Thứ Tư, 16 Tháng 4, 2025
Trang chủGiá Cả Thị TrườngGiá tiêu hôm nay 15-4: Giải mã vị trí số 1 của...

Giá tiêu hôm nay 15-4: Giải mã vị trí số 1 của tiêu Việt Nam

Giá tiêu hôm nay tạm thời không có biến động khi sóng gió thuế quan tạm lắng và nông dân tiếp tục thu hoạch tiêu vụ này.

Vụ tiêu của Việt Nam thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm. Sớm nhất là khu vực Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước (đã kết thúc) sau đó chuyển đến các tỉnh Tây Nguyên (hiện thu hoạch cuối vụ) và khu vực miền Trung.

Giá tiêu hôm nay 15-4 phổ biến ở mức từ 156.000 – 157.000 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua. Đây là giá cơ bản, chưa tính cộng thêm hoặc trừ giá, tùy theo chất lượng từng lô hàng.

So với đầu vụ năm ngoái, giá tiêu cao gấp đôi nhưng so với thời hoàng kim cách đây gần 10 năm giá tiêu vẫn còn thấp. Giai đoạn 2015-2016, giá tiêu từng ở mức 230.000 đồng/kg khi giá vàng chỉ khoảng 35 triệu đồng/lượng, tức 1 tấn tiêu có thể mua 6,5 lượng vàng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam là nước xuất khẩu tiêu số 1 thế giới với tỉ lệ áp đảo.

Năm 2024, xuất khẩu tiêu toàn cầu đạt 451.265 tấn, riêng Việt Nam chiếm 250.600 tấn, tức hơn 1/2 toàn cầu.

Một vườn tiêu ở Đắk Nông có địa thế không bằng phẳng nên không thể cơ giới hóa. Nhân công hái tiêu phải khéo léo để báo vệ sức khỏe cây tiêu
Một vườn tiêu ở Đắk Nông có địa thế không bằng phẳng nên không thể cơ giới hóa. Nhân công hái tiêu phải khéo léo để báo vệ sức khỏe cây tiêu

Ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam còn nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều quốc gia để phục vụ chế biến và tái xuất khẩu. Nhờ đó, sản lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn sản lượng trồng trong nước. Điều này cho thấy công nghệ chế biến tiêu của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại tự do ngày càng chịu nhiều rào cản về thuế quan, việc minh bạch chuỗi cung ứng và đẩy mạnh chế biến sâu đang trở thành thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu.

TS Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX hồ tiêu Lâm San (Đồng Nai), cho rằng việc ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu thu hoạch thủ công, chưa cơ giới hóa không phải là điểm yếu, mà ngược lại, đây chính là lợi thế cạnh tranh.

Ông lý giải nếu áp dụng cơ giới hóa, các quốc gia có diện tích canh tác lớn sẽ dễ dàng mở rộng vùng trồng tiêu. Tuy nhiên, chi phí lao động tại các nước này rất cao, riêng công thu hoạch đã lên tới 50 USD/ngày, khiến họ không thể cạnh tranh nổi. “Tiêu Việt Nam giữ được vị thế dẫn đầu thế giới chính vì chưa có… máy hái tiêu” – ông Luân nói vui nhưng đầy ẩn ý.

Theo Tin-ảnh: Ngọc Ánh (NLĐO)

/ Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới