Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủTin Gia LaiHọc sinh Gia Lai chế tạo cánh tay robot giúp bốc vác...

Học sinh Gia Lai chế tạo cánh tay robot giúp bốc vác vật nặng

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn đã được học trò thể hiện tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam.

 Em Nguyễn Đỗ Quốc Anh đang điều khiển cánh tay robot trước sự dõi theo của khách tham quan. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
 Em Nguyễn Đỗ Quốc Anh đang điều khiển cánh tay robot trước sự dõi theo của khách tham quan. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sáng 19-3, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam đã kết thúc với 13 đề tài được trao giải nhất. Các dự án được giải nhất của các nhóm lĩnh vực đã tham gia phần thi bằng tiếng Anh để chọn đội tuyển dự thi Intell năm 2019 tại Mỹ.

Cánh tay robot giúp bốc vác vật nặng

Trong cuộc thi khoa học kỹ thuật năm nay, lĩnh vực robot thu hút nhiều học sinh nghiên cứu. Tại phòng trưng bày, sản phẩm “cánh tay robot” của em Nguyễn Đỗ Quốc Anh (học sinh Trường THPT Pleiku, Gia Lai) thực hiện nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, giáo viên từ các tỉnh, thành.

Xuất phát từ việc chứng kiến người dân quê mình lao động, bốc vác nặng, Quốc Anh đã lên ý tưởng thực hiện dự án. “Cánh tay robot” sử dụng nguồn điện gió và mặt trời vận chuyển hàng hóa ở vùng sâu, vùng xa và được điều khiển bằng điện thoại. Dự án của em đã đoạt giải tư của cuộc thi.

“Việc chế tạo cánh tay robot cần phối hợp nhiều kiến thức liên môn như tin học, toán học, vật lý, công nghệ và rất nhiều kiến thức liên quan khác. Với kiến thức nền tảng của cấp THPT, em đã nghiên cứu, thiết kế phần cơ khí và hệ thống mạch điện tử hoàn toàn theo cách riêng của mình để điều khiển robot. Đặc biệt, có thể nói là viết được phần mềm mới điều khiển robot thông qua điện thoại và theo dõi trạng thái hoạt động của robot trên giao diện này. Điểm sáng tạo của dự án có lẽ là sự tích hợp nguồn năng lượng sạch vô tận trong tự nhiên để điều khiển robot, tạo thành một bộ sản phẩm khép kín hoàn chỉnh, sử dụng được ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điện lưới quốc gia” – Quốc Anh tâm sự.

Tương tự, cũng đam mê về lĩnh vực robot và máy thông minh, em Phạm Văn Thanh Giàu (học sinh lớp 12, Trường THPT Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã thực hiện dự án “Cánh tay robot cộng tác”. Đề tài đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi.

Chia sẻ về việc thực hiện dự án trên, Thanh Giàu cho biết em đã phải mất hơn nửa năm để tiến hành đề tài này. Em đam mê lĩnh vực robot và máy thông minh, vì thế em muốn dựa trên những kiến thức mà mình đã được học để sáng chế ra một sản phẩm có thể giúp ích cho con người.

“Sản phẩm điều khiển bằng cử chỉ tay trong không gian ba chiều. Với thiết kế và những ứng dụng của nó, cánh tay robot có thể thay thế con người làm việc ở những môi trường độc hại, nguy hiểm, rủi ro hoặc hỗ trợ trong đời sống thường ngày như một số người bị tai nạn, bệnh tật, tai biến dẫn đến việc tay họ có thể cử động nhưng bị yếu đi, không thể làm việc nặng, tăng gia sản xuất. Cánh tay này giúp họ làm việc mà không cần phải trực tiếp tham gia, đồng thời giúp họ hồi phục chức năng cánh tay, tránh các tai nạn đáng tiếc” – Thanh Giàu giải thích.

Thiết kế dụng cụ hỗ trợ học sinh khiếm thị

Ngoài lĩnh vực robot, lĩnh vực vật lý và thiên văn cũng được nhiều học sinh chọn lựa để nghiên cứu. Xuất sắc vượt qua rất nhiều dự án, đề tài “Thiết kế một số dụng cụ hỗ trợ các em khiếm thị thực hành môn vật lý” của hai em học sinh Trường THCS-THPT Tân Phú (TP.HCM) đã đoạt giải nhất.

Đề cập đến lý do chọn đề tài, em Lê Nguyễn Anh Khôi, đại diện nhóm thực hiện, nói: “Đối với các em khiếm thị, việc học còn nhiều cản trở vì chưa được “hành” nhiều do không được trang bị các dụng cụ dạy và học đặc thù. Vì thế chúng em đã tiến hành nghiên cứu và chế tạo một số dụng cụ để hỗ trợ các em thực hành môn vật lý”.

Anh Khôi cho biết nhóm đã chế tạo ra bộ dụng cụ gồm các sản phẩm: thước thẳng, thước kẹp, bình đo thể tích, lực kế, cân và nhiệt kế. Bộ dụng cụ này sẽ giúp các em hiểu rõ các đại lượng cơ bản của môn vật lý. Bên cạnh đó còn có thể tận dụng tổ chức cho học sinh thực hành nhiều bài ở nhiều khối học.

“Sau khi hoàn thành bộ sản phẩm, chúng em đã mang đến thực nghiệm tại lớp 9A2, Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) dưới sự hướng dẫn của cô Phan Thị Bé. Các em rất hào hứng và thích thú với bộ sản phẩm, đặc biệt các em rất thích cân và nhiệt kế vì được báo âm, giúp các em tiếp cận kiến thức nhanh và dễ dàng nhất.

Qua quá trình thực hiện dự án, chúng em thấy rằng ý tưởng thiết kế các dụng cụ thực hành dựa trên sự phát triển tốt cơ quan xúc giác và thính giác của các em là rất hợp lý. Đặc biệt có hai vấn đề cần giải quyết để tiếp tục phát triển dự án trong thời gian tới là thiết kế thêm dụng cụ đo cường độ dòng điện, hiệu điện thế và dụng cụ hỗ trợ mô phỏng cho các em tư duy kích thước của vật theo không gian ba chiều” – Anh Khôi chia sẻ thêm.

Theo 24h.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới