Theo nhận xét của một số hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đức Cơ là “mảnh đất quyến rũ” của nhiều loại hình du lịch. Thiết kế hành trình xuyên biên giới, khám phá vùng đất biên cương với những di tích lịch sử, những vùng sinh thái tự nhiên hiếm quý, hay quay về với phong vị văn hóa bản địa của người Jrai là một hành trình đẹp và ý nghĩa.
Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Di tích Lịch sử chiến thắng Chư Ty, Di tích Lịch sử chiến thắng Chư Bồ, phòng tuyến Chư Ty-Oyadav, đồi Phượng Hoàng… là những cái tên mà bất cứ ai thuộc lịch sử địa phương cũng đều nhận ra giá trị của từng địa danh. Đây cũng là những địa danh không mấy xa lạ trong các tour đưa khách thăm chiến trường xưa của một số đơn vị lữ hành.
![]() |
Cây đa làng Ghè được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Phương Linh |
Lật lại những trang sử vàng của vùng đất biên cương này, câu chuyện về những trận đánh, những chiến thắng vang dội là đề tài vô tận để các hướng dẫn viên khai thác cho mục đích du lịch. Từng câu chuyện càng trở nên sống động hơn khi gắn với các di tích chiến thắng đã và đang được huyện làm hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh này. Cùng với những điểm đến thú vị khác như cây đa làng Ghè trên 200 tuổi-được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (năm 2016), Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cột mốc số 30 và đoạn đường nối 2 Trạm kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav (Campuchia), khu rừng hương hiếm quý cuối cùng ở Gia Lai, suối Đôi… thì chắc chắn hành trình xuyên biên giới sẽ có nhiều điều để du khách trải nghiệm, nhớ về vùng đất cực Tây của tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Tiến-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ, cho biết: Rừng hương xã Ia Kriêng rộng gần 3 ha với hàng ngàn cây giáng hương lớn nhỏ nằm giữa 2 làng người Jrai là làng Grôn và làng Gà, hiện được huyện lên kế hoạch khảo sát để hình thành khu du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa-ẩm thực. Khu rừng này thực sự là báu vật đối với những người yêu thiên nhiên, muốn tận thấy rừng hương nguyên sinh quý giá trên cao nguyên Gia Lai. Muốn vào đến quần thể rừng hương, du khách sẽ đi qua những bạt ngàn cao su, những ngôi làng Jrai nơi biên cương với dấu ấn văn hóa bản địa in đậm trong cách sinh hoạt, ăn ở. Hành trình ấy cũng là một trải nghiệm đầy thú vị.
Ngoài ra, khu vực suối Đôi (xã Ia Dom) với vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn là điểm đến du khách nên ghé thăm trong hành trình khám phá nơi này. Nhiều năm trước, ngành du lịch tỉnh đã có những đợt khảo sát để hình thành tour, tuyến cho loại hình du lịch sinh thái với diện tích toàn khu lên đến hàng trăm ha. Sở dĩ người dân gọi là suối Đôi bởi khu vực này có 2 dòng suối chảy song song cùng đổ ra sông mẹ Sê San, ở giữa và quanh khu vực là quần thể núi đá vôi rộng lớn được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của rừng cây. Một vùng sinh thái tươi mát với cảnh quan vừa kỳ vĩ, vừa có chút nguyên thủy cộng hưởng với sự hồn hậu, chân chất của những cư dân bản địa tạo nên giá trị của điểm đến trong hành trình. Từ địa điểm này đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cột mốc số 30 và đoạn đường nối 2 Trạm kiểm soát Cửa khẩu này với Cửa khẩu Oyadav (Campuchia) không còn xa. Trong hành trình ấy, nếu ngẫu hứng ta có thể ghé thăm những ngôi làng Jrai dọc tuyến biên giới.
Sau khi khám phá hết những điểm đến kể trên, trước khi trở về Phố núi Pleiku, du khách có thể ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, nơi hàng ngàn anh hùng liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến nằm lại. Nghĩa trang có tổng diện tích 4,4 ha với gần 1.700 phần mộ liệt sĩ nhưng chỉ có trên dưới 100 phần mộ xác định được danh tính. Điểm đến này đón hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm, không chỉ những cựu binh mà thế hệ con cháu họ ở mọi miền Tổ quốc cũng thường xuyên tìm về.
Một hành trình xuyên biên giới đã được huyện Đức Cơ đưa vào quy hoạch để hình thành tour, tuyến khai thác du lịch trong nay mai. Trong đó, sẽ kết nối các điểm đến hiện có thành những tour cố định, có giá trị để khai thác hiệu quả du lịch địa phương. Ông Nguyễn Đình Tiến cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ khảo sát thêm một số điểm, lập quy hoạch, cắm bảng chỉ dẫn, kết nối các điểm trở thành một tuyến thuận lợi nhất cho du khách khi đến tham quan, đồng thời phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, tài nguyên thiên nhiên hiện có. Bên cạnh đó, gắn với đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đầu tư cho các điểm di tích đã được công nhận như làm đường, nhà bia, đài tưởng niệm và những hạng mục liên quan; tăng cường quảng bá du lịch địa phương…”.
Nguyên Bình
Baogialai.com.vn