Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
Trang chủThời SựHồng Đào: ‘Cuộc đời không có sai lầm, chỉ có bài học’

Hồng Đào: ‘Cuộc đời không có sai lầm, chỉ có bài học’

Biến hóa từ vai người mẹ trong Thưa mẹ con đi sang Thúy Liễu đanh đá trong vở kịch Lan và Điệp, Hồng Đào lại đang ở trong những ngày tháng đau buồn vì sự ra đi của người bạn thân nhất.

Hồng Đào: Cuộc đời không có sai lầm, chỉ có bài học - Ảnh 1.

Nhiều người nói với tôi rằng về mặt phong thủy, đáng lẽ tôi nên tập sao cho mắt đỡ buồn. Nhưng trong diễn xuất có lẽ đó là ưu điểm của tôi.

Nghệ sĩ HỒNG ĐÀO

Sau khi vào Nam ra Bắc ra mắt phim điện ảnh Thưa mẹ con đi, Hồng Đào trở về chốn quen thuộc: sân khấu kịch Sài Gòn. Đến nhà hát Bến Thành tập vở Lan và Điệp, Hồng Đào mặc váy suông, đi giày bệt thoải mái, khác hẳn với hình ảnh quyến rũ trên thảm đỏ hai ngày trước đó.

Cô đào nổi tiếng 30 năm trước và người mẹ hôm nay

Trong vở Lan và Điệp (diễn ngày 17 và 18-8 tại TP.HCM), Hồng Đào vào vai Thúy Liễu – người vợ đanh đá của Điệp. Vai này thật khác so với người mẹ tên Hạnh trong Thưa mẹ con đi, một bà mẹ Việt Nam điển hình, làm dâu trưởng và lo toan mọi thứ, về già trông cậy vào con trai độc nhất.

Về với sân khấu kịch Sài Gòn, Hồng Đào trở về với tuổi trẻ rực rỡ. Hơn 30 năm trước, chị là đào đẹp nổi tiếng của sân khấu nhỏ 5B và sân khấu nhà hát Hòa Bình với các vở Lôi vũ, Ngôi nhà không có đàn ông, Tình nghệ sĩ, Chuyến tàu hoàng hôn, 41 đóa hồng… Nét mặt sắc sảo và đầy số phận của Hồng Đào khiến khán giả lưu luyến. Chị và Hồng Vân là cặp bạn thân trên sàn diễn và trong cuộc sống.

Thời đó, nghe đồn Hồng Đào là bóng hồng được nhiều kép đẹp thương nhớ. Được hỏi chuyện này, chị trách đùa: “Ai nhớ nhung gì thì khi tôi còn ở đây người ta hổng nói. Đợi tôi sang Mỹ rồi mới nhắn tin nói. Kể tên thì tôi không kể đâu, dù sao cũng là chuyện đã qua”.

Năm 1994 ở tuổi 32, Hồng Đào rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Kể từ đó, chị được biết đến với danh xưng diễn viên hài nhiều hơn. Những ai từng xem, từng nhung nhớ Hồng Đào “chính kịch” của ngày xưa, hẳn giờ đây cũng lớn tuổi hoặc có tuổi thơ gắn bó với kịch Sài Gòn.

Khác với sân khấu, điện ảnh có khả năng lưu giữ mãi hình ảnh của người diễn viên ở một độ tuổi nhất định. Và người mẹ trong Thưa mẹ con đi sẽ còn được khán giả nhớ lâu, không chỉ vì đây là vai người mẹ xuất sắc của điện ảnh Việt mấy năm nay, mà còn vì diễn xuất nhẹ nhàng lời nói, nặng trĩu ánh mắt của Hồng Đào.

Biến hóa vốn là điều thường thấy ở chị. Ngay trước Thưa mẹ con đi, chị có một vai điện ảnh độc đáo khác: chị Tài – vị khách quen của Trọng Thoại (Trấn Thành) trong phim vượt 200 tỉ doanh thu Cua lại vợ bầu. Nhân vật này là một chị trung niên ăn mặc như thanh niên, chơi xe cổ và sống bất cần, phóng khoáng.

