Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024
Trang chủThời SựGiá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh

Giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh

* Các địa phương ứng phó hạn, mặnSáng 4-1, giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh, tại nhiều địa phương còn dưới mức 80.000 đồng/kg. So với lúc giá cao nhất, giá lợn hơi đã giảm hơn 25.000 đồng/kg.

Thịt lợn được bày bán tại chợ Nhà lồng 3, Trung tâm Thương mại Cái Khế (TP Cần Thơ). Ảnh: KHÁNH TRUNG

Tại miền nam, ở hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu giá lợn hơi dao động 77.000 đến 81.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành phố lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long…, từ 81.000 đến 83.000 đồng/kg. Tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, lợn hơi có giá từ 81.000 đến 87.000 đồng/kg. Ðáng lưu ý, tại các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thường có giá cao nhất nay giảm sâu, xuống 81.000 đồng/kg. Khu vực phía bắc, giá lợn hơi tại Thái Nguyên ở mức 78.000 đến 80.000 đồng/kg. Tại Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Ðịnh, giá lợn hơi ở mức 82.000 đến 85.000 đồng/kg.

* Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, mực nước trung bình các hồ chứa khu vực Ðông Nam Bộ hiện chỉ còn khoảng 78% dung tích thiết kế; trong đó: Bình Dương (73%), Bình Phước (92%), Tây Ninh (87%), Ðồng Nai (84%) và Bà Rịa – Vũng Tàu (55%). Ðến tháng 2, ở khu vực Ðông Nam Bộ phổ biến không mưa, tháng 3 và tháng 4 phổ biến thấp hơn từ 10 đến 20% trung bình nhiều năm. Ðông Nam Bộ có diện tích cây trồng ngoài khu vực công trình thủy lợi khá lớn (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), cho nên khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các công trình thủy lợi nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ hôm nay (5-1) đến ngày 10-1, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Ðộ mặn trên các sông ở Nam Bộ sẽ giảm dần, sau tăng trở lại và đạt mức lớn nhất tuần vào những ngày cuối tuần. Ðộ mặn lớn nhất tuần tại các trạm phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn độ mặn tuần trước.

* UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trước tình hình hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, ngay từ giữa năm 2019, tỉnh Bến Tre đã triển khai các giải pháp ứng phó. Ðến nay, tỉnh đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, công trình đầu mối, nhà máy nước để vận hành công trình lấy nước, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000 m3…

* Thời gian gần đây, tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy (huyện Ba Tri, Bến Tre) xảy ra hiện tượng nghêu chết cục bộ trên các bãi gò cao, với diện tích khoảng 50 ha, ước thiệt hại khoảng 280 tấn nghêu thịt. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do nghêu bị sốc độ mặn đột ngột. Trước đó, độ mặn đo được ở khu vực nuôi từ 17 đến 18‰, đến thời điểm phát hiện nghêu chết thì độ mặn đo được là 25‰.

* Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các đơn vị liên quan và người dân tích cực chủ động phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống chịu mặn, ngắn ngày, thích nghi với điều kiện hạn, mặn. Ðối với những vùng điều kiện sản xuất khó khăn do thiếu nước, người dân nên chuyển đổi sang cây trồng khác. Ðồng thời, rà soát hệ thống thủy lợi, tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn tại các vùng, khu vực trọng điểm…

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp TP Hà Nội sẽ tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tái đàn lợn ở các cơ sở đủ điều kiện về chuồng trại, dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh. Ðồng thời, triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin đạt tỷ lệ cao để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Tổng tẩy uế môi trường, ngăn chặn mầm bệnh tại môi trường, làm giảm sự lây nhiễm mầm bệnh giữa các vùng, cơ sở chăn nuôi. Thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở… Ðược biết, số lượng đàn gia súc của TP Hà Nội hiện là 24.000 con trâu, hơn 134.000 con bò, 1,139 triệu con lợn, 40,1 triệu con gia cầm.

* Do nhu cầu tiêu thụ hải sản cao trong dịp Tết Nguyên đán, tại nhiều khu chợ hải sản lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: chợ Còng (Tĩnh Gia), chợ Cột Ðỏ (Sầm Sơn), chợ Ðiện Biên, chợ đầu mối rau quả thực phẩm Ðông Hương (TP Thanh Hóa)…, tình hình giao dịch đã bắt đầu sôi động hơn so với những ngày trước đó. Theo khảo sát, năm nay giá các mặt hàng hải sản tăng cao so với cùng thời điểm của những năm trước. Hải sản tươi tăng từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg, hải sản khô tăng từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do giá thịt lợn tăng cho nên giá các mặt hàng hải sản tăng theo.

* Tại vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), giá tôm hùm thời gian gần đây giảm xuống mức thấp. Hiện, giá tôm xanh chỉ khoảng 600.000 đồng/kg, còn tôm bông khoảng 1,3 triệu đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi hầu như không có lãi.

* Tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), thời gian qua giá tôm hùm xanh liên tục giảm mạnh xuống mức 600.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi tôm thua lỗ. Dự báo trong thời gian tới giá tôm hùm xanh khó tăng cao, khả năng chỉ giữ ở mức khoảng 700.000 đồng/kg.

Cứu nạn kịp thời bảy thuyền viên tàu chở hàng đắm trên sông Hồng

3 giờ sáng 4-1, nhận được tin báo có một tàu hàng bị đắm trên sông Hồng, Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông đã có mặt kịp thời, cứu bảy thuyền viên bị nạn, đồng thời điều tiết giao thông và cảnh báo nguy hiểm tại khu vực tàu đắm. Phương tiện bị đắm có số đăng ký NB-8022, trọng tải 850 tấn, do anh Nguyễn Văn Ðệ, sinh năm 1974, thường trú tại Nho Quan, Ninh Bình làm thuyền trưởng. Khi phương tiện lưu thông đến đoạn hạ lưu cầu Hưng Hà, bờ trái sông Hồng, thuộc xã Hoàng Hanh, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) thì gặp sự cố rò rỉ nước vào khoang tàu, làm tàu nghiêng lệch và bị đắm. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

PV và CTV

Theo Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới