Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024
Trang chủDu Lịch Gia laiKhám phá miền núi Ngọc

Khám phá miền núi Ngọc

Nói một cách khái lược, ở Gia Lai có 2 “miền núi”: “miền núi Kông” ở phía Đông Bắc tỉnh, thuộc vùng cư trú đồng bào Bahnar và “miền núi Chư” ở phần còn lại, thuộc vùng cư trú đồng bào Jrai. Hai miền núi ấy đều tiếp giáp với “miền núi Ngọc” Kon Tum, đồng bào Xê Đăng gọi núi là “Ngok”.

Có thể kể từ ngọn Kông Ereng phía Nam TP. Kon Tum là điểm tiếp giáp với xã Hà Tây (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), điểm cuối của miền núi Kông. Núi này trong các tư liệu cũ và bà con tại chỗ đều gọi là Kông Ereng, nhưng ngày nay đã “biến” thành Chư Hreng! Có phải do nó đứng ngay chỗ tiếp giáp từ miền núi Kông sang miền núi Chư và gần như điệp liền vào núi Chư Thoi phía Đông đường 14 nối sang núi Chư Pao phía Tây đường 14, nơi ranh giới 2 tỉnh mà sinh ra “lẫn lộn”? Từ đây đến Tây Kon Tum (huyện Sa Thầy) còn “rơi rớt” thêm một số núi “Chư” nữa, như: Chư Đô, Chư Cam Lo, Chư Chóc, Chư Bốc Đắc… rải rác quanh “núi chủ” Chư Mom Ray, thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.

Kế liền các núi “Chư” ấy, theo một vòng cung, từ Tây sang Bắc, đến Đông Bắc Kon Tum, là cả một quần thể núi “Ngọc”. Có thể kể từ rặng Ngọc Rinh Rua trườn dài như con sâu róm khổng lồ về phía huyện biên giới Ngọc Hồi, vô số những đỉnh cao trên lưng nó là những “điểm cao” gắn liền các trận đánh nổi tiếng thời chống Mỹ, nay đã thành di tích lịch sử cách mạng (như Charlie, Delta…) với những ngọn Ngọc Tơ Lum, Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Win, Ngọc Tô Ba, Ngọc Tụ, Ngọc Wang Rơ Hôi…

 Núi Ngọc Linh. Ảnh: internet

Núi Ngọc Linh. Ảnh: internet

Qua Ngọc Hồi, đến đầu thị trấn huyện Đak Glei là ngọn Ngọc Teng Giang (quen gọi Đồi 910) có đặt cột ăng ten phủ sóng của Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện, rồi tới 2 ngọn Ngọc Teng Bu và Ngọc Teng Oi là các điểm cao lính Mỹ đóng giữ một thời… Đến đây coi như đã đi sâu vào “vương quốc miền núi Ngọc” địa võng thiên la, khó điểm danh hết được.

Vây quanh “núi chủ” Ngọc Linh sừng sững là những đỉnh cao ngất trời xanh. Ở đây có “hẻm núi chết” bên ngọn Ngọc Rêu, vì đồng bào bảo rằng đó là vùng gió xoáy, nhiều máy bay ngang qua đều bị cuốn rơi! Cũng tại khu vực này có núi Ngọc Haye mà các tư liệu cũ cho rằng sông Pô Kô phát nguyên từ đó. Một ngọn núi cao lừng lững đứng ngay sau lưng trụ sở xã Ngọc Linh khiến nhiều người ngỡ rằng đó là đỉnh Ngọc Linh, nhưng Ngọc Linh khuất sau núi ấy; đấy chỉ là Ngọc Đõ. Gọi là Ngọc Đõ vì trên núi có nhiều cây đõ, một loại thực vật cộng sinh trên các tán đại thụ khắp núi. Rồi Ngọc Săng (vì có nhiều cây săng trên núi); 2 ngọn Ngọc Giang và Ngọc Giương đứng song song (cùng mang truyền thuyết rằng thuở hồng hoang có trận mưa lũ lớn, nước dâng ngập hết cả vùng, duy chỉ 2 núi này vì có Yàng trú ngụ nên luôn vươn cao lên khỏi cơn hồng thủy). Rồi núi Ngọc Nhoong Hu (vì có dáng như chiếc kiềng bếp) choài về phía núi Ngọc Lây (trên địa phận xã Ngọc Lây). Tiếp đến, có thể nhắc tới Ngọc Pằng, nơi năm 1969 du kích xã Đak Na bắn rơi chiếc chiến đấu cơ Skyreider của Mỹ trên đỉnh núi để mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI người Mỹ còn lần đến kiếm tìm. Hay núi Ngọc Wăng Puốc là một truông đèo (Wăng: truông, đèo) chia xã Ngọc Linh (huyện Đak Glei) với xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), nơi có quần thể ruộng bậc thang kỳ thú…

Sang Tu Mơ Rông, gặp ngay núi Ngọc Roòng trên đỉnh cao ngất có suối Đak Y Hai đổ xuống thành thác lớn là căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thời đánh Mỹ. Rồi núi Ngọc Kơ Ang, Ngọc Krúi có hình dáng giống con voi đang chúi chiếc trán phẳng đưa vòi xuống phía dưới sâu hút nước. Sang xã Ngọc Yêu (vì có núi Ngọc Yêu) có núi Ngọc Kđõ (tức Núi Mũ, bởi giống cái mũ đội đầu, nơi phát nguyên sông Đak Kôi). Xa xa phía Đông Bắc là núi Ngọc Mên đứng làm ranh giới tự nhiên giữa xã Trà Nam của huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) với xã Măng Bút (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ở xã Măng Bút có ngọn Ngọc Krin, gần đó, thuộc địa phận xã Đak Tăng, là một đỉnh núi cao xanh chắn ngang trời, tên là Ngọc Chô (núi Chó). Nhìn về khu vực Bắc TP. Kon Tum có xã Ngọc Réo vì đó là tên một ngọn núi thuộc vùng căn cứ kháng chiến Ngọc Bờ Dềnh. Gần đấy là xã Ngọc Wang với núi Ngọc Wang và núi Ngọc Hơki Kơpô (núi Sừng Trâu), thời kháng chiến gọi đồi Anh Trỗi, bởi ở đó diễn ra lễ truy điệu Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, cũng là nơi tập kết Tiểu đoàn 406 đặc công để tiến vào tổng công kích thị xã Kon Tum vào Tết Mậu Thân 1968.

Ở Đông Bắc Kon Tum còn có con dốc Ngọc Lu vắt qua núi Ngọc Lu cao và dài nổi tiếng để sang xã Ngọc Tem với núi Ngọc Tem ven đường Trường Sơn Đông. Theo đường Trường Sơn Đông về phía xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), rẽ vào khu vực làng Kon Plinh (thôn 7, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có núi Ngọc Ro, nơi mà các tư liệu cũ cho là đầu nguồn sông Ba. Đến đây thì các núi đã tiếp sang “miền núi Kông”, mà cụ thể là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Chỉ thoáng thế thôi, khó lòng thống kê và ghi chép hết được tên gọi và những câu chuyện xung quanh từng hòn núi “Ngọc”, chỉ áng chừng có khi đến cả trên dưới… 50 ngọn lớn nhỏ như thế! Và, còn bao nhiêu điều kỳ thú nơi “miền núi Ngọc” đang đợi con người tiếp tục khám phá.

Tạ Văn Sỹ

Theo Baogialai.com.vn

Cùng chuyên mục

Giá Cả Thị Trường

Bài Viết Mới