Tiếp nữa, trong web-drama Phượng Khấu chưa ra mắt, Hồng Đào lại đóng Từ Dụ thái hậu – người đàn bà nổi tiếng triều Nguyễn với tạo hình quý phái, cổ điển, đôi khi già hơn rất nhiều so với tuổi thực.

Điểm chung giữa những người phụ nữ đó là gì? Chính là ánh mắt biết nói của Hồng Đào.

Hồng Đào: Cuộc đời không có sai lầm, chỉ có bài học - Ảnh 3.

Lập tiểu sử nhân vật để hiểu nhân vật hơn

Bà Hạnh trong Thưa mẹ con đi được nhiều khán giả nhận xét là vai diễn trọng tâm của phim, được đặt cân bằng bên cạnh tuyến truyện về tình yêu lãng mạn giữa hai chàng trai Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Võ Điền Gia Huy). Điều đó có được nhờ kịch bản đầu tư cho nhân vật bà mẹ và công lớn thuộc về diễn xuất của Hồng Đào.

Đặt bao nhiêu kỳ vọng nhưng lại biết con là người đồng tính, Hồng Đào thể hiện sự dằn vặt, giằng xé đầy tiết chế và giàu nội tâm. Thậm chí nhân vật ít khi rơi nước mắt, đôi khi rất lạnh dù đau xé lòng bên trong.

Hồng Đào tiết lộ thói quen của chị khi nhận mọi vai diễn là lập tiểu sử cho nhân vật để hiểu nhân vật hơn. Với bà Hạnh “làm vợ thì ngắn mà làm dâu thì dài”, chị mường tượng những nỗi đau bà phải trải trong suốt mấy chục năm cuộc đời cô độc.

“Tôi hình dung chồng bà Hạnh tên gì, làm nghề gì, qua đời khi bà Hạnh bao nhiêu tuổi. Trong tâm trí tôi, chắc hẳn chồng chết khi bà mới 20 hoặc 30, còn rất trẻ. Chắc chắn họ rất yêu nhau nên cái chết của người chồng đã để lại khoảng trống không gì bù đắp nổi trong lòng bà” – Hồng Đào bộc bạch.

Nghe chị nói, khán giả có thể hiểu được vì sao cái nhìn của bà Hạnh với Văn luôn trộn lẫn mọi khía cạnh trong tâm can người mẹ: yêu thương, bao bọc, kỳ vọng, trách móc, tin tưởng, hoài nghi, giận nhưng rồi vẫn yêu thương.

Cũng như nhiều khán giả, Hồng Đào cho rằng người mẹ đã linh cảm về tình yêu của Văn và Ian ngay từ lần đầu gặp mặt và trong suốt hành trình. Mỗi lần chứng kiến hai chàng trai bên nhau, bà không tránh khỏi suy nghĩ đó nhưng vẫn cố gạt đi, không nói thành lời.

“Người mẹ biết hết mọi điều, mẹ chỉ không nói ra thôi. Chỉ cần đứa con có một nụ cười khác thường ngày, mẹ đã nhận ra rồi – Hồng Đào chiêm nghiệm – Người mẹ trong Thưa mẹ con đi rất kiệm lời vì đã quen cả đời cô độc. Nếu trên sân khấu diễn viên có đài từ, cơ thể để bộc lộ cảm xúc thì với điện ảnh, đôi khi tất cả phải gói gọn trong một ánh mắt”.

“Chỉ có bài học”

Những ngày này Hồng Đào thường chia sẻ hình ảnh vui tươi vì Thưa mẹ con đi nhận được nhiều lời khen. Nhưng cuối cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, chị tâm sự đang khủng hoảng sau cái chết của người bạn rất thân – biên đạo múa Hữu Trị – vào tháng 7.

