Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiHọc sinh trường huyện sáng tạo máy trợ thở

Học sinh trường huyện sáng tạo máy trợ thở

Với mong muốn giảm áp lực cho bệnh viện trong các đợt cao điểm dịch Covid-19, 2 em Phan Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Hưng Thịnh (lớp 11B1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã chế tạo thành công máy trợ thở với thiết kế nhỏ gọn, giúp bệnh nhân suy hô hấp nhẹ có thể điều trị tại nhà. Sản phẩm đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Sau khi mắc Covid-19, chị Nguyễn Thị Thanh Giang (thôn Chư Hậu 5, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) luôn có cảm giác tức ngực, khó thở. Được người quen giới thiệu, chị đã sử dụng máy trợ thở do Dũng và Thịnh sáng chế. Chị cho hay: “Lần đầu mới làm quen với máy, tôi có chút khó khăn, nhưng chỉ sau chừng 1 phút là có thể thích nghi; nhịp thở của tôi cũng dần được cải thiện và trở về trạng thái bình thường. Máy dễ sử dụng và di chuyển vì khá nhẹ, lại có thể hoạt động qua kết nối với nguồn điện cố định tại chỗ lẫn nguồn điện từ pin sạc dự phòng”.

Sản phẩm này được 2 nam sinh cho ra mắt vào tháng 1-2022 tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học sau 3 tháng hiện thực hóa ý tưởng. Dũng chia sẻ: Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng em cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc chiến đầy cam go này. Trong đầu 2 đứa lúc ấy lóe lên ý tưởng chế tạo 1 loại máy trợ thở không xâm lấn, tiện dụng và có thể vận chuyển như các hàng hóa, nhu yếu phẩm khác để giúp bệnh nhân suy hô hấp nhẹ có thể sử dụng để hỗ trợ điều trị tại nhà. Không chỉ góp phần giảm áp lực cho lực lượng y tế mà máy sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển nặng.

Phan Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) và Nguyễn Hưng Thịnh (lớp 11B1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) lắp ráp máy trợ thở. Ảnh: Mộc Trà
Em Phan Nguyễn Anh Dũng (bìa trái) và Nguyễn Hưng Thịnh (lớp 11B1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) lắp ráp máy trợ thở. Ảnh: Mộc Trà

“Hiện nay, các loại máy trợ thở trên thị trường có giá bán từ 13 triệu đồng trở lên, kiểu dáng không gọn nhẹ và chỉ phù hợp dùng trong bệnh viện. Vì vậy, mục tiêu chúng em hướng đến là chế tạo 1 chiếc máy có giá thành rẻ, gọn nhẹ, dễ di chuyển và có thể kết nối với nguồn điện AC (nguồn điện cố định tại chỗ) và DC (dùng sạc dự phòng của điện thoại) nhằm đem đến sự tiện dụng nhất cho người dùng”-Thịnh tiếp lời.

Dựa vào kiến thức môn Vật lý-Công nghệ đã được học trên lớp, kết hợp với những thông tin tìm hiểu được qua sách, báo và internet, 2 em bắt tay thiết kế sơ đồ nguyên lý của mạch điều khiển và sơ đồ cấu tạo của máy trợ thở rồi tiến hành chế tạo mạch điện theo sơ đồ.

Về cơ chế hoạt động, máy sẽ thông qua mạch ARDUINO được lập trình nhúng điều khiển động cơ thay thế cho tay người tác dụng lực lên bóng thở ambu đẩy oxy vào mũi, miệng của bệnh nhân. Các em cũng lập trình sẵn cho máy 3 chương trình hoạt động đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành với các thông số về dung tích khí, áp suất, nhịp thở một cách phù hợp nhằm giúp người sử dụng dễ dàng lựa chọn, nhất là trong những tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, người dùng máy còn có thể thay đổi các thông số thông qua những núm xoay có sẵn trên máy.

Dự án nghiên cứu của Nguyễn Hưng Thịnh (thứ 2 từ trái sang) và Phan Nguyễn Anh Dũng đạt giải ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh: Mộc Trà
Dự án nghiên cứu của Nguyễn Hưng Thịnh (thứ 2 từ trái sang) và Phan Nguyễn Anh Dũng đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh: Mộc Trà

Sau khi hoàn thành sản phẩm, 2 nam sinh đã tìm đến một số người lớn tuổi có biểu hiện suy hô hấp, bệnh nhân Covid-19 hay bạn bè tập luyện thể thao quá sức dẫn đến khó thở để mời thử nghiệm sản phẩm. “Kết quả mang lại ngoài sự mong đợi của chúng em khi tất cả những người sử dụng đều đánh giá sản phẩm tốt, hiệu quả và tiện dụng. Chiếc máy trợ thở đã giúp người dùng điều chỉnh hô hấp của bản thân đến lúc bình thường trở lại. Đặc biệt, giá thành sản phẩm khá hợp lý, chỉ rơi vào khoảng 2,2 triệu đồng/máy”-Dũng thông tin.

Là người đồng hành cùng 2 em học sinh từ những ngày đầu cho đến lúc ra mắt sản phẩm, cô Ngô Thùy Nhung-giáo viên Vật lý (Trường THPT Phạm Văn Đồng) chia sẻ: Chiếc máy trợ thở được chế tạo thành công là tiền đề để Dũng và Thịnh tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thêm nhiều dự án nữa vì cộng đồng.

MỘC TRÀ

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới