Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiHãy cứu lấy rừng thông!

Hãy cứu lấy rừng thông!

Cùng với một số tỉnh miền núi phía Bắc, cây thông được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng. Ngoài công dụng lấy nhựa, lấy gỗ, những cánh rừng thông còn có tác dụng điều hòa khí hậu, cải tạo cảnh quan môi trường. Đặc biệt, khi đến Tây Nguyên, du khách thường bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hoặc của những đồi thông xanh, những con đường thông uốn lượn như dải lụa giữa cao nguyên hùng vĩ.

Từ lâu, những đồi thông xanh là đặc trưng của cả khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, dưới sự tác động của con người, diện tích thông ở Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp. Trước đây, quốc lộ 14 và 19 là những con đường rợp bóng thông xanh. Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều khu vực, những cánh rừng thông bị phá nham nhở, có nơi thông hoàn toàn biến mất nhường chỗ

cho những rẫy cà phê, hồ tiêu và khu dân cư.

Thời gian gần đây, dư luận rất quan ngại khi hàng loạt vụ xâm hại rừng thông diễn ra trên địa bàn các tỉnh: Gia Lai và Lâm Đồng. Theo đó, mới đây, gần 11 ha rừng thông ba lá khoảng 20 năm tuổi bị đầu độc chết trắng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, nhiều cánh rừng thông ở Đà Lạt cũng bị xà xẻo để lấy đất phục vụ mục đích thương mại. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung điều tra, làm rõ và xử lý triệt để.

Tuy không ồ ạt như Lâm Đồng nhưng việc “tùng xẻo” những cánh rừng thông ở Gia Lai cũng đã đến mức báo động. Theo đó, hàng ngàn cây thông tại TP. Pleiku và các huyện Mang Yang, Đak Đoa bị “bức tử” trong thời gian qua. Ngay cả hàng thông cổ thụ ở xã Nghĩa Hưng, nơi được mệnh danh là “con đường Hàn Quốc”, là điểm check-in quen thuộc của du khách cũng bị xâm hại. Theo kết quả điều tra ban đầu của ngành chức năng và chính quyền các địa phương, có 2 nhóm hành vi phá thông. Thứ nhất, vì hám lợi nên một số đối tượng lén lút róc vỏ thông để bán hoặc ken cây để lấy nhựa thông. Đây là hành vi đe dọa trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển của thông. Trên thực tế, nhiều cây thông bị chết vì bị róc vỏ, ken cây vô tội vạ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, hành vi phá rừng thông để lấy đất sản xuất hoặc làm nhà ở mới vô cùng nguy hiểm. Cùng với quá trình “gặm nhấm” của con người, những cánh rừng thông vĩnh viễn bị xóa sổ, thay vào đó là vườn rẫy, nhà ở.

“Hãy cứu những cánh rừng thông trên quốc lộ 14 Tây Nguyên!”-đó là tên một phóng sự truyền hình do VTV8 thực hiện năm 2017. Lời kêu cứu ấy như càng thống thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều cánh rừng thông bị đầu độc, rỉa rói, gặm nhấm như hiện nay. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng xâm hại rừng thông, theo chúng tôi, chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Theo đó, vấn đề đầu tiên là điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình xâm hại rừng thông. Cùng với đó, chính quyền các cấp cần quy hoạch, phân định rạch ròi giữa khu vực vườn rẫy, nhà dân và rừng thông. Nếu để tình trạng vườn rẫy, nhà dân “sống chung” trong rừng thông thì tất yếu sẽ dẫn đến nguy cơ lấn chiếm đất rừng. Cùng với đó, cấp có thẩm quyền đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm của đơn vị chủ rừng. Nếu đơn vị chủ rừng nào để thất thoát tài sản của Nhà nước thì phải xử lý nghiêm, kể cả việc phải bồi hoàn nguyên trạng vốn rừng đã có.

Tây Nguyên không thể không có thông xanh. Vì vậy, cùng với việc bảo vệ những rừng thông còn lại, các địa phương cũng cần quy hoạch và mở rộng diện tích rừng thông một cách hợp lý. Bởi lẽ, cây thông không những phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên mà còn là loài cây đa mục tiêu, đa lợi ích.

DUY LÊ

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới