Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủCông NghệHổ không muốn ăn thịt người, nhưng chúng ta không cho chúng...

Hổ không muốn ăn thịt người, nhưng chúng ta không cho chúng nhiều lựa chọn

Những con hổ ăn thịt người là sản phẩm của tình trạng khủng hoảng khí hậu do chính con người gây ra.

Cách sống của loài người trên Trái đất hiện nay đang gây ra nạn tuyệt chủng đối với các loài sinh vật khác ở một tốc độ ngày càng nhanh chưa từng có tiền lệ. Tính đến lúc này, hơn một nửa trong số hàng triệu loài sinh vật “không có môi trường thuận lợi để sinh tồn trong thời gian dài” và nhiều khả năng sẽ tuyệt chủng trừ khi môi trường sống tự nhiên của chúng được khôi phục. Nhưng chúng ta đã và đang thấy những vấn đề lớn xảy ra từ hệ quả của sự xâm phạm này, thể hiện qua cuộc xung đột ngày càng tăng giữa người và động vật.

Một bằng chứng cụ thể là Avni, một con hổ cái ăn thịt người ở Ấn Độ. Tại quốc gia này, các loài báo, sư tử, và hổ ăn thịt người không hề hiếm – nhiều con bị giết và bị bắt hàng năm. Nhưng Avni  được nhiều người biết đến khi chính quyền quyết định sử dụng nước hoa của Calvin Klein làm mồi nhử dụ con hổ vào bẫy. Đáng buồn thay, mọi chuyện thất bại, Avni bị săn lùng và cuối cùng bị giết chết.

Vụ việc đau lòng này đã làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề đạo đức, tính thực dụng, và các nhà bảo tồn thì phát điên lên khi Avni bị sát hại. Nhưng có một vấn đề mà người ta đã quên nhắc đến: điều gì đã khiến Avni trở thành một con hổ ăn thịt người?

Có rất nhiều lý do phức tạp và cụ thể đằng sau việc hổ ăn thịt người. Nhưng tất cả đều có gốc rễ từ biến đổi khí hậu. Đa dạng sinh học suy giảm, nơi sinh sống bị tước đoạt, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, và cuộc chạy đua khai thác tài nguyên thiên nhiên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sống của các loài động vật trên toàn thế giới. Người ta nhắc đến Avni không phải vì phương thức dùng nước hoa để dụ nó vào bẫy – vốn chưa từng được áp dụng trước đây – mà là vì cuộc sống và cái chết của nó đã cho chúng ta biết thêm về khủng hoảng khí hậu như thế nào.

Đất của loài người và đất của loài hổ

Thông thường, chúng ta phân biệt “đất của loài người” và “đất của động vật” theo định nghĩa: đất của người là những vùng con người sinh sống, thống trị; đất của động vật là những vùng được dành riêng cho các loài động vật. Trong đất của động vật, có những khu vực phù hợp cho đời sống của loài mèo lớn. Ví dụ, báo thích sống trong các khu rừng nhiều bụi rậm, còn hổ thích các khu rừng dày đặc cây cối. Nhưng sự phân biệt về không gian này ngày càng mờ nhạt dần đi, đặc biệt tại các quốc gia với mật độ dân cư cao như Ấn Độ.

Hiện có rất nhiều bằng chứng cho thấy hổ và báo xuất hiện tại các khu vực nơi con người thống trị trên toàn Ấn Độ. Avni là một con hổ không được sinh ra trong vùng đất của loài hổ, mà trong vùng không dành cho loài hổ, hay nói cách khác, “đất của loài người”. Người ta nói rằng Avni thường lượn quanh các nông trại, vùng ngoại ô…và săn…con người cùng vật nuôi của họ. Việc phát hiện thấy những loài mèo lớn tại khu vực dân cư không còn là một chuyện hi hữu nữa – trong tương lai sẽ còn nhiều vụ việc như vậy. Khi các khu vực thành thị được mở rộng ra, rừng bị chặt phá, thì chúng ta sẽ phải nghĩ đến việc chia sẻ thêm đất đai với loài mèo lớn.

Lệnh cấm thịt bò của Ấn Độ

Câu chuyện của Avni còn khiến chúng ta thấy rõ những chính sách của loài người đang làm tình hình trầm trọng thêm, nếu không muốn nói là đang thực sự tạo ra cuộc xung đột giữa người với động vật. Một khả năng khác là lệnh cấm giết vật nuôi gây tranh cãi tại bang Maharashtra, nơi Avni sinh sống, đóng một vai trò khá lớn trong việc tạo nên một con hổ ăn thịt người.

Có lẽ Avni bị thu hút đến làng vì những con mồi không có khả năng phòng vệ. Nhưng khả năng cao hơn – theo nhiều tờ báo đã chỉ ra – là con hổ này bị thu hút đến những trang trại của con người để săn các loài vật nuôi tại đó. Việc Ấn Độ cấm thịt bò vô tình biến con người thành con mồi của loài hổ, thay vì những chú bò!

Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã quá rõ ràng để phủ nhận. Khí hậu thay đổi, mang đến không chỉ những con sông khô cằn, những sự kiện thời tiết khắc nghiệt, mà còn mang cả những con mèo lớn vào thành phố. Khi bạn thấy những con báo bước đi gần cửa ngõ vào New Delhi, hay lẩn khuất quanh các sân golf ở Gurgaon, chắc chắn không thể nói rằng chúng đi lạc được.

Tương tự, khi một con hổ cái lảng vảng quanh khu vực sinh sống của con người và bắt đầu thèm thịt người, nó không còn đơn thuần là một con hổ lạc đường nữa. Avni và những con mèo lớn khác là những biểu hiện cho thấy biến đổi khí hậu đã làm gì với hiện tại của chúng ta. Những sự khác biệt mà chúng ta từng cho là hiển nhiên – như đất của hổ và đất của loài người – nay không còn nữa.

Minh.T.T

Theo Vnreview.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới