nhưng vẫn không hiệu quả. Trong cơn túng quẫn, bà Sinh đã cầm cố nhà đất vay ngân hàng 900 triệu đồng để chữa bệnh cho vườn tiêu nhưng kết quả là 3.800 trụ chết sạch. Đến hạn đóng lãi, không có nguồn nào khác, bà Sinh buộc phải nhổ 3.800 trụ gỗ lên bán được 220 triệu đồng. Bà Sinh bảo số tiền trên chỉ gồng tiền lãi được một thời gian, giờ sắp đến kỳ nữa rồi mà nhà đang thiếu ăn thì biết xoay đâu ra.

Khi chúng tôi hỏi vì sao các con bà không phụ cha mẹ trả nợ, bà Sinh buồn rầu nói: cả 4 đứa con cũng đang nợ ngân hàng gần 9 tỷ đồng, có đứa đã bị niêm phong nhà, ai cũng khốn khổ như nhau. Hiện tại, dù đã ngoài thất thập cổ lai hi nhưng hàng ngày bà Sinh vẫn phải một mình lội vào làng dân tộc bán từng chiếc bánh, que kẹo để mua gạo về nấu cho mấy đứa cháu ăn. Bà đang rất lo lắng cho các con, các cháu bởi cái án mất nhà ra đường ở đang treo lơ lửng, rồi chuyện thất học, tương lai chẳng biết đi về đâu…

Bỏ nhà tha phương

Hay tin chúng tôi về phản ánh, hơn ba chục hộ dân ở các thôn Hòa Thắng, Hòa Bình, Hòa An… đã kéo đến gửi gắm lời kêu cứu đến các cơ quan Nhà nước nhờ can thiệp, giúp đỡ. Trong số này, người nợ ít thì ở con số 100 triệu, người nhiều lên đến 4,6 tỷ đồng, tất cả đều đang trong tình trạng ‘ung thư giai đoạn cuối’, không còn khả năng thanh toán thậm chí là tiền lãi. Ai cũng đều như đang ngồi trên đống lửa, đang hết sức lo lắng về tương lai phải ra đường ở, con cái sẽ thất học. Ước tính sơ sơ, chỉ một nhóm nhỏ này mà số nợ ngân hàng đã đến vài chục tỷ đồng, trộm nghĩ, chẳng biết cả huyện Chư Pưh, rồi huyện Chư Sê và cả tỉnh Gia Lai sẽ là bao nhiêu tỷ?

Nhiều gia đình treo biển bán nhà lấy tiền trả ngân hàng

Vợ chồng chị Lương Thị Bích Phượng (sn 1977) trước đây được người dân khen ngợi là hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ hai bàn tay trắng, họ đã từng bước tạo lập được một cơ ngơi vững vàng nhờ cần mẫn trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ tiêu đã để lại cho gia đình chị Phượng số nợ ngân hàng 4,6 tỷ đồng.

Chị Phượng cho biết, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng thêm tiêu với hi vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 4 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày bở hơi tai chạy đôn chạy đáo, chầu chực vay nóng đảo nợ ngân hàng, vay nguội trả nợ vay nóng, vay ngân hàng An Bình để trả nợ ngân hàng Nông nghiệp…

Và đến giờ này thì gia đình chị Phượng đã bất lực trước món lãi hơn 40 triệu đồng/tháng. Theo người dân ở đây, sau khi dùng hạ sách là nhổ bán hết trụ tiêu, họ đã trồng các loại nông sản ngắn ngày nhưng thu nhập chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng. Nhiều người từng ngồi ô tô tiền tỷ nhưng giờ phải đi làm thuê để có cái ăn, nhưng giữa thời buổi khó khăn này, chẳng ai có việc cho họ làm. Một số bất đắc chí thì buông xuôi, bỏ nhà, bỏ cha bỏ mẹ dắt díu nhau vào các tỉnh miền Nam kiếm việc làm, mặc cho ngân hàng xử lý tài sản như thế nào cũng được. “Ở thị trấn Nhơn Hòa đã có bốn người vì chịu không nổi áp lực ‘nợ trong nợ ngoài’ nên đã uống thuốc độc tự tử”, người dân đồng loạt kể.

Nhiều người phải bỏ xứ ra đi, bỏ mặc nhà cửa hoang hóa

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh-phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha đất trồng hồ tiêu. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 300 ha tiêu ở các xã Ia Blứ, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Hrú… bị chết hoàn toàn. Trước đây, vì Chư Pưh là đất mới nên trồng tiêu dễ như trồng khoai lang. Giờ đây, đất đã bị ô nhiễm quá nặng nề, không thuốc nào có thể trị được dịch bệnh của cây tiêu nên chuyện người dân trắng tay, nợ nần chồng chất vì chuyện này là có thật.

Theo ông Khánh, dân luôn cho rằng giá tiêu có thể ổn định mãi mãi nên đã tập trung tiền lợi nhuận những năm làm được để mua đất, ồ ạt xuống trụ. Mà để trồng 1.000 trụ tiêu, phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng bao gồm cả tiền mua đất, đó là suôn sẻ, chứ tiêu bệnh thì còn tốn kém hơn nhiều. Bên cạnh đó, những năm đó, các ngân hàng rất khuyến khích nông dân vay vốn trồng tiêu nên giờ dân Chư Pưh nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều người nguy cơ phải ra đường ở khi đến hạn mà không có tiền trả lãi. Rất nhiều người đã rao bán đất song giờ đây chẳng ai có tiền để mà mua.

Cũng theo ông Khánh, Chư Pưh có 80% dân số là nông dân, mà hiện tại họ không có tiền tiêu xài nên đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của huyện như chuyện kinh doanh, buôn bán, dịch vụ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nợ thuế dẫn đến thu ngân sách không đạt và nhất là ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. “Để giải quyết khó khăn, huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã tham mưu huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại nông sản khác để tạo đầu ra ổn định, tránh cho nền kinh tế của huyện phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu”, ông Khánh nói.

Theo Baotainguyenmoitruong.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới