Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024
Trang chủThời SựHết mình với múa

Hết mình với múa

Từ ngoại hình tới tính cách của biên đạo múa Trần Ly Ly dường như đều có phần gai góc hơn so với hình dung thường thấy về một phụ nữ hoạt động trong ngành múa. Nhưng khi trò chuyện và làm việc với chị, cảm nhận người phụ nữ này đích thị được sinh ra cho múa.

NSƯT Trần Ly Ly (bên phải) trong một buổi tập với các nghệ sĩ.

Trần Ly Ly sinh năm 1978 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố chị nguyên là Hiệu trưởng Trường cao đẳng Múa Việt Nam – cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa ba-lê nước nhà; mẹ chị từng là diễn viên ba-lê múa đơn của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, cho nên chị đến với múa thật tự nhiên. Từ năm 10 tuổi, Trần Ly Ly đã tự đăng ký dự tuyển vào trường múa để phải tự gò mình vào kỷ luật “thép” của những buổi luyện tập vừa khó, vừa khổ. Chị vẫn nhớ như in cảm giác của chuỗi ngày phải làm quen với đau nhức, mệt mỏi để tập đứng hàng giờ trên những đầu ngón chân, để chinh phục những động tác khó tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng. Ly Ly tâm sự, cách đây vài chục năm, múa là ngành nghệ thuật chưa mấy được coi trọng ở nước ta, để theo đuổi phải vất vả tập luyện hàng chục năm nhưng ra trường chưa chắc đã sống và gắn bó được với nghề. Trong khi đó, ngoài múa, chị còn học khá giỏi và chắc các môn văn hóa cho nên không ít lần, Trần Ly Ly muốn chuyển sang những ngành học “thời thượng” hơn. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì những giải thưởng múa chuyên nghiệp cứ thế liên tiếp đến, những dự án múa lớn, nhỏ cứ thế cuốn chị theo để rồi gắn bó với múa đến nay.

Sau tám năm được đào tạo chuyên nghiệp tại trường múa, Trần Ly Ly thi đỗ thủ khoa Khoa Sáng tác Múa Trường đại học Sân khấu – Ðiện ảnh Hà Nội. Nhưng chưa kịp nhập trường, cô gái 19 tuổi đã giành được học bổng sang Ô-xtrây-li-a học múa. Bước ngoặt đến với Trần Ly Ly khi chị tình cờ gặp nghệ sĩ múa người Pháp Rê-gin Sô-pi-nô. Phát hiện tài năng múa thiên bẩm ở chị, bà giúp chị sang Pháp thực tập và làm việc tại đoàn ba-lê nổi tiếng Át-lăng-tích Rê-gin Sô-pi-nô do chính bà làm giám đốc. Bà đặt ra nhiều kế hoạch cho Ly Ly và mong muốn chị hợp tác lâu dài. Ðiều này đồng nghĩa chị sẽ có một tấm vé để phát triển tài năng tại Pháp – nơi được coi là thiên đường của nghệ thuật múa thế giới. Nhưng chị đã từ chối để tiếp tục sang Ô-xtrây-li-a học lên bậc đại học chuyên ngành múa tại Ðại học Tổng hợp Quyn-xlen. Nhiều người nói, chị “dại” khi từ bỏ cơ hội tốt đến vậy để sau đó phải vất vả làm thêm đủ thứ nghề trang trải cho học tập, sinh hoạt nơi đất khách quê người. Nhưng Trần Ly Ly là thế, chị thường không đi những con đường bằng mà lựa chọn những ngã rẽ gập ghềnh bởi chỉ như thế, chị mới thỏa mãn khao khát được học hỏi, được trưởng thành từ thách thức và khám phá năng lực bản thân. Ðiều này cũng lý giải tại sao Trần Ly Ly quyết định gắn bó với múa đương đại, một “địa hạt” mà cách đây vài năm vẫn còn quá lạ, quá mới đến mức khó cảm thụ đối với công chúng trong nước. Nhưng như cách chị nói thì chỉ có múa đương đại mới đủ rộng lớn để người nghệ sĩ tự do khai thác tối đa ngôn ngữ cơ thể, được sáng tạo với nhiều ý tưởng, không gian và thời gian khác nhau. Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, Trần Ly Ly luôn chứng minh múa không đơn thuần chỉ là chuyển động cơ thể mà còn là ngôn ngữ của tư duy. Mỗi động tác của người nghệ sĩ phải chuyển tải được những thông điệp toát ra từ chính văn hóa và vốn hiểu biết. Thế nên, để chạm đến tận cùng vẻ đẹp của sự chuyển động, chị luôn không ngừng trau dồi, học hỏi. Sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, Trần Ly Ly tiếp tục học thạc sĩ văn hóa học và hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành nghệ thuật học.

Sẽ là không đủ nếu kể ra những giải thưởng, để định nghĩa về dấu ấn của Trần Ly Ly đối với múa đương đại Việt Nam. Bởi khó có thể thống kê hết những huy chương, bằng khen, chứng nhận thành tựu trong, ngoài nước mà chị đã đạt được. Dù ở cương vị nào, cái tên Trần Ly Ly cũng là sự bảo đảm cho chất lượng nghệ thuật. Ở vai trò diễn viên, chị là linh hồn của nhiều tác phẩm được dàn dựng bởi các biên đạo nổi tiếng quốc tế. Ðặc biệt, ở cương vị biên đạo múa, chị là người sáng tạo, chắp cánh cho hàng loạt tác phẩm múa đương đại gây tiếng vang tại các liên hoan, hội diễn trong, ngoài nước như: Một ngày, Sống trong hộp, Ðê, Thiền, Hóa vàng, Hạn hán, Sắc sắc không không… Mỗi tác phẩm đều kích thích mạnh mẽ giác quan của người xem bởi vẻ đẹp tổng hòa của ngôn ngữ cơ thể, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ…, từ đó cất lên tiếng nói của thế giới nội tâm với nhiều cung bậc cảm xúc. Và việc được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) năm 2016 khi tuổi đời còn khá trẻ, lại bằng những thành tích ở múa đương đại – lĩnh vực mà Trần Ly Ly là một trong những người tiên phong ở Việt Nam chính là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực sáng tạo của chị.

Năm 2018, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly rời ghế Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP Hồ Chí Minh để đảm nhận vị trí mới. Trần Ly Ly nhìn thấy ngành múa Việt Nam đang “khát” những tác phẩm múa lớn. Ðể lấp khoảng trống đó, với vai trò quản lý kiêm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chị đang cùng các cộng sự trong nhà hát xây dựng những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm mà trước mắt là loạt chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (1959-2019) sẽ ra mắt thời gian tới như: vở ba-lê Hồ thiên nga, vở nhạc kịch ô-pê-ra Người tạc tượng…

TRANG ANH

Theo Sggp.org.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới