Hơn 400 cây cà chít, căm xe, bằng lăng… ở huyện Chư Prông chết khô, ngã đổ do bị khoan gốc, đổ hóa chất.
Theo Kiểm lâm huyện Chư Prông, ở địa bàn thời gian qua xảy ra nhiều vụ phá rừng. Tại tiểu khu 932 thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ tại xã Ia Púch, có 76 gốc cà chít, dầu và chồi (đường kính 9-33 cm) bị khoan gốc, đổ hóa khiến cây chết khô.

Ở cánh rừng xã Ia Mơr, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ la Meur, có 204 cây căm xe, cà chít, dầu bị cưa hạ, với hơn 3.100 m2 đất rừng bị phá. Cánh rừng do UBND xã Ia Mơr quản lý cũng bị xâm hại trên 2.800 m2, đường kính gốc từ 40-130 cm, gồm: keo dậu, bằng lăng, trâm, ngành ngạnh, kơ nia…
Theo ông Lê Anh Dục, Phó hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, do địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng nên khó kiểm soát. Cuối năm ngoái đến tháng 10/2023, ngành chức năng phát hiện, lập biên bản 17 vụ phá rừng, bắt giữ gần 8.000 m3 gỗ.
Để xảy ra tình trạng phá rừng do trên địa bàn quy hoạch công trình thủy lợi. Theo đó, năm 2025, dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo vùng tưới cho dự án thuỷ lợi nói trên, nhiều năm qua Gia Lai liên tục trình Thủ tướng xin chuyển đổi hơn 8.000 ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, song Quốc hội không thông qua.

Người dân địa phương “đón đầu” bằng cách chặt phá, đẽo gốc, đốt hàng nghìn cây, lấn chiếm, mở rộng diện tích đất rừng làm nông nghiệp, chờ đền bù. Tình trạng phá rừng xảy ra nhiều ở dọc tuyến kênh chính thuỷ lợi Ia Mơr.
Ông Lê Anh Dục cho hay trước tình trạng phá rừng gia tăng, kiểm lâm phối hợp cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự. Đồng thời chính quyền tăng cường tuyên truyền người dân, ngăn chặn phá rừng.
Trần Hóa
Nguồn: Vnexpress