Hữu Trị ra đi khi mới 55 tuổi, khiến bao bạn bè sốc và đau buồn. Hồng Đào có lẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì cả hai thân thiết không rời, là “bạn xem phim” và tâm sự mọi chuyện. Hữu Trị là người mà nếu Hồng Đào kêu mệt, kêu “muốn uống một viên thuốc ngủ”, anh sẽ gọi mấy cuộc điện thoại chỉ để chắc chắn rằng chị không gặp chuyện nghiêm trọng. Thế mà anh lại ra đi đơn độc. Mỗi lần muốn rủ ai xem phim, Hồng Đào lại nghĩ ngay đến Hữu Trị…

“Cuộc đời không nói trước được điều gì…” – chị nói, nỗi buồn lại hiện lên trong đáy mắt.

Giữa nàng đào đẹp 30 năm trước và Hồng Đào hôm nay, ai hạnh phúc hơn? Chị chia sẻ: “Không có hạnh phúc hơn mà là hạnh phúc theo cách nào. 30 năm trước, cô gái Hồng Đào hạnh phúc vì được khán giả đón nhận và có tương lai rực rỡ đang chờ phía trước. Còn nay, tôi hạnh phúc vì hai con khôn lớn, đã ra ngoài theo đuổi cuộc sống riêng”.

Tại Mỹ, Hồng Đào sống trong ngôi nhà có khu vườn đầy hoa do chính tay chị chăm sóc. Chị có chương trình trò chuyện mang tên Hồng Đào show, nơi chị gặp gỡ rất nhiều con người từ mọi thành phần và học thêm nhiều điều về cuộc sống ngoài kia. Thỉnh thoảng, chị bay về Việt Nam theo các đoàn làm phim.

Nhưng với Hồng Đào hôm nay, mất mát có góp phần trong hạnh phúc? Chị nói: “Cuộc đời không có sai lầm, chỉ có bài học. Mỗi lần có thêm bài học mới, nghĩa là mình sẽ mạnh hơn, mình nên vui chứ?”.

* Diễn viên Hồng Ánh: Tôi gọi chị Hồng Đào là “tiểu thư đa tài”

Chị Hồng Đào thuộc thế hệ đàn chị của tôi. Khi tôi mới bắt đầu, chị đã là diễn viên rất nổi tiếng của kịch Sài Gòn qua các vở trên sân khấu 5B, sân khấu thể nghiệm, kịch Trong nhà ngoài phố trên truyền hình. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Đào là mái tóc rất dài. Chị Đào đóng hài nhiều, nhưng tôi thích chị của chính kịch hơn.

Lứa các anh chị Hồng Đào, Hồng Vân, Thành Lộc, Thanh Thủy… chính là thế hệ vàng của sân khấu miền Nam. Họ đa dạng về tài sắc, mỗi người một cá tính khác biệt. Vai diễn của Hồng Đào trong các phim điện ảnh, trong đó có Thưa mẹ con đi, theo tôi là quá dư sức với chị, cũng như khi chị Hồng Vân đóng Cô Ba Sài Gòn.

Hơn nữa, sân khấu cho người diễn viên kỹ năng diễn xuất vững vàng, nếu họ biết kiểm soát tốt và phát huy trong điện ảnh thì sẽ rất dài và bền. Một diễn viên kỳ cựu, tài năng thì thời gian không có nghĩa lý gì hết. Đẳng cấp của họ là mãi mãi.

Với chị Hồng Đào, tôi nhớ nhất vai cô Út quyết liệt đi theo tình yêu trong Ngôi nhà không có đàn ông. Tôi cũng rất trân trọng chị ở nỗ lực giữ gìn sắc vóc, đó là điều rất chuyên nghiệp ở một diễn viên.

Tôi gọi chị Đào là “tiểu thư đa tài”.

MI LY

Theo Tuoitre.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới