Thứ Ba, 16 Tháng Tư, 2024
Trang chủTin Gia LaiIa Grai: Cơ sở xay xát, chế biến cà phê gây ô...

Ia Grai: Cơ sở xay xát, chế biến cà phê gây ô nhiễm

Thời gian qua, nhiều người dân ở huyện Ia Grai, Gia Lai rất bức xúc vì những cơ sở chế biến, xay xát cà phê ngày đêm hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe những người sống xung quanh.

Nhiều cơ sở xay xát, chế biến cà phê gây ô nhiễm

Do quá bức xúc với tình trạng ô nhiễm do cơ sở chế biến, xay xát cà phê của bà Nguyễn Thị Quế (thôn 4, xã Ia Tô) gây ra nên người dân đã phản ánh đến lãnh đạo huyện Ia Grai. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Ia Tô tiến hành kiểm tra, xác minh. Đoàn kiểm tra xác định, hộ bà Nguyễn Thị Quế được Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ với ngành nghề xay xát cà phê và kinh doanh phân bón. Hộ kinh doanh này đã có những sai phạm như: sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh là đất nông nghiệp, chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng các công trình nhà kho, bàn cân, 2 lò sấy cà phê trên đất nông nghiệp, không báo cáo với chính quyền địa phương và chưa được cấp phép xây dựng; không có cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, vào năm 2016, khi bà Quế làm 1 lò sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường đã bị ngành chức năng nhắc nhở. Năm 2017, bà Quế xây dựng lò sấy thứ 2 và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Vụ việc này đã được UBND xã Ia Tô lập biên bản xử phạt hành chính. Tuy nhiên, đến năm 2018, hộ kinh doanh này lại tiếp tục tái phạm.

  Cơ sở chế biến, xay xát cà phê của bà Nguyễn Thị Quế gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.                                              Ảnh: N.T

Cơ sở chế biến, xay xát cà phê của bà Nguyễn Thị Quế gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Ảnh: N.T

Đoàn kiểm tra thống nhất lập biên bản vi phạm, yêu cầu hộ bà Quế dừng các hoạt động xay xát, chế biến cà phê trong khi chưa có cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Đồng thời, yêu cầu bà Quế tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong đó có 2 lò sấy cà phê… Tuy nhiên, hộ bà Quế đã không chấp hành, chuyển việc xay xát cà phê vào ban đêm khiến người dân càng bức xúc hơn.

Ngoài cơ sở của bà Nguyễn Thị Quế, cơ sở xay xát, chế biến cà phê Nho Thụy (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha) cũng đã xây dựng lò sấy cà phê trái phép, không có cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Trong 2 năm liên tiếp, cơ sở đã hoạt động xay xát, sấy cà phê gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặc dù đã bị chính quyền địa phương xử phạt nhưng cơ sở vẫn tái phạm.

Bà Nguyễn Thị Hương (thôn 4, xã Ia Tô) bức xúc: “Cứ đến mùa thu hoạch là cơ sở xay xát cà phê làm khói bay mịt mù, đặc quánh khắp làng. Trẻ con ho, sổ mũi suốt ngày, người lớn thì khó thở. Tôi mong chính quyền địa phương di dời các cơ sở xay xát cà phê ra khỏi khu dân cư để người dân không bị ảnh hưởng”.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ô nhiễm

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn huyện có 200 cơ sở chế biến, xay xát cà phê, kinh doanh phân bón đã đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ sở xay xát, chế biến cà phê tại các xã, thị trấn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Phòng đã phối hợp cùng UBND xã, thị trấn xuống làm việc trực tiếp và đình chỉ hoạt động ngay lập tức cơ sở chế biến, xay xát cà phê của bà Nguyễn Thị Quế. Đồng thời, yêu cầu chủ các cơ sở làm bản cam kết không để tình trạng ô nhiễm môi trường tái xảy ra.

Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở xay xát, chế biến cà phê vi phạm, nhưng việc kiểm tra, xử lý của Phòng Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết, chế tài chưa đủ mạnh nên các cơ sở tiếp tục tái phạm. Vì vậy, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã, thị trấn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở xay xát, chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường. Nếu để tình trạng vi phạm xảy ra nhưng không phát hiện kịp thời thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Bí thư Huyện ủy Ia Grai-cho biết: “Thời gian tới, nếu người dân phát hiện cơ sở xay xát, chế biến nào gây ô nhiễm môi trường cứ báo qua số điện thoại đường dây nóng, tôi sẵn sàng tiếp nhận và có hướng chỉ đạo xử lý triệt để. Quan điểm của huyện là bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân”.

Ngọc Thu

